Thủ đoạn cao tay giúp nhũ mẫu đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành phi tần độc sủng hậu cung

14/03/2019 20:41 PM | Sống

Từng là một nhũ mẫu với xuất thân đầy tỳ vết, người phụ nữ này đã dùng nhiều thủ đoạn để có được cơ hội đổi đời bằng cách trở thành phi tử của vị vua đáng tuổi con mình.

Năm 1449 sau Công nguyên, vương triều Đại Minh phải đối mặt với một biến cố trước nay chưa từng có: Hoàng đế Minh Anh Tông bị quân Ngõa Lạt bắt làm con tin trong sự biến Thổ Mộc Bảo.

Trước tình hình rối ren trong nội bộ lúc đó, triều đình lúc bấy giờ đã quyết định lập em trai nhà vua lên ngôi Tân đế, đồng thời cũng để cho người con trai vừa tròn 2 tuổi của Minh Anh Tông làm Hoàng Thái tử. Vị Hoàng Thái tử nhỏ tuổi ấy chính là Chu Kiến Thâm, tức Minh Hiến Tông sau này.

Trong bối cảnh chính trị phức tạp như vậy, Tôn Thái hậu đã chọn một người trong số những cung nữ thân cận của mình để túc trực bên cạnh hầu hạ, bảo vệ Hoàng Thái tử. Và người được chọn không ai khác ngoài Tiểu đáp ứng Vạn Trinh Nhi.

Vào thời điểm đó, Chu Kiến Thâm mới chỉ là một cậu bé, còn Vạn Trinh Nhi lúc này đã ngoài 20, xét về tuổi tác cũng không hơn kém mẹ ruột của Hoàng Thái tử là bao.

Thế nhưng không ai ngờ rằng, mối lương duyên chủ - tớ của Chu Kiến Thâm và Vạn Trinh Nhi đã trở thành khúc dạo đầu cho mối tình giữa hai nhân vật hơn kém nhau tới 19 tuổi.

Cơ duyên trời cho khiến cung nữ với xuất thân đầy tỳ vết trở thành nhũ mẫu cho Hoàng Thái tử

 Thủ đoạn cao tay giúp nhũ mẫu đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành phi tần độc sủng hậu cung - Ảnh 1.

Vốn xuất thân từ một tỳ nữ trong cung, Vạn thị đã được chọn làm nhũ mẫu cho Hoàng Thái tử. Sau này bà cũng trở thành phi tần đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa được công nhận ngôi vị Hoàng Quý phi. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Theo ghi chép của "Tội duy lục", Vạn thị có tên thật là Trinh Nhi, vốn là người Chư Thành (Sơn Đông). Bà xuất thân trong một gia đình từng có cha làm Quan huyện, nhưng sau này vì phạm tội nên cả nhà đều bị đày tới biên cương.

Khi mới lên 4 tuổi, Vạn Trinh Nhi đã nhập cung hầu hạ Tôn Thái hậu dưới thân phận của Tiểu đáp ứng. Tới năm Hoàng Thái tử Chu Kiến Thâm lên 5 tuổi, Tôn Thái hậu vì muốn chăm sóc cho cháu trai chu đáo nên đã phái cung nữ thân tín là Vạn thị làm nhũ mẫu cho Hoàng Thái