Thử nghiệm loại thuốc đảo ngược quá trình lão hóa, giấc mơ "trường sinh bất lão" của con người có thể trở thành hiện thực?

12/07/2017 20:51 PM | Công nghệ

Các nhà khoa học ở Australia chuẩn bị thử nghiệm thuốc có khả năng đảo ngược quá trình lão hóa trên người.

Giáo sư David Sinclair, giảng viên của Đại học New South Wales tại Australia, cùng các đồng nghiệp quyết tâm chế thuốc đảo ngược quá trình lão hóa sau khi họ phát hiện cách tăng tốc độ khắc phục tổn thương DNA.

NAD+ là một loại phân tử tồn tại trong mọi tế bào của cơ thể. Nó đảm nhận vai trò rất quan trọng đối với những tương tác protein để khắc phục những tổn thương trong DNA.

Nếu tốc độ hoạt động của NAD+ tăng, quá trình khắc phục tổn thương DNA sẽ diễn ra nhanh hơn. Bằng cách chế một chất mang tên NMN, nhóm của Sinclair có thể làm tăng tốc độ hoạt động của NAD+.

4 năm trước, Sinclair lập công ty MetroBiotech để biến NMN thành thuốc chống lão hóa. Trong vài thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu nhận thấy thuốc có khả năng phục hồi những tổn thương của DNA do phơi nhiễm phóng xạ hoặc tuổi già.

"Những tế bào của chuột già sẽ phục hồi giống như tế bào của chuột trẻ chỉ sau một tuần từ khi chúng tôi đưa thuốc vào cơ thể chúng", Sinclair tuyên bố.

Kế hoạch tiếp theo của nhóm nghiên cứu là thử nghiệm trên người tại Bệnh viện Phụ nữ ở thành phố Boston, Anh trong vòng 6 tháng tới.

Trong điều kiện bình thường, tế bào có thể tự khắc phục các tổn thương DNA, chẳng hạn như tổn thương do ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, khả năng đó giảm dần khi chúng ta già đi.

"Đây là bước tiến gần nhất của chúng tôi tới loại thuốc chống lão hóa an toàn và hiệu quả. Thuốc có thể xuất hiện trên thị trường trong 3 - 5 năm nữa nếu thử nghiệm thành công", Sinclair phát biểu.

Nỗ lực của nhóm Sinclair thu hút sự chú ý của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Đối với họ, thuốc của nhóm Sinclair có thể giúp họ giải quyết một thách thức trong tham vọng đưa người lên sao Hỏa: Giúp phi hành gia duy trì sức khỏe tốt trong chuyến bay 4 năm.

Ngay cả trong những chuyến bay ngắn, phi hành gia vẫn hứng chịu tình trạng lão hóa nhanh do phơi nhiễm bức xạ vũ trụ. Họ cũng phải chịu đựng tình trạng yếu cơ, giảm trí nhớ khi trở về địa cầu.

Trong hành trình tới sao Hỏa, viễn cảnh còn đáng sợ hơn: 5% tế bào trên cơ thể phi hành gia sẽ chết và nguy cơ mắc ung thư của họ tăng 100%.

Sinclair và một đồng nghiệp của ông, tiến sĩ Lindsay Wu, giành giải thưởng trong cuộc thi công nghệ iTech do NASA tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái. Để đoạt giải, họ vượt qua 300 nhóm nghiên cứu khác.

Ngoài phi hành gia, hành khách máy bay cũng phơi nhiễm bức xạ vũ trụ. Lượng bức xạ vũ trụ mà một người ngồi trên chuyến bay từ London tới Singapore rồi bay tiếp tới Melbourne tương đương lượng phóng xạ người đó hấp thu trong một lần chụp X-quang ngực.

Về lý thuyết, thuốc chống lão hóa có thể giảm thiểu tác động của việc phơi nhiễm bức xạ đối với những người di chuyển thường xuyên bằng máy bay.

Một đối tượng khác cũng có thể hưởng lợi là những người từng mắc ung thư thời thơ ấu nhưng sống sót. Tiến sĩ Lindsay Wu cho biết, 96% người sống sót sau khi mắc ung thư hồi nhỏ sẽ phải chống chọi một căn bệnh kinh niên trước tuổi 45.

"Họ có thể mắc bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, mất trí nhớ hay thậm chí ung thư. Những bệnh đó cho thấy họ đang lão hóa nhanh. Đó là thực tế đáng sợ. Vì thế, tôi cảm thấy rất vui khi có thể làm được việc gì đó để giúp họ", Wu giải thích.

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM