Thưa bố mẹ: Thế hệ 9x chúng con không lười biếng, chẳng dễ dàng, đầy khó khăn và cũng lắm nỗi tuyệt vọng

15/04/2019 09:03 AM | Sống

Trong mắt bố mẹ, thế hệ chúng tôi là một đám lười biếng và không ngừng kêu ca, than thở. “Chúng mày chỉ có ăn và học cũng không nên thân” - ăn, học, làm vài việc vặt trong nhà và đi chơi nhưng lúc nào cũng than thở mệt mỏi, không làm được cái này cái kia.

“Thế hệ bố mẹ có những cuộc chiến diễn ra khắp nơi trên thế giới thì thế hệ của chúng con có những cuộc chiến trên mạng, ngày và đêm, bất kể ngày thường hay lễ và không bao giờ có đình chiến”, tôi nghĩ về cuộc sống của bố mẹ và của chúng tôi.

Nếu bạn là một 9x, bố mẹ của các bạn chắc cũng sinh ra trong khoảng từ những năm ngoài 1950 cho tới ngoài 1970 - giai đoạn đầy biến động của thế giới: Những đất nước mới giành được độc lập, nơi nào đó vừa thoát khỏi chiến tranh; còn ở Việt Nam, đó là những năm tháng khốc liệt. Chiến tranh tạo ra một bức tường ngăn cách chúng tôi và bố mẹ; những người ngoài bức tường đó - chúng tôi, là những người sung sướng nhất còn ở trong đó là nỗi buồn và nỗi khổ, như bố mẹ. Năm tháng ấy trôi qua nhưng đến tận bây giờ, bố mẹ vẫn hay nói rằng: “Chúng mày bây giờ sướng lắm rồi, không khổ như bố mẹ ngày xưa đâu”.

Thuở hàn vi ấy đã thay đổi bố mẹ tôi trong suốt những năm tháng sau này. Họ làm việc vất vả, cố gắng nỗ lực hết mình để thoát khỏi cái nghèo. Mẹ làm đủ mọi việc, từ đi làm, dọn dẹp nhà cửa, chăm tôi và anh trai chỉ cách nhau có 2 tuổi, đứa nào cũng quấy khóc và khó nuôi - như mẹ thường kể lại. Thế giới bước sang thiên niên kỷ mới với đầy đổi thay, bố mẹ vẫn cứ lầm lũi làm việc, nỗ lực và hết mình vì con cái. Chưa bao giờ, tôi thấy họ phàn nàn vì điều gì.

Còn trong mắt bố mẹ, thế hệ chúng tôi là một đám lười biếng và không ngừng kêu ca, than thở. “Chúng mày chỉ có ăn và học cũng không nên thân” - ăn, học, làm vài việc vặt trong nhà và đi chơi nhưng lúc nào cũng than thở mệt mỏi, không làm được cái này cái kia. 

Thưa bố mẹ: Thế hệ 9x chúng con không lười biếng, chẳng dễ dàng, đầy khó khăn và cũng lắm nỗi tuyệt vọng - Ảnh 1.

Chẳng khi nào bố mẹ kể lể hay đăng lên Facebook suốt ngày, còn đám trẻ chỉ mệt một chút thôi là ngồi kể lể trên Facebook, ngày này qua ngày khác trong sự yếu đuối và lệ thuộc. Họ gọi chúng tôi là một thế hệ không có sức sống, chỉ biết dựa dẫm và phụ thuộc. Thế giới đang thay đổi, người trẻ đang thay đổi, chỉ có suy nghĩ trong lòng bố mẹ về chúng tôi không bao giờ thay đổi.

8x hay 9x không phải là thế hệ lười biếng. Chúng tôi lao vào công việc mỗi ngày, từ sáng tới đêm, việc làm toàn thời gian rồi lại tới việc bán thời gian. Chỉ là với nhiều người, danh sách việc-cần-làm không có chỗ cho những điều “nhỏ bé” như làm việc nhà, giặt quần áo hay tưới cây. 

