Thu thuế kinh doanh trên facebook có khả thi?

27/02/2017 11:55 AM | Kinh tế vĩ mô

Cộng đồng kinh doanh trên mạng xã hội cho biết họ không ngại phải nộp thuế, song chỉ lo cơ chế chính sách không công bằng và minh bạch!

Vì sao không muốn công khai thu nhập khủng?

Mới đây, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong năm 2016, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lên tới 4 tỷ USD (tương đương gần 100.000 tỷ đồng). Theo các chuyên gia, trong vòng 5 năm tới, với tỷ lệ người dân tiếp cận internet cao cùng với lượng người sử dụng smartphone tăng lên nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng TMĐT có thể lên tới 30-50%/năm với tổng giá trị đạt khoảng 10 tỷ USD/năm. Đáng nói thông qua mạng xã hội , tất cả các sản phẩm từ thời trang, mỹ phẩm, công nghệ, ẩm thực... “thượng vàng, hạ cám” đều được đưa lên để kinh doanh. Không chỉ hàng hóa thực, kinh doanh qua mạng xã hội cũng kiếm lời từ hàng “ảo”. Thực tế, chỉ cần lập một fanpage có lượng người theo dõi (follow) khoảng 5.000 lượt trở lên là chủ trang đã có thể ngồi thu tiền từ các thương hiệu hay post link quảng cáo...

"Trong năm 2016, đã xử lý hơn 300 trường hợp TMĐT vi phạm, với tổng số tiền phạt hành chính khoảng 4 tỷ đồng... Trong năm 2017, khung pháp lý TMĐT sẽ được cải thiện theo hướng cởi trói cho DN, xóa bỏ rào cản tạo điều kiện cho thị trường này ngày càng phát triển”.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn

Cục Thương mại điện tửvà Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương

Nói về thu nhập khủng từ việc kinh doanh trên mạng xã hội, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện cao cấp của facebook tại Việt Nam cho biết, theo thống kê của facebook, hiện Việt Nam có khoảng 50 triệu phú đôla với tuổi đời còn rất trẻ từ 19-24 tuổi. Tuy nhiên, người đại diện facebook cũng nêu ra thực trạng đáng buồn: Những triệu phú đô la, thành công từ kinh doanh trên mạng xã hội khi được hỏi đều không muốn chia sẻ bởi chính những “rào cản” từ các cơ chế chính sách chưa rõ ràng. “Tôi đã từng gặp một anh chàng 19 tuổi hoạt động rất sôi nổi trên facebook. Cậu ta cho hay, hiện tại thu nhập giảm hơn trước nhưng cũng được khoảng 100.000USD/tháng. Tuy nhiên, cậu ấy lại không muốn công khai thu nhập, không phải bởi ngại nộp thuế mà lại sợ mỗi tuần sẽ có “vài người tới nhà hỏi thăm”, ông Tước chia sẻ câu chuyện.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, hầu hết hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội hiện nay đều được coi là việc kiếm thêm. “Chúng ta vẫn hay nghe thông tin cá nhân này hay cá nhân kia kinh doanh trên mạng thu về cả tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng hoạt động kinh doanh trên mạng rất nhiêu khê. Theo đó, người kinh doanh phải trả số tiền quảng cáo lớn, tạo fanpage và xây dựng cả chiến lược marketing thu hút khách...”. Cũng theo ông Dũng, chủ trương thu thuế kinh doanh trên facebook cũng đã có từ lâu tuy nhiên tới nay cơ quan quản lý vẫn chưa ra được văn bản hướng dẫn cụ thể. Chính điều này đang khiến cộng đồng người kinh doanh trên mạng xã hội cảm thấy hoang mang. “Một khi cơ quan thuế ban hành được quy trình rõ ràng, công bằng minh bạch đối với tất cả các đối tượng, tôi nghĩ mọi người sẽ không còn ngại, thậm chí còn tự nguyện, mong muốn được nộp thuế”, ông Dũng cho hay.

Cần công cụ quản lý thích hợp

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT cơ bản đã có, để hoàn thiện cần phải cập nhật cho phù hợp với tính đặc thù và các phương thức giao-nhận hàng. “TMĐT cũng giống như thương mại đời thực nói chung, thực chất vẫn là phương thức trao đổi hàng. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ có những hành vi không chính thống. Vì vậy để quản lý TMĐT, chúng ta cần tận dụng biện pháp công nghệ thông tin nhằm quy đổi rõ ràng đối tượng mua-bán; quy đổi giá trị hàng hóa giao dịch... tương đương với khung pháp lý quản lý thương mại. Với công cụ quản lý thích hợp, không chỉ giúp quản lý TMĐT phát triển lành mạnh, mà còn có thể dễ dàng triển khai việc thu thuế hơn cả đối với các hành vi thương mại ngoài thực tế”, ông Liên phân tích.

Đồng quan điểm, ông Phạm Tấn Đạt, Tổng giám đốc Miczone nhận định, TMĐT suy cho cùng cũng chỉ là một phương thức bán hàng, nó cần có hệ thống pháp lý phù hợp và đồng bộ. “Các quy định, chính sách về TMĐT hiện còn nhiều rào cản gây khó khăn cho DN trong việc kê khai và đóng thuế. Cụ thể với khung pháp lý TMĐT hiện nay, trong nhiều trường hợp, DN không biết làm sao để giải trình được đâu là doanh thu dịch vụ, đâu là doanh thu bán hàng và lợi nhuận như thế nào, đặc biệt đối với sản phẩm ảo làm thế nào để công khai đúng giá trị? Chúng tôi cần một hành lang pháp lý rõ ràng, công bằng cho tất cả các bên để thực hiện đúng và đủ”, ông Đạt chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết, theo quy định, cá nhân hay tổ chức dù có đăng ký kinh doanh hay không, nếu tham gia hoạt động thương mại, có phát sinh thu nhập từ 100 triệu đồng/tháng trở lên, đều phải kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay rất khó để kiểm soát thu nhập cá nhân trên mạng xã hội. “Việc thu thuế kinh doanh trên mạng xã hội vẫn chưa có giải pháp cụ thể về mức thu như thế nào, cách tính ra sao... tất cả vẫn đang được các cơ quan đơn vị chức năng nghiên cứu”, ông Tuấn cho biết.

Theo Hoàng Ngân

Cùng chuyên mục
XEM