Thừa biết điện thoại làm hỏng giấc ngủ, tại sao chúng ta vẫn lướt mạng hàng đêm?

14/09/2017 16:17 PM | Sống

Các chuyên gia cho biết các thiết bị điện tử khiến chúng ta thức lâu hơn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dù biết vậy nhiều người vẫn không thể buông điện thoại ra trước khi đi ngủ.

Việc cuối cùng bạn làm trước khi đi ngủ đêm qua là gì? Bạn lại mở hòm thư điện tử, lượt web hay xem thông báo trên mạng xã hội… Cũng chẳng phải mình bạn như vậy.

Một nghiên cứu của tổ chức National Sleep Foundation (nghiên cứu về giấc ngủ) cho hay khoảng 48% người Mỹ trưởng thành sử dụng các thiết bị như máy tính bảng, máy tính xách tay khi lên giường. Nghiên cứu nhiều quốc gia khác chỉ ra rằng điều này phổ biến nhất trong giới trẻ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng đồ công nghệ vào ban đêm có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng chịu áp lực, lòng tự trọng và sức khỏe tinh thần. Nếu không ngủ đủ giấc, hiệu quả công việc đi xuống, khả năng miễn dịch cũng kém dần.

Vậy tại sao chúng ta vẫn tiếp tục làm điều đó, vẫn tiếp tục đẩy bản thân vào những nguy cơ này?

Việc đi ngủ mang theo các thiết bị điện tử có thể phá hỏng giấc ngủ, khiến bạn thức khuya và tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.

Gián đoạn giấc ngủ

Không giống như đọc sách hay xem tivi, các thiết bị công nghệ hiện đại buộc chúng ta phải tương tác nhiều hơn là chỉ thụ động nghe, nhìn. Qua chiếc điện thoại , chúng ta vô tình để thế giới bên ngoài xâm nhập vào phòng ngủ, vốn là không gian riêng tư để thư giãn và quên đi một ngày mệt mỏi.

"Những thiết bị đó đang trì hoãn giấc ngủ", Matthew Walker, giáo sư nghiên cứu về thần kinh và tâm lý ở Đại học California, Mỹ nhận định.

Các chuyên gia cho biết chúng ta cần từ 30 phút đến một tiếng để thư giãn trước khi ngủ. Đọc sách, uống nước ấm hoặc đếm cừu thực sự phù hợp cho khoảng thời gian này, thay vì dán mắt vào điện thoại và bắt não hoạt động liên tục.

"Gửi tin nhắn, đăng vài dòng lên Facebook hoặc kiểm tra thư điện tử đồng nghĩa với việc bạn tiếp tục chờ phản hồi và buộc hệ thần kinh cảm xúc tăng hoạt động. Rồi bạn đặt điện thoại xuống, nhưng âm báo từ điện thoại vẫn có thể đánh thức bạn dậy bất cứ lúc nào trong đêm", ông Walker bổ sung.

Ánh sáng xanh trên màn hình của các thiết bị điện tử cũng có thể làm rối loạn giấc ngủ của bạn.

Không thể đặt điện thoại sang một bên

Ben Carter, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Tâm thần học của trường Cao đẳng Hoàng gia London, so sánh việc sử dụng các thiết bị điện tử với việc hút thuốc.

"Nếu đó là việc cuối cùng bạn làm trong đêm và việc đầu tiên làm trong buổi sáng, bạn có thể bị nghiện", Carter cho hay.

Theo ông, việc tiếp cận thông tin và liên lạc với người khác suốt ngày suốt đêm không chỉ chiếm hết thời gian của những người thiếu hiểu biết mà còn cả những người biết rõ tác hại của lạm dụng thiết bị điện tử.

"Gần đây tôi có trò chuyện với một người nghiện điện thoại. Anh ta thường thức dậy vào ban đêm để lướt qua các tờ báo trực tuyến của Mỹ", Carter nói. Anh này tự nhận thức được rằng không nên kiểm tra điện thoại trước khi ngủ những thực sự rất khó để từ bỏ thói quen này.

Nghiện dùng điện thoại trước khi đi ngủ cũng giống như nghiện hút thuốc lá.

Các chuyên gia tin rằng cũng giống như bỏ thuốc lá, chúng ta phải học cách chấm dứt việc xem điện thoại vào mỗi đêm (có thể để chúng sang phòng khác) để cảm thấy thoải mái hơn.

1/5 số người tham gia khảo sát của tổ chức National Sleep Foundation thức dậy vào giữa đêm khi nghe âm báo của điện thoại, một nửa trong số đó quyết định cầm điện thoại lên để xem.

Thậm chí việc để điện thoại trong phòng ngủ nhưng không sử dụng cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. "Chỉ cần đồ vật tạo ra cảm giác lo lắng vẫn ở trong phòng, chất lượng giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng", Walker nói.

Tình trạng thiếu ngủ và nghiện điện thoại 'song hành'

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật ở Mỹ cho hay 35% người trưởng thành ở Mỹ không ngủ đủ, tăng 29% so với cách đây 10 năm. Trung tâm này cũng ước tính khoảng 70 triệu người Mỹ trường thành ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm.

Điều này dẫn đến thực trạng hàng loạt người trưởng thành phải vật lộn với việc tập trung hoặc ghi nhớ trong công việc. Không ngủ đủ cũng làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động bên cạnh hàng loạt các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, béo phì, tiểu đường và trầm cảm.

Thậm chí giáo sư Colin Espie, chuyên nghiên cứu về giấc ngủ ở Đại học Oxford, Anh còn nhận định thiếu ngủ là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn nhất chưa được giải quyết trong thời buổi hiện nay.

Việc đi ngủ mang theo các thiết bị điện tử trên tay có thể làm hỏng giấc ngủ của bạn, khiến bạn thức khuya và tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.

Tuy nhiên, giáo sư Walker cũng nêu ra một sự thật bất ngờ rằng công nghệ có thể nắm giữ giải pháp cho những giấc ngủ ngon hàng đêm. Rất nhiều tiện ích sẵn có trên điện thoại có thể điều chỉnh và hỗ trợ giấc ngủ.

Giáo sư cũng hy vọng công nghệ có thể tạo ra cách can thiệp mới với những người không ngủ đúng cách.

"Cần có sự nhắc nhở kịp thời để cải thiện giấc ngủ cho mỗi người", ông nói. "Nó (ứng dụng trên điện thoại) có thể biết trước lịch trình của bạn vào hôm sau và nhắc bạn đi ngủ sao cho đủ giấc".

Ngoài ra, ông cũng cho hay công nghệ có thể giúp điều chỉnh giờ ngủ trước vài tuần để bạn chuẩn bị cho những chuyến đi ngước ngoài khác múi giờ hoặc tránh bị đảo lộn nhịp sinh học sau một chuyến bay.

"Các thiết bị công nghệ chắc chắn làm gián đoạn giấc ngủ nhưng theo tôi, chúng cũng có thể giúp chúng ta điều chỉnh giấc ngủ", Walker nhấn mạnh.

Theo Lâm Anh

Cùng chuyên mục
XEM