Thu ngân sách 9 tháng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua

24/10/2017 08:28 AM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo trước QH chiều nay về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán và phân bổ ngân sách 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình hình thu ngân sách TƯ đang rất khó khăn.

Thu ngân sách rất khó khăn

Thu NSNN 9 tháng ước đạt 69,5% dự toán, trên tổng 1,2 triệu tỷ đồng, đạt thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm gần đây do các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, từ cổ phẩn hoá đều đạt thấp. Thu ngân sách TƯ hiện mới đạt 63,3% dự toán do huy động từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm.

Trong khi đó, dự toán chi gần 1,4 triệu tỷ đồng. Theo đánh giá, chi đầu tư phát triển của ngân sách TƯ từ nguồn tích luỹ trong nước đã bố trí tăng nhưng so với nhu cầu còn thấp.

Để điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp người có công tăng khoảng 7% từ 1/7/2018, Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, cơ quan TƯ phải triệt để tiết kiệm, sắp xếp trong phạm vi dự toán được giao, nâng cao năng lực tự chủ tài chính và sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương.

Theo dự báo, bội chi năm 2018 sẽ tăng thêm 0,2% lên 3,7% GDP, nguyên nhân một phần do quy mô GDP không đạt kế hoạch, kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách còn nhiều bất cập, thất thoát, lãng phí còn lớn.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, để điều tiết trong năm tới, sẽ tạm giữ lại 50% dự phòng ngân sách TƯ năm 2017 để chủ động xử lý trong trường hợp thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Trường hợp thu giảm lớn, địa phương phải tự sắp xếp cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, tạm giữ lại 50% dự phòng và sử dụng các nguồn lực khác để xử lý.

Tiến tới khoán chi

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho rằng việc hụt thu ngân sách TƯ sẽ gây ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách TƯ, vai trò chủ đạo của ngân sách TƯ khó được đảm bảo.

Ngoài ra, năm 2017, vay để trả nợ gốc giảm so với dự toán, chủ yếu từ ngân sách địa phương, phản ánh sự thiếu vững chắc của ngân sách TƯ khi không bố trí được nguồn để trả nợ gốc.

Thu ngân sách 9 tháng thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm qua - Ảnh 1.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải

Về chi NSNN, Chính phủ ước thực hiện chi cả năm tăng 1,7% so với dự toán. Cơ quan thẩm tra đề nghị lưu ý một số vấn đề như việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt. Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm so với cùng kỳ.

"Đây là năm thứ 2 liên tiếp xảy ra tình trạng này. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm và sớm có chế tài đủ mạnh nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này", ông Hải nhấn mạnh.

UB Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh chi NSNN cho đoàn ra nước ngoài. Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

"Nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua xe ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới khoán chi”, ông Hải nói rõ.

Ngoài ra, không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm. Không nợ chính sách chi cho con người.

Đối với chi cải cách tiền lương, UB đề nghị QH cho phép một số địa phương có điều tiết về ngân sách TƯ trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển.

PV

Cùng chuyên mục
XEM