Thủ tướng: Tài sản và vốn của DNNN còn hơn 5 triệu tỷ đồng, không thể chôn vốn ở khu vực này

06/12/2016 21:07 PM | Kinh tế vĩ mô

Phát biểu kết luận tại hội nghị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chiều 6/12, Thủ tướng nêu một nghịch lý đang tồn tại khi vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước còn hơn 5 triệu tỷ đồng trong khi vẫn đang chịu gánh nặng về nợ công.

Vốn nhà nước vẫn còn 92%

Đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN Thủ tướng cho biết đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2017. Đồng thời Thủ tướng cho rằng, giai đoạn trước việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa chưa làm được nhiều.

Cụ thể, trong báo cáo của ban đổi mới DNNN, chúng ta mới thoái vốn trong 5 lĩnh vực đạt 42%, còn lại 58% chưa thoái vốn. Bên cạnh đó mới cổ phần hóa số vốn được 8% còn lại 92% là vốn Nhà nước.

Điều đó cho thấy số lượng DNNN giảm nhưng tỷ lệ cổ phần hóa thấp, chưa thay đổi cơ cấu của doanh nghiệp.

Nhìn vào thành quả của những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tái cơ cấu từ số liệu của Bộ Tài chính có thể thấy, nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa có lợi nhuận trước thuế tăng 49%, vốn điều lệ tăng 72%, doanh thu tăng 29%, thu nhập người lao động tăng 33%... Cổ phần hóa đã mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp sau khi sắp xếp tái cơ cấu phát triển rất tốt như VNPT, Vinamilk, Vietnam Airlines, Vinatex …mọi người có việc làm, công khai minh bạch, không ai kiện tụng.

“Nếu chúng ta cứ ngại, không làm để mãi như vậy sẽ không cổ phần hóa xong, cần làm đúng lộ trình, đúng cách để quản trị doanh nghiệp công bằng minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Thủ tướng cho biết, công tác cổ phần hóa và tái cơ cấu góp phần phòng chống tham nhũng vì có nhiều cổ đông cùng giám sát vốn.

Theo Thủ tướng, hiện nay tài sản và vốn của DNNN còn hơn 5 triệu tỷ đồng Việt Nam. Trong khi nợ công của Việt Nam rất cao, mà vốn Nhà nước lại chôn chân ở một số doanh nghiệp. Hiện có gần 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chiếm từ 70% đến 100% vốn Nhà nước.

Nguyên nhân vì sao có chậm chễ trong cổ phần hóa, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là vướng mắc về thể chế, cách làm. Về nguyên nhân chủ quan, theo Thủ tướng, vướng mắc lớn nhất là động lực cổ phần hóa và lợi ích cục bộ đang thành rào cản lớn đối với cổ phần hóa.

Thứ hai, đề án xây dựng đã chậm nhưng duyệt cũng chậm, phối hợp giữa các bộ, ban ngành chưa chặt chẽ, ban hành chính sách chưa kịp thời. Chưa kể tư tưởng của một số cán bộ còn ì trệ trong cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của nhiều DNNN còn yếu kém, chưa theo kịp với sự phát triển nên chậm trễ trong cổ phần hóa.

Tránh thất thoát vốn khi cổ phần hóa, đặc biệt thất thoát bất động sản

Thủ tướng đưa ra ba yêu cầu trong tái cơ cấu, trong đó yếu tố đầu tiên cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tái cơ cấu cổ phấn hóa.

Về sự yếu kém không hiệu quả của DNNN, Thủ tướng cho rằng không chỉ Việt Nam mới có mà vấn đề này diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới vì lãnh đạo doanh nghiệp không phải là chủ sở hữu thật sự nên quản lý điều hành kém. Bên cạnh đó DNNN đang hoạt động trong môi trường ít cạnh tranh, cần phải tăng tính cạnh tranh thị trường, xây dựng thương hiệu để có giá bán tốt khi cổ phần hóa.

Yếu tố thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương phải làm cho khu vực DNNN nhỏ đi, nhưng đồng thời phải phát triển mạnh khu vực này, nâng hiệu quả cao hơn. “Vốn Nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn phải được phát triển hơn, khi chúng ta đang khó khăn, không thể chốn vốn tại khu vực này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Yếu tố thứ ba, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tái cơ cấu DNNN giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh bền vững hơn. Hiện nay, khu vực DNNN có dấu hiệu chèn khu vực kinh tế tư nhân, gây khó khăn cho khu vực tư nhân phát triển trong khi tại Nghị quyết toàn quốc ĐH Đảng lần thứ 12 đã nêu rõ kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển kinh tế.

“Chúng ta cần phải chấp nhận những khu vực tư nhân làm tốt thị trường làm tốt thì tính toán Nhà nước nên rút ra. Nhà nước phải chủ động trong những lĩnh vực quan trọng, nắm sở hữu vốn Nhà nước cao như điện lực, quốc phòng, lương thực, ngân hàng, thương mại…. Còn những lĩnh vực khác không phải quan trọng của kinh tế xã hội thì Nhà nước cần rút ra để tư nhân làm”, Thủ tướng chỉ đạo.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đưa ra các nhóm nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2016-2020. Trong đó nhấn mạnh công tác cổ phần hóa cần nắm rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào cần thoái vốn, xác định danh mục DNNN Nhà nước cần giữ 100% vốn và những DNNN cần thoái vốn.

"Lành mạnh hóa hoạt động doanh nghiệp khi cổ phần hóa, doanh nghiệp cần tự lập trong quá trình chuẩn bị đừng để dây dưa nợ nần.Tôi biết có một số doanh nghiệp chỉ bán đất, nhà đầu tư chỉ mua bất động sản sau đó xây nhà cao tầng lên mà không tính hết giá trị doanh nghiệp gây thất thoát vốn của Nhà nước. Yêu cầu các doanh nghiệp cần thuê tư vấn nước ngoài đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp một cách khách quan, tránh thất thoát", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Hải Minh

Cùng chuyên mục
XEM