Người trẻ được nắn trong chiếc khuôn tự nhỏ với ước mơ những điều cao xa và làm việc lớn, chúng tôi luôn nghĩ rằng “mấy deadline công việc ở công ty quan trọng hơn nhiều so với việc rửa đống bát ở nhà”. Nhưng khi deadline không xong, việc nhà vẫn còn đầy ắp, chúng tôi trở thành kẻ lười biếng, “về nhà chỉ biết nằm ườn ra mà không giúp đỡ gì” cho bố mẹ.

Chiến tranh khiến những năm tháng ấu thơ của bố mẹ đi qua trong lo âu về một tương lai bất ổn, khiến mọi người phải nỗ lực hết mình để vươn lên trong cuộc sống - như những gì lũ trẻ vẫn được dạy. Nhưng bố mẹ có biết, chúng tôi cũng có một cuộc chiến âm thầm, diễn ra mỗi ngày, lặng lẽ và ồn ào có cả. Đó là cuộc chiến trên mạng xã hội mà mỗi người trẻ đều là một phần trong đó. 

Như bố mẹ không mong muốn chiến tranh, Internet rồi mạng xã hội ập đến cuộc đời chúng tôi nhanh như cơn sóng và chẳng ai có thể chuẩn bị. Và rồi ra sao? Chúng tôi bị cuốn đi theo cơn sóng ấy - một nơi tôn vinh sự hơn thua của nhau, nơi nỗi buồn khiến người ta để ý tới chúng tôi hơn, nơi người trẻ quá chán chường với cuộc sống thực tại và dành hàng giờ để đắm chìm trong một thế giới không phải có thật của mình. Không ai đề phòng hay đáp trả được gì cả.

Người trẻ chúng tôi hiểu nỗi vất vả của bố mẹ nhưng cuộc sống của chúng tôi cũng không dễ dàng gì.

Thời của bố mẹ, người ta chỉ nhắc tới ma túy, cờ bạc và mại dâm. Chúng tôi sống trong một thời đại mà ma túy, mại dâm hay cờ bạc có đến hàng trăm cách thức khác nhau, rồi còn phải đương đầu với nhiều vấn đề xã hội phức tạp như đa cấp, lừa đảo trên mạng, ô nhiễm môi trường, những căn bệnh mạng xã hội… 

Người ta cứ nói rằng khó khăn sẽ giúp tôi luyện nên con người, nhưng con người cũng chỉ có giới hạn, nhiều người có thể thích ứng được với thời cuộc, số khác bị bỏ lại phía sau và có những người để muôn vàn khó khăn nhấn chìm mình. Nếu thế hệ trước biết được điều chúng tôi đang trải qua và thực sự hiểu, liệu họ có còn nhìn cuộc sống của chúng tôi là đầy rẫy sung sướng không?

Suy cho cùng, Internet, điện thoại, máy tính bảng không phải thứ cuộc đời chúng tôi đeo đuổi; ở thời đại nào đi nữa, con người cũng muốn có được niềm hạnh phúc và ý nghĩa dù đôi khi không thể gọi tên nó ra chính xác. Con đường tới hạnh phúc của bố mẹ không phải một đường thẳng tắp, với chúng tôi đó là một xa lộ không lối, hoàn toàn mù mịt đường.

Cách đây gần 20 năm, lương nhà nước của bố tôi là 5-6 triệu, chưa kể những khoản khác. 20 năm sau khi tôi ra trường, những công việc đầu tiên vẫn chỉ trả cho tôi mức lương 5-6 triệu. Tôi không đi làm và ở nhà tìm việc thêm một thời gian nhưng ở đâu họ cũng nói chỉ trả mức lương được như vậy thôi, dù tôi có ngoại ngữ và có kỹ năng. Bố mẹ tôi càm ràm rằng tôi không chịu khó làm việc, chỉ thích ở nhà rồi cứ như thế mãi thì làm sao mà phát triển được?

Cuộc đua với công việc là một cuộc đua khốc liệt tưởng chừng như không bao giờ có hồi kết, đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh như bây giờ. Trời không còn sinh cỏ đủ để cho đàn voi khi đàn voi phải oằn mình ra mới có đủ cái để ăn. Khó khăn của chúng tôi là khó khăn của một thời đại với nhiều nhu cầu vật chất và tinh thần phức tạp. 

Khi bố mẹ chỉ cần lo kiếm đủ ăn, chúng tôi phải lo kiếm đủ để ăn một bữa ngon nếu không bị bạn bè cười chê. Khi bố mẹ chẳng cần phải dành sức ra đi tập gym, uống thuốc bổ hay thực phẩm chức năng vì môi trường sống vốn lành mạnh, thực phẩm không bẩn thỉu thì chúng tôi phải hì hục trong những phòng tập gym, trên những đường chạy chỉ để có một cơ thể khỏe mạnh. Bạn không muốn bị lạc loài trong một xã hội đề cao hình thể, đề cao lối sống lành mạnh, đề cao những xu thế phong trào mà nếu nằm ngoài đó, người ta sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác.

Thưa bố mẹ: Thế hệ 9x chúng con không lười biếng, chẳng dễ dàng, đầy khó khăn và cũng lắm nỗi tuyệt vọng - Ảnh 2.

Nhưng bố mẹ nói chúng tôi không bao giờ biết đủ. Tôi công nhận rằng chúng tôi nhiều người không biết đủ, rằng có một công việc chưa bao giờ điều kiện đủ - nghịch lý của tuổi trẻ là vậy đó. Chúng ta khao khát có được một công việc nhưng không chịu ngồi yên với công việc của mình. Những năm tháng làm việc 8 giờ sáng đã 5 giờ chiều và ôm một công việc đến hết đời đã qua, thế hệ trẻ cần công việc có mức lương tốt, giờ giấc linh hoạt, chế độ đãi ngộ cao và đặc biệt phải ĐAM MÊ! 

Đó đâu phải là điều chúng tôi muốn? Sự tiếp nhận những tư tưởng của thời đại đi trước, cùng với điều kiện cuộc sống ngày càng tốt lên đã khiến thế hệ millennials như vậy. Nếu bố mẹ biết chúng tôi phải tranh đấu nhiều như nào khi nộp một lá đơn xin nghỉ, có lẽ họ sẽ không phán xét người trẻ quá nhiều.

Và hơn hết, người trẻ có một nỗi tuyệt vọng, không đẹp như văn chương ngợi khen. Đó là một nỗi tuyệt vọng thật buồn.

Những kẻ cô đơn trên mạng, những Zombie cầm điện thoại lầm lũi đi trên đường, một quán cafe mà góc cửa sổ nào cũng có chiếc bàn đơn nhìn ra cửa sổ chật ních người. Họ ở đó, tôi ở đó - một thế hệ trẻ hiện hữu trong mọi ngõ ngách của đô thị, phả vào bầu không khí sự chán chường và buồn bã. Bố mẹ chúng tôi không biết điều trị tâm lý là gì, càng không biết trầm cảm hay tuyệt vọng; vui là vui, buồn là buồn, đau khổ là đau khổ - họ không gọi tên được những thứ chúng tôi không gọi tên, và quan trọng hơn họ không biết chúng có tồn tại.

Nhưng chúng tôi biết.

Thưa bố mẹ: Thế hệ 9x chúng con không lười biếng, chẳng dễ dàng, đầy khó khăn và cũng lắm nỗi tuyệt vọng - Ảnh 3.

Nếu đặt bố mẹ vào xã hội hiện đại này, tôi nghĩ có thể họ sẽ không đương đầu được. Bố mẹ loay hoay rồi bỏ cuộc sau một thời gian tập tành Facebook, dùng email một chút là bực bội vì mãi không dùng được. Liệu họ có thể chịu được trầm cảm, áp lực, tuyệt vọng, buồn bã, đau khổ, lọc lừa, u uất… tất cả những triệu chứng tâm lý mà giới trẻ gặp phải bạn có thể kể tên? Tôi không dám nhận thế hệ mình kiên cường hơn bố mẹ vì mỗi thế hệ sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn riêng, nhưng dường như thế hệ này có nhiều vấn đề hơn, phức tạp hơn và đòi hỏi chiều sâu hơn.

Cuộc sống của chúng con không dễ dàng và cũng đầy rẫy nỗi tuyệt vọng và chán chường, bố mẹ có lẽ không cần hiểu nhưng hãy biết rằng, nó có tồn tại trên trên thế giới này.

Theo Skye

Cùng chuyên mục
XEM