Thủ tướng: Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến của nông nghiệp thế giới

31/07/2018 16:11 PM | Xã hội

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Tại Hội nghị thúc đẩy DN (DN) đầu tư vào nông nghiệp sáng qua tại Lâm Đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó lĩnh vực chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.

Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến của nông nghiệp thế giới, là trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Tuy nhiên lĩnh vực này đang gặp rất nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các đại biểu cần chỉ rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách cũng như những "điểm nghẽn" cản trở việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đồng thời đưa ra các giải pháp cả trước mắt và lâu dài để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, hiệu quả hơn vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đại biểu cần chỉ rõ các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng được các thương hiệu Việt có uy tín trên thị trường quốc tế, Phó Thủ Tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị.

Chỉ 8% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó, những tác động nhanh chóng, sâu rộng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những diễn biến phức tạp của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng… sẽ đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Việc thúc đẩy doanh nghiệp, trong đó có các hợp tác xã, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định. "Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khoa học, khép kín", Phó Thủ Tướng khẳng định.

Vậy mà, tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.

Không hiệu quả, Năng suất kém, Không ứng dụng KHCNC

Tại Hội nghị, Thủ tướng nhận định, vẫn còn tồn tại, bất cập khi mà số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp đa phần có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp. Còn một số hiện tượng như phá rừng làm cây công nghiệp, mua đi bán lại dự án nông nghiệp. Khâu chế biến sâu còn nhiều vấn đề.

 Thủ tướng: Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến của nông nghiệp thế giới  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị

Ngoài ra, tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng gặp khó khăn ở một số vấn đề chính như: thủ tục hành chính phức tạp; quỹ đất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, quy mô lớn; ứng dụng khoa học công nghệ; liên kết chuỗi giá trị sản xuất mới chỉ ở bước đầu phát triển…

Phát biểu tại Hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC, nêu lên thực tế: hiện nay Việt Nam có khoảng 82% diện tích đất làm nông nghiệp nhưng phần lớn quỹ đất đã được giao cho các hộ dân với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bởi vậy, việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp sẽ gặp khó khăn về quỹ đất. Theo đại diện Tập đoàn FLC, các nông lâm trường hiện nay đang sở hữu quỹ đất rất lớn nhưng không hiệu quả, năng suất kém, không có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ và chưa được đầu tư bài bản. Điển hình như nhiều nông trường cao su có sản lượng thấp, nhiều địa phương mong muốn mời các DN vào đầu tư tái cơ cấu cây trồng nhưng vướng giá đền bù cây cao su cao.

 Thủ tướng: Việt Nam sẽ là một trung tâm chế biến của nông nghiệp thế giới  - Ảnh 2.

Bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ Tập đoàn FLC, phát biểu tại hội nghị

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết thêm: đứng trước cơ hội và tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Tập đoàn FLC có định hướng đầu tư quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín từ khâu chuẩn bị giống, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cho đến triển khai các vùng sản xuất tập trung, xây dựng nhà máy chế biến cũng như hệ thống phân phối, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, Tập đoàn FLC cũng định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái – một xu hướng du lịch xanh đang được ưa chuộng trên thế giới.

Doanh nghiệp nông nghiệp – cốt lõi để phát triển ngành

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, có thể khai thác, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức để đưa Việt Nam vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về nông sản.

Để đạt được mục tiêu, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các DN đầu tư trong ngành nông nghiệp. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp. Theo Thủ tướng, đây là yêu cầu cấp bách khi mà nông nghiệp còn dư địa phát triển rất lớn; và nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam, từ các lĩnh vực như bất động sản… chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp là xu hướng đáng mừng.

Liên quan đến những khó khăn mà DN đang gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp, Thủ tướng nhất trí với quan điểm đại diện Tập đoàn FLC và cho rằng, còn nhiều đất đai nhưng không tổ chức sản xuất trong khi nhiều nhà đầu tư thiếu đất đai. "Tổng Giám đốc FLC vừa phát biểu đất nông, lâm trường còn rất nhiều nhưng tổ chức sản xuất hiệu quả như thế nào, đó là câu hỏi tại hội nghị này các cấp chính quyền cần tính toán lại". Thủ tướng nêu rõ, đất đai là "cần câu chứ không phải con cá" "để chúng ta sản sinh ra năng lực sản xuất mới cho sự phát triển".

Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT và Bộ Công Thương khẩn trương ban hành, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Bộ KH&ĐT khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các DN có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu.

Chú ý nghiên cứu xây dựng 3 ngành chế biến đứng vào tốp 5 của thế giới: Rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu, cùng một số sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…

"Tất cả chúng ta nỗ lực, chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ và người dân đưa các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn", Thủ tướng bày tỏ.

Theo Hải An

Cùng chuyên mục
XEM