Thủ tướng nhắc Hà Nội 4 vấn đề

26/09/2016 15:01 PM | Xã hội

Ngày 26/9, dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra UBND Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần làm rõ, chỉ đạo quyết liệt, rút kinh nghiệm về 4 vấn đề, trong đó có việc 2 người thiệt mạng vì xe chở tôn.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng bằng được một Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính trên nền tảng xây dựng thể chế, tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển từ quản lý hành chính xơ cứng sang phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá cải cách.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng giao rất nhiều nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương, nhưng có thực trạng là giữa nói và làm nhiều lúc không đồng nhất, còn tình trạng bỏ sót nhiệm vụ hoặc có thực hiện nhưng quá thời hạn, hiệu quả chưa cao. Hà Nội là đơn vị thứ sáu được Tổ công tác kiểm tra trong thời gian rất ngắn sau khi thành lập ngày 19/8 và là địa phương đầu tiên được kiểm tra. Là trung tâm của cả nước, được giao rất nhiều nhiệm vụ, thách thức cũng rất lớn, nhưng Hà Nội đã làm được rất nhiều việc, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trong nhiệm kỳ mới có nhiều khởi sắc.

Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Tổ công tác phải truyền đạt một số nội dung tới lãnh đạo Hà Nội. Theo đó, yêu cầu Hà Nội làm rõ, chỉ đạo quyết liệt, rút kinh nghiệm về 4 vấn đề, ngoài 95 nhiệm vụ đã giao.

Thứ nhất, Hà Nội phải làm tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, Hà Nội đã làm quyết liệt công tác này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, nhưng với mong muốn của người dân và dư luận thì cần làm quyết liệt hơn nữa.

Thứ hai, với sức tiêu thụ rất lớn của người dân trên địa bàn, Hà Nội phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chống buôn lậu, hàng giả. Vừa qua Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã làm khá quyết liệt công tác này.

Thứ ba là về trật tự, an toàn giao thông. Trong những ngày gần đây có những vấn đề khiến người dân rất quan tâm, băn khoăn và bức xúc trong lĩnh vực này, đặc biệt là tình trạng xe chở vật liệu xây dựng chạy “nghênh ngang” trên đường, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông. Đáng chú ý, đã xảy ra việc 2 người thiệt mạng vì xe chở tôn (1 cháu bé 9 tuổi và 1 phụ nữ 66 tuổi), khiến người dân Thủ đô và cả nước rất đau lòng, lo lắng. Cùng với đó là tình trạng xe dù bến cóc. Trong công tác này, Hà Nội đã có nhiều đổi mới, cố gắng như lập phố đi bộ, chỉnh trang đường phố... nhưng với mong muốn và bức xúc của người dân thì cần chú ý hơn nữa.

Thứ tư, cần chú ý công tác chỉnh trang đô thị. Vừa qua Hà Nội đã trồng thêm nhiều cây xanh, nhưng cần lưu ý công tác chăm sóc, cắt tỉa cây. Không thể không chăm sóc cây xanh, thảm cỏ. Vấn đề là nếu trong quá trình triển khai có những điểm bất cập, bất hợp lý, như dư luận vừa qua phản ứng với khoản kinh phí 700 tỷ đồng thì nghiên cứu quản lý định mức hoặc nghiên cứu cách thức nào đó để làm tốt hơn.

Báo cáo vụ 8B Lê Trực

Đồng thời, theo yêu cầu của Tổ công tác, UBND Thành phố Hà Nội phải báo cáo, làm rõ thêm một số nhiệm vụ cụ thể, đó là việc xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và báo Quân đội nhân dân phản ánh tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình hoạt động công khai, trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội báo cáo, làm rõ nguyên nhân của những nhiệm vụ quá hạn hoặc có triển khai nhưng chưa có kết quả cụ thể, chưa giải quyết đến cùng, nếu do điều kiện không thể thực hiện được cũng báo cáo cụ thể, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ báo cáo đầy đủ với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tinh thần là hết sức công khai, minh bạch. Vừa qua, Tổ công tác đã kiểm tra ngay tại Văn phòng Chính phủ, mời rất nhiều cơ quan báo chí.

“Tại đây, Văn phòng Chính phủ cũng phải nhận lỗi, như đã nhận lỗi khi kiểm tra Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Đó là những trường hợp tham mưu như giao nhiệm vụ ngày 23 mà yêu cầu ngày 24 phải báo cáo, hoặc những việc giao không đúng đơn vị chủ trì. Rồi việc quản lý văn bản mật, có những nội dung không đến mức mật nhưng vẫn đóng dấu mật để hạn chế công khai, minh bạch”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói và yêu cầu Tổ công tác khi làm việc với địa phương cũng phải theo tinh thần như vậy.

Báo cáo với Tổ công tác, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết từ đầu năm tới ngày 15/9, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao UBND Thành phố Hà Nội thực hiện là 95 nhiệm vụ tại 71 văn bản. Trong đó, số nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn là 34, nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng chậm thời hạn là 13, nhiệm vụ đang trong hạn thực hiện là 48 nhiệm vụ. Hà Nội khẳng định không có nhiệm vụ nào quá hạn.

Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết qua theo dõi, Hà Nội hiện có tới 9 nhiệm vụ quá hạn, trong đó nhiệm vụ liên quan tới nhà 8B Lê Trực quá hạn tới 76 ngày.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Tổ trưởng Tổ công tác, mọi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao đến hạn mà chưa xong thì đều phải tính là quá hạn. Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị báo cáo, giải trình cụ thể với Tổ công tác.

Theo Hà Chính

Cùng chuyên mục
XEM