Thứ tưởng như vô tận nhưng lại đang thiếu hơn bao giờ hết, đẩy kinh tế toàn cầu vào mối nguy mới: Trung Quốc, Ấn Độ nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất

14/06/2023 15:55 PM | Kinh tế vĩ mô

Đây không phải là vấn đề của riêng ngành nào, mà là của toàn bộ nền kinh tế.

Thứ tưởng như vô tận nhưng lại đang thiếu hơn bao giờ hết, đẩy kinh tế toàn cầu vào mối nguy mới: Trung Quốc, Ấn Độ nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Khan hiếm nước do biến đổi khí hậu đang được coi là yếu tố nghiêm trọng và có tác động lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cho rằng các quốc gia châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng thiếu nước này.

CEO Arunabha Ghosh của tổ chức Council on Energy, Environment and Water (CEEW) nói rằng châu Á là một trung tâm công nghiệp có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất và quá trình này cần một lượng nước dồi dào. Không chỉ những ngành công nghiệp như thép, các ngành mới như sản xuất chip bán dẫn và chuyển đổi năng lượng sạch cũng cần rất nhiều nước.

Nhu cầu nước ngọt toàn cầu dự kiến sẽ vượt xa nguồn cung từ 40% đến 50% vào năm 2030. Vị CEO cảnh báo tình trạng khan hiếm nước sẽ không chỉ là vấn đề của một ngành, mà là vấn đề của toàn bộ nền kinh tế.

Quốc gia đông dân nhất thế giới - Ấn Độ - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng thiếu nước. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết mặc dù Ấn Độ chiếm 18% dân số thế giới, nhưng quốc gia này chỉ đủ nước cho 4% số người. Biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt, hạn hán thất thường và khiến tình trạng thiếu nước thêm nghiêm trọng.

Thứ tưởng như vô tận nhưng lại đang thiếu hơn bao giờ hết, đẩy kinh tế toàn cầu vào mối nguy mới: Trung Quốc, Ấn Độ nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất - Ảnh 2.

Ảnh: Getty Images

Trung Quốc cũng đang chung cảnh ngộ. Theo tổ chức tư vấn Lowy Institute, xấp xỉ 80% đến 90% nước ngầm của Trung Quốc không thể sử dụng. Trong khi đó, một nửa tầng nước bị ô nhiễm không thể đưa vào công nghiệp và nông nghiệp. 50% nước sông cũng không thể dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu.

Năm 2022, Trung Quốc trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ khốc liệt nhất trong 6 thập kỷ. Nhiệt độ tăng cao khiến các khu vực của sông Dương Tử khô cạn, cản trở thuỷ điện – nguồn năng lượng quan trọng thứ hai của đất nước.

Để giảm bớt rủi ro, nước này đã phê duyệt một số nhà máy điện than. Bắc Kinh đã cho phép công suất điện than mới đạt 106 GW vào năm 2022, cao gấp 4 lần so với một năm trước đó và tương đương với 100 nhà máy nhiệt điện lớn.

Các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực cũng ở trong tình trạng khó khăn. Không như Ấn Độ và Trung Quốc, họ không có đủ khả năng mua công nghệ và đổi mới hệ thống. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp cũng có nguy cơ bị thiếu hụt sản lượng, gây rủi ro cho an ninh lương thực.

Tham khảo CNBC

Theo Thiên Di

Cùng chuyên mục
XEM