Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ!"

11/11/2019 15:17 PM | Xã hội

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong dân hiện nay, nguồn lực còn rất lớn, nhưng do chưa có luật pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nên họ không bỏ ra đầu tư.

'Không có luật, dân không bỏ vốn ra đầu tư đâu!'

Sáng 11/11, sau báo cáo giải trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật này.

Nêu ý kiến tại tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay Đảng, Nhà nước ta đều nhận thức sự cần thiết phải xã hội hóa, tuy nhiên có một điều khó là hiện chúng ta đang chưa có luật cụ thể quy định việc này.

Thủ tướng nhắc lại việc tất cả các nhà đầu tư khi muốn tham gia các dự án đều hỏi "muốn chúng tôi làm, vậy có luật pháp gì không?". Bởi trước đây chúng ta đã có Nghị định nhưng các nhà đầu tư họ không tin Nghị định mà chỉ tin luật.

"Vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực cần phải thấp xuống, còn vai trò của tư nhân phải cao hơn trong một số lĩnh vực mà chúng ta không cần thiết đầu tư công. Do đó, phải có luật thì họ mới làm, vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư và để xã hội hóa, kêu gọi tư nhân đầu tư.

Làm Dự án Luật PPP để đất nước kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển và đây là hướng đi hết sức cần thiết", Thủ tướng nói.

Thủ tướng chia sẻ việc mình đã đi nhiều địa phương và thấy có bức xúc về thiếu vốn đầu tư công trình, đầu tư dự án từ to đến nhỏ. Trong khi đó, theo Thủ tướng, các nước phát triển họ đã đầu tư các công trình xong, giờ chỉ cần hưởng lợi còn ta hiện vừa sản xuất, kinh doanh, vừa đầu tư hạ tầng, dẫn đến hàng loạt vấn đề đặt ra.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, trong dân nguồn lực còn rất lớn, nhưng chưa có luật pháp bảo vệ nên họ không bỏ vốn ra đầu tư.

"Nhà nào ở TP lớn, thị xã, thị trấn đều có nguồn lực lớn nhưng chưa có luật pháp thì họ chưa bỏ ra. Hiến pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn nhưng phải có luật pháp cụ thể, không có luật pháp làm sao người ta bỏ ra được?

Vấn đề lần này cấp bách, lớn như vậy nên Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều thúc đẩy Luật PPP ra đời theo hướng thông thoáng, đôi bên cùng có lợi", Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay, về kinh tế, hai bên đều phải có lợi mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài và phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch, khách quan.

Thủ tướng chỉ rõ, hiện nay do chồng chéo, vướng mắc của luật pháp nên nhiều nhà đầu tư chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam.

Ông nêu rõ, thể chế rất quan trọng và nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt, giúp cho đất nước phát triển và theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công tư cả Nhà nước, nhà đầu tư, người dân đều có lợi, dân sẽ giàu có hơn. Dân có giàu thì nước mới mạnh, đó cũng chính là mục tiêu của Đảng và Nhà nước.

"Đừng sợ dân giàu, các đồng chí ạ!", Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay, để làm được điều này phải bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân, để họ yên lòng. Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý tất cả đều phải theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, định hướng XHCN.

"Khi quyết định danh mục đầu tư PPP, chẳng hạn quyền lợi Nhà nước và tư nhân đều được đảm bảo, cần phải có thủ tục thuận lợi, minh bạch, công khai, mang tính thị trường. Thuyền lên thì nước lên. Quan điểm này phải rất rõ trong luật mới được", Thủ tướng nói thêm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, tất cả lĩnh vực đều phải mở ra để thu hút nhà đầu tư theo phương châm "Nhà nước và tư nhân cùng làm", trừ những lĩnh vực mà Nhà nước phải nắm "yết hầu" như tiền tệ hay an ninh, quốc phòng...

Giá, phí, hay tiền boa là tiền người sử dụng trả cho người quản lý tuyến đường

Cùng phát biểu tại tổ về dự án Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, cơ quan Nhà nước khi ký hợp đồng phải xác định mình là đối tác bình đẳng với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vai trò quản lý Nhà nước phải tách ra với vai trò một bên trong hợp đồng đối tác công tư.

"Đối tác công tư là vừa có công vừa có tư. Bất cứ chính quyền nào đều mong muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội để đẩy nhanh đời sống người dân. Tuy nhiên, khả năng có hạn, không phải vô hạn.

Bất cứ nước nào cũng phải cân đối giữa mong muốn phát triển với khả năng tài chính", ông Kiên nói.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đừng sợ dân giàu các đồng chí ạ! - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Kiên.

Về cách gọi giá và phí đang nhận được nhiều ý kiến trong thời gian qua, theo quan điểm của ông Kiên, trước gọi là phí hay giá, làm luật phải hiểu là giá.

"Gọi phí là do quen miệng, còn nay Nhà nước đã quy định là giá với 12 mặt hàng, hoạch toán kinh tế gọi là giá.

Giá, phí, hay tiền boa vẫn là tiền của người sử dụng công trình ấy trả cho người quản lý tuyến đường", ông nói thêm.

Ông Kiên cho rằng, chuyện phản ứng thu phí xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Ở Mỹ, những thập kỷ 70 - 80, khi tiến hành rà soát, phân cấp tài chính của Chính phủ liên bang, các bang cũng sử dụng nhà đầu tư tư nhân đầu tư cao tốc rồi thu phí, hiệp hội vận tải, lái xe phản ứng.

Ông Kiên cho rằng, chuyện phản ứng thu phí xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Vị ĐBQH dẫn chứng, tại Mỹ, vào những thập kỷ 70 - 80, khi tiến hành rà soát, phân cấp tài chính của Chính phủ liên bang, các bang cũng sử dụng nhà đầu tư tư nhân đầu tư cao tốc rồi thu phí, từ đó dẫn đến việc Hiệp hội vận tải, lái xe phản ứng.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM