Thủ tướng Iceland có thể bị miễn nhiệm do Hồ sơ Panama Paper

05/04/2016 11:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Dự án Panama Paper của tổ chức ICJC đang khiến chính trường Iceland rung chuyển và có khả năng Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson sẽ bị miễn nhiệm vào cuối tuần này trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Dự án Panama Paper của tổ chức ICIJ đã làm rung chuyển chính trị thế giới khi cho biết sẽ tiết lộ 2,6 terabyte dữ liệu của hãng Mossack Fonseca, một hãng luật ở Panama chuyên thành lập các công ty “bù nhìn” nhằm che giấu những giao dịch bí mật.

Trong 214.000 công ty bù nhìn mà ICJC điều tra, thông tin sơ bộ cho thấy có 12 nhà lãnh đạo trên thế giới có liên quan, kèm theo đó là 128 quan chức và 29 tỷ phú được xếp hạng trong bảng xếp hạng của Forbes.

Đối với những nhà lãnh đạo lớn như Nga, Trung Quốc hay Ukraine, dự án Panama Paper dường như chẳng có ảnh hưởng gì đến tương lai chính trị đất nước. Tuy nhiên, với Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson của Iceland, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn.

Nhà lãnh đạo của Đảng Tiến bộ trung hữu này lên nắm quyền vào năm 2013 với cam kết chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ đã được áp dụng từ năm 2008, sau khi 3 ngân hàng lớn nhất nước này là Landsbanki, Kaupthing và Glitnir vỡ nợ.

Trong suốt thời kỳ 2008-2013, người dân Iceland đã phải sống một cuộc sống khó khăn do nước này lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính, đồng tiền mất giá và dòng vốn bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.

Dẫu vậy, sau năm 2013, nền kinh tế Iceland bắt đầu khởi sắc khi quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức 2,9%. Kết quả là cuối cùng người dân nước này cũng chờ được đến ngày chính phủ nới lỏng các chính sách tiền tệ ngột ngạt mà họ phải chịu đựng trong suốt 6 năm.


Tăng trưởng GDP theo quý của Iceland (%)

Tăng trưởng GDP theo quý của Iceland (%)

Tuy nhiên, ngân hàng trung ương nước này vẫn phải đàm phán với các chủ nợ về khoản nợ 85 tỷ USD của 3 ngân hàng đã phá sản năm 2008 và dường như một thỏa thuận cuối cùng cũng sắp được hoàn thành.

Theo đó, các chủ nợ buộc phải lựa chọn giữa việc nộp khoản thuế bất thường tới 39% hoặc đóng góp một khoản tiền với tổng giá trị 4 tỷ USD. Đổi lại, những chủ nợ này sẽ được ưu tiên rút vốn khỏi Iceland, còn những nhà đầu tư và cư dân của nước này muốn chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài sẽ phải đợi sau.

Mặc dù vậy, một số chính trị gia vẫn chưa hài lòng với kết quả trên và đề nghị tăng mức thuế các chủ nợ phải nộp. Những nhà chính trị này cho rằng việc tăng thuế sẽ giúp Iceland thu thêm được khoảng 1,6 tỷ USD, qua đó nhanh chóng trả nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Không hài lòng với những chính trị gia phản đối bản đề nghị trên, Thủ tướng Gunnlaugsson thậm chí đã gọi họ là những con “kền kền” tham lam.

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đặc biệt khi Thủ tướng Gunnlaugsson cố gắng thúc đẩy quá trình đàm phán và giúp các chủ nợ rút dòng tiền khỏi Iceland.

Tuy nhiên, tiết lộ của ICJC cho thấy vợ của ông Gunnlaugsson lại đang sở hữu công ty Wintris tại quần đảo British Virgin Islands, một thiên đường trốn thuế, vốn đang nắm giữ hàng triệu trái phiếu phát hành bởi 3 ngân hàng phá sản trên. Nói cách khác, vợ ngài thủ tướng Gunnlaugsson cũng là một chủ nợ lớn.

Bà Anna Sigurlaug Palsdottir, vợ ông Gunnlaugsson đã được thừa hưởng một gia tài lớn và cả 2 vợ chống quyết định thành lập một công ty “bù nhìn”.

Với tiết lộ trên, Thủ tướng Gunnlaugsson có khả năng bị cáo buộc tội che giấu thông tin nhằm hưởng lợi từ các quyết định của chính phủ.

Mặc dù cả 2 kiên quyết khẳng định tất cả quá trình thành lập công ty cũng như hoạt động của chúng là hợp pháp, đồng thời đóng thuế đầy đủ cũng như đã khai báo với chính phủ Iceland nhưng tiết lộ của ICJC đang làm người dân Iceland vô cùng tức giận.

Theo tiết lộ, Thủ tướng Gunnlaugsson có cổ phần trong Wintris nhưng khi được phóng viên truyền hình hỏi, ngài thủ tướng đã bỏ dở cuộc phỏng vấn với những lời lẽ như: “Câu hỏi này hoàn toàn không phù hợp”.

Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson của Iceland của Iceland trả lời phỏng vấn liên quan đến công ty Wintris

Trong 3 năm cầm quyền, Đảng Tiến bộ của ông Gunnlaugsson đang mất dần uy tín dù đạt được những tiến bộ về kinh tế và các đảng đối lập đã dành đủ số phiếu ủng hộ để yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, qua đó tiến tới một cuộc bầu cử thủ tướng mới.


Đảng Tiến bộ của ông Sigmundur David Gunnlaugsson chỉ nhận được 12,1% ủng hộ của cử tri trong cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất.

Đảng Tiến bộ của ông Sigmundur David Gunnlaugsson chỉ nhận được 12,1% ủng hộ của cử tri trong cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất.

Cuộc bỏ phiếu này sẽ diễn ra vào cuối tuần này nhưng Thủ tướng Gunnlaugsson vẫn tuyên bố ông sẽ không từ chức vì mình không làm gì phạm pháp.

Hiện vẫn chưa rõ liệu mối liên quan giữa Thủ tướng Gunnlaugsson với Wintris có dính dáng gì đến động thái hoàn thành thỏa thuận với các chủ nợ nhằm cho phép họ rút vốn hay không. Việc đàm phán với các chủ nợ được ngân hàng trung ương Iceland chịu trách nhiệm nên ông Gunnlaugsson chỉ có thể vận động hành lang nếu muốn trợ giúp.

Dẫu vậy, nếu không có các bằng chứng xác thực, ông Gunnlaugsson sẽ không bị kết án hay buộc tội.

Tuy nhiên, những thông tin mà ICJC tiết lộ đã làm người dân Iceland phẫn nộ. Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi thông tin được lan truyền, rất đông người dân đã biểu tình ngoài tòa nhà Nghị viện yêu cầu Thủ tướng Gunnlaugsson từ chức.

Điều này khá dễ hiểu khi Iceland nổi tiếng là quốc gia có nền chính trị và kinh tế trong sạch nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế TICPI, Iceland đứng thứ 13/167 nước. Vì vậy, dù không có bằng chứng xác thực nhưng ông Gunnlaugsson vẫn đứng trước nguy cơ bị bãi nhiệm rất cao.

Bên cạnh Thủ tướng Gunnlaugsson, tổ chức ICJC còn tiết lộ có 2 quan chức Iceland nữa dính dáng đến các hãng luật Mossack Fonseca là Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson và Bộ trưởng Nội vụ Olof Nordal.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM