Thực tập sinh New York Times: Học tâm lý để xóa bỏ định kiến

15/12/2016 13:27 PM | Sống

Thực tập ở The New York Times – một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất nhì ở Mỹ, Cao Thị Xuân Đài đã chia sẻ về những trải nghiệm quý giá của mình trong 3 tháng ở đây.

Đang là sinh viên năm cuối ngành nhân văn ở ĐH Columbia – top 5 đại học Mỹ trong bảng xếp hạng US News Ranking, Xuân Đài lại xin thực tập ở những vị trí hoàn toàn khác với chuyên ngành của mình là Quảng cáo/ Marketing.

Sau khi có trải nghiệm về một lĩnh vực mới, Đài lại quyết định sẽ học chuyên sâu hơn về Tâm lý học. Dự định của cô gái sinh năm 1992 là nộp đơn học Tiến sĩ Tâm lý học (chuyên về lâm sàng hoặc xã hội) trong vòng 1-2 năm tới.

Tuy vậy, thời gian 3 tháng thực tập ở The New York Times là những trải nghiệm quý giá mà Đài luôn trân trọng.

Đài cho biết, những kiến thức về tiếp thị và quảng cáo cô thu nhận được hoàn toàn thông qua sách báo chuyên ngành và nhờ tiếp xúc, học hỏi các anh chị, các bạn đang làm trong ngành. Trong thời gian đầu đi xin việc, vì chưa có kinh nghiệm, cô bị hầu hết các công ty lớn từ chối.

Top 30 công ty quảng cáo lớn nhất nước Mỹ mà cô “apply” đều không hồi âm. Đài chuyển sang xin thực tập ở những công ty nhỏ hơn. Nhờ tích cực làm việc và thể hiện năng lực của bản thân ở các công ty nhỏ, cộng với việc tiếp tục xây dựng mối quan hệ với các công ty mà dần dần cô xin được suất thực tập ở các công ty lớn hơn, điển hình là The New York Times.

“Trước khi vào The New York Times, mình đã có kinh nghiệm thực tập ở các công ty nhỏ hơn, làm việc trên mạng xã hội Facebook và các mạng xã hội khác phổ biến ở Mỹ như Twitter và Instagram. Vì vậy, họ quyết định phỏng vấn mình” – Đài chia sẻ.

Ngoài ra, trước khi phỏng vấn, cô cũng nghiên cứu trang của The New York Times trên các mạng này để chia sẻ với nhà tuyển dụng về lý do tại sao cô muốn làm việc ở đây và những kinh nghiệm của cô có thể đóng góp được gì cho trang của New York Times trên các mạng này.

New York Times: Công việc không phải là tất cả


Công việc của Đài ở The New York Times là trực Facebook của tờ báo này để cập nhật tin tức mới nhất cho hơn 10 triệu độc giả. Ảnh: NVCC

Công việc của Đài ở The New York Times là trực Facebook của tờ báo này để cập nhật tin tức mới nhất cho hơn 10 triệu độc giả. Ảnh: NVCC

Trong 3 tháng thực tập ở đây, công việc của Đài là tham gia nhóm mạng xã hội (social media), trực Facebook để cập nhật các tin tức mới nhất cho hơn 10 triệu độc giả New York Times trên Facebook.

Đài chia sẻ, dù chỉ làm việc trong vòng 3 tháng nhưng những trải nghiệm ở đây giúp cô học được cách xử lý tình huống nhạy bén. “Việc cập nhật tin tức trên Facebook chịu áp lực lớn về mặt thời gian khi có “breaking news” (tin ‘nóng’), cần phải đưa lên càng sớm càng tốt, tuy nhiên mình vẫn phải bình tĩnh đảm bảo tính trung thực, chính xác của tin tức”.

Dù làm việc cho tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ nhưng Đài cho biết, chưa bao giờ cô phải làm việc ngoài ca của mình. “Mọi người làm việc hiệu quả theo ca để phục vụ nhu cầu đọc tin online 24/7 của độc giả. Trong thời gian mình làm ở đó, mặc dù có nhiều tin tức nóng hổi (“breaking news”) nhưng nếu những tin này xảy ra không phải vào ca của mình, mình chưa bao giờ phải quay lại làm đột xuất hoặc làm thêm giờ”.

“Văn hóa cả công ty đều vậy, 9h sáng vào làm, 6 giờ chiều ra về. Mọi người còn được khuyến khích thành lập và tham gia các đội nhóm thể thao, nghệ thuật trong công ty, vì vậy, mọi người tập trung làm việc một phần để ra về đúng giờ và dành thời gian tham gia các hoạt động “ngoại khoá” này”.

Học tâm lý để xóa bỏ thành kiến


Đài và một người bạn ở Mỹ. Ảnh: NVCC

Đài và một người bạn ở Mỹ. Ảnh: NVCC

Nói về những khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới, Đài cho biết, tiếng Anh là thế mạnh của cô nên cô không gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. “Tuy nhiên, tiếng Anh tốt không có nghĩa là không gặp khó khăn gì” – Đài khẳng định. “Mình không có kiến thức về lịch sử, văn hoá Mỹ nên khi các bạn Mỹ đề cập đến những bộ phim, bài hát kinh điển vào thập niên 50, 60, mình hoàn toàn không biết”.

Theo Đài, ưu điểm của chương trình giáo dục đại học ở Mỹ là không bắt buộc sinh viên chọn chuyên ngành khi nộp đơn và trong suốt 2 năm đầu. “Vì vậy, sinh viên có thể thoải mái tìm hiểu các môn học hoàn toàn khác nhau từ Lịch sử, Văn học đến Công nghệ thông tin hoặc Sinh học. Học đại học không đơn thuần để có một cái nghề mà còn là thời gian để tìm kiếm xem mình hứng thú với cái gì, là cơ hội để học một cái gì đó - đơn giản là vì khoá học nghe có vẻ thú vị”.

Ngược lại, nhược điểm của giáo dục Mỹ là môn toán không được coi trọng và dạy nghiêm túc bằng chương trình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, Đài nhận định.

Chọn học chuyên sâu về Tâm lý học, Đài chia sẻ, vấn đề sức khỏe tâm thần ở Việt Nam và các nước châu Á chưa được chú trọng vì còn những thành kiến đối với việc chữa trị vấn đề sức khỏe tâm thần, trong khi điều này ở Mỹ là chuyện hoàn toàn bình thường.

“Mình quyết định chuyển từ marketing sang Tâm lý học vì mình cảm thấy đây là một thực trạng nhức nhối đã lâu. Ví dụ như báo đài đăng tin học sinh tự vẫn vì áp lực học tập từ nhà trường, gia đình, tuy nhiên ở trường học chưa có bộ phận hỗ trợ tâm lý. Ở Mỹ các trường đại học đều có văn phòng này. Vì vậy, mình theo học Tâm lý lâm sàng và xã hội với mong muốn nghiên cứu tìm ra cách giảm thành kiến đối với vấn đề tâm lý cũng như muốn tìm ra các phương pháp trị liệu phù hợp với văn hoá Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung để mọi người có thể nhận được sự giúp đỡ khi cần”.

Theo Nguyễn Thảo

Cùng chuyên mục
XEM