Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 20 lần tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư

26/06/2017 15:40 PM | Xã hội

Theo thống kê của Văn phòng chính phủ, Hội nghị "Hà Nội 2017: Hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 25/6 vừa qua là lần thứ 20 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự, trực tiếp chỉ đạo hội nghị xúc tiến đầu tư trên cả nước.

Phát biểu hội nghị, Thủ tướng một lần nữa khẳng định Chính phủ kiến tạo không thể và không chỉ dừng lại ở lời nói. Chính phủ kiến tạo phải được chuyển hóa thành hành động từ các ngành, các cấp, từ các tư lệnh ngành và lãnh đạo tất cả các địa phương.

Tinh thần quyết liệt kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư, bảo đảm ổn định chính trị, tinh thần thượng tôn pháp luật từ Trung ương đến địa phương, cải cách thể chế theo hướng cởi mở, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế đóng góp và hưởng lợi một cách tương xứng và bình đẳng mọi thành quả phát triển giúp Việt Nam đạt được những thành tích nhất định.

Hồi giữa tháng 6, báo cáo về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII-2017) được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam xếp hạng thứ 47/127 quốc gia/nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, vượt 12 bậc so với năm ngoái. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.

Trước hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng trực tiếp chỉ đạo 18 hội nghị đầu tư khác trong đó có 2 hội nghị cấp vùng. Tại các hội nghị này, Thủ tướng đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào các địa phương.

Những kết quả tích cực đạt được phần nào nói lên tinh thần quyết liệt của Thủ tướng. Ví dụ ngay hội nghị, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 74.370 tỷ đồng và cùng các nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến 134.790 tỷ đồng.

Hay tại Thanh Hóa, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).

Hoặc tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam tháng 3, Thủ tướng đã chứng kiến dòng vốn 15,8 tỷ USD cho 33 dự án. Cũng tại hội nghị này, 6 ngân hàng thương mại cam kết tài trợ hơn 26.000 tỷ đồng cho 10 dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực trọng điểm như du lịch, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, bệnh viện.

Tiếp đến tháng 4, Thủ tướng cũng chứng kiến tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, mới đây trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật của Thủ tướng, Thủ tướng cũng tham dự hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam quy mô lớn nhất từ trước tại Nhật Bản. Và kết quả đạt được là các thỏa thuận hợp tác trị giá 22 tỷ USD được ký kết.

PV

Cùng chuyên mục
XEM