Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô

17/10/2017 07:04 AM | Xã hội

Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô còn gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô.

Tại buổi "Hội thảo – Triển lãm Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây. Năm 2016, sản lượng đạt trên 2 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô - Ảnh 1.

Tổng năng lực sản xuất - lắp ráp ô tô khoảng 460 ngàn xe/năm, gồm hầu hết các chủng loại xe con (công suất khoảng 200 ngàn xe/năm), xe tải và xe khách (công suất khoảng 215 ngàn xe/năm). Đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh lợi thế, công nghiệp ô tô của nước ta hiện còn nhiều hạn chế như chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản); giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại được chỉ ra là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và 1/4 của Indonesia), trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường. GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để người dân có thể sở hữu ô tô.

Trăn trở với bài toán nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Ông Phan Đăng Tuất, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cho rằng không nên coi sản xuất ô tô là một ngành công nghiệp mà phải là một nền công nghiệp ô tô. Khi nhận thức được như thế thì chúng ta mới có các chính sách bắt kịp xu thế vì quy mô của nó vô cùng lớn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính các giải pháp, đề xuất tại Hội thảo chưa thực sự cụ thể, chi tiết. Theo đó, không nên nói chung chung về vấn đề yêu cầu giảm thuế vì giảm thuế hay các chính sách thuế nói chung đều phải phù hợp với các cam kết, thỏa thuận thương mại quốc tế, cái quan trọng là các doanh nghiệp hãy giống như Thaco, Vinfast… trăn trở vấn đề làm thế nào nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và gia tăng sản lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô - Ảnh 2.

Về các chính sách dành cho ngành công nghiệp ô tô, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian ngắn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành Nghị định về điều kiện kinh doanh, sản xuất ô tô. Theo đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn. Bởi, chỉ có những doanh nghiệp đủ lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, từ đó là động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên. Quan điểm của Chính phủ thời gian tới là ưu tiên kêu gọi các Tập đoàn, Tổng công ty đa quốc gia đảm bảo đủ hai tiêu chí: lớn mạnh và chưa có cơ sở sản xuất trong khu vực để kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà.

Theo Đức Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM