Thua lỗ ngập đầu ở tuổi nghỉ hưu, vị CEO 75 tuổi quyết 'sửa sai', đưa công ty trở lại với lợi nhuận cao kỷ lục

20/12/2017 14:19 PM | Kinh doanh

Hiện tại ở tuổi 77, vị CEO người Singapore đã có thể tự tin tìm người kế nhiệm.

Năm 2015, Yao Hsiao Tung đã 75 tuổi và ông biết mình đang già đi. Ông bắt đầu tìm người kế nghiệp vị trí CEO Hi-P International – một nhà sản xuất hợp đồng cho nhiều khách hàng bao gồm cả Apple và Amazon. Tuy nhiên, với việc công ty báo lỗ và khoản phạt 126 triệu USD thì kế hoạch này chưa thực hiện được.

Chuyện liên quan tới hợp đồng đầu tiên của công ty, kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore trở thành sai lầm lớn nhất mà Yao từng chứng kiến. Mảng điện tử của công ty đã ký hợp đồng đồng thiết kế và sản xuất màn hình điện thoại cho Yota Devices nhưng không qua bước rà soát đặc biệt. Hậu quả là công ty đối tác không nhận những chiếc điện thoại được phía công ty ông Yao sản xuất và cũng không đưa ra bất cứ thông báo nào.

2 năm trước, Hi-P phải chịu khoản thua lỗ 100 triệu đôla Singapore. Nhưng sang năm nay, công ty đang nhắm tới mức lợi nhuận năm cao kỷ lục, một nhần nhờ họ có hợp đồng với Apple. Cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 3 lần vào năm 2017 – cao hơn rất nhiều so với trung bình của tất cả các cổ phiếu được giao dịch.

"Chúng tôi phải đón nhận những rủi ro không đáng có nhưng tôi tin mình có thể xử lý được mọi tình huống", Yao nói.

Yao nói rằng ông được hỗ trợ tài chính từ các nhà băng bao gồm United Overseas Bank. Sau đó, ông thay đổi cấu trúc công ty, tạo ra 4 doanh nghiệp con để nhắm tới những phân khúc khách hàng khác nhau và bớt phụ thuộc hơn vào những khách hàng cá nhân. Ông cũng tăng cường việc tập trung vào khen thưởng, hỗ trợ nhân viên và cũng phát triển hệ thống để tính toán và giới hạn những rủi ro từ phía đối tác.

Cuối cùng, ông lên kế hoạch kiện Yota để bù đắp cho một phần thua lỗ. Họ đã kết thúc vụ kiện năm nay với 17 triệu USD và một thỏa thuận rằng Hi-P có thể bán những thiết bị tồn kho mà họ làm cho công ty của Nga.

Với những nỗ lực đó, cùng mối quan hệ tốt đẹp với Apple đã khiến Hi-P hồi phục đáng kể. Công ty của Yao đã công bố lợi nhuận năm 2016 đạt 54,5 triệu đôla Singapore và họ kỳ vọng con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Là một trong những công ty Singapore niêm yết hiếm có nằm trong danh sách 200 nhà cung ứng hàng đầu cho Apple, vì vậy Hi-P hưởng lợi rất nhiều từ việc ra mắt iPhone mới trong năm nay. Apple cũng kỳ vọng họ có thể đẩy doanh thu lên mức cao kỷ lục 87 tỷ USD trong quý kết thúc vào tháng 12 năm, nhờ sự kiện kỷ niệm 10 năm iPhone cũng như sức nóng trở lại của iPad và Mac.

"Hi-P hiện đang ở trong giai đoạn ngọt ngào", Ling Lee Keng – chuyên gia phân tích DBS nói. Hơn một nửa doanh thu của công ty đến từ điện thoại thông minh, IOT và nhà thông minh. Tất cả những mảng kinh doanh này đều được dự đoán tiếp tục làm ăn tốt trong 2 năm tới.

Với tình hình làm ăn tốt như thời điểm này, Yao nói rằng ông cân nhắc tới việc thực hiện vài thương vụ M&A trong ngành công nghiệp xe tự động và chăm sóc sức khỏe. Ông từ chối nói chi tiết về mục tiêu của mình nhưng cho biết đang "ôm mộng lớn" và "đã có cách để đạt được mục tiêu".

Yao hiện sở hữu 83% cổ phần Hi-P và với đà tăng của cổ phiếu công ty, giá trị cổ phiếu ông nắm giữ cũng tăng lên 857 triệu USD. Yao sinh ra tại Trung Quốc nhưng lên 5 tuổi chỉ chuyển sang Đài Loan và chỉ tới Singapore khi đã 39 tuổi khi ông được nhận vào làm tại DuPont. Yao nhớ lại cũng chỉ từ sau đó, ông mới bắt đầu học tiếng Anh "một cách nghiêm túc".

Vị CEO 77 tuổi nói rằng ông có tinh thần chiến đấu cao độ và "rất ngoan cường" bởi sinh ra trong nghèo khó và tự lập sớm đối với cuộc sống. "Nơi nào cũng vậy, ai mới đến cũng thường bị bắt nạt. Mặc dù nhỏ bé nhưng qua những lần như vậy tôi đã trở thành người mạnh mẽ hơn".

Yao nghỉ việc tại DuPont vào năm 1983 và nắm quyền quản lý Hi-P. Công ty được thành lập vào năm 1980 với Yao là thành viên góp vốn. Công ty bắt đầu sản xuất ép phun và các dụng cụ bằng kim loại tại Trung Quốc và mang bán ở Singapore. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1980, công ty gần như đến bước phải phá sản. Những năm sau đó công ty bắt đầu thịnh vượng, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Singapore vào năm 2003. Hiện tại, họ có khoảng 15.000 nhân viên và giá trị thị trường đạt hơn 1 tỷ USD.

"Ông ấy luôn chứng minh được rằng thị trường sai. Khi ai đó nghĩ ông ấy rồi sẽ thất bại, kiểu gì điều ngược lại cũng xảy ra", theo jarick Seet – chủ tịch công ty nghiên cứu RHB.

Dẫu vậy, Seet cảnh báo rằng Hi-P hiện đang quá phụ thuộc vào Apple. Ông ước tính rằng ít nhất một nửa doanh thu công ty tới từ Apple. Hi-P bắt đầu làm việc với Apple vào năm 2009, đầu tiên là iPod.

"Điều quan trọng là lợi nhuận của họ vẫn chỉ đến từ các dòng điện thoại. Dù đã đa dạng hóa nhưng vẫn còn khá thấp".

Với tình hình kinh doanh ổn định, Yao bắt đầu lên kế hoạch tìm người kế nhiệm. Ông bổ nhiệm Yong Inn Nam trở thành CEO vào tháng 11. Yong chịu trách nhiệm với những mảng kinh doanh đang phát triển của công ty và những khách hàng khác ngoài Apple. Trong thông báo gửi sàn giao dịch chứng khoán, Yao nói rằng lãnh đạo công ty trong thế hệ tiếp theo đã được xác định.

"Tôi không có ý định tìm người kế nhiệm theo kiểu cha truyền con nối. Tôi cũng không có con. Nhưng thứ tôi muốn để lại là một di sản".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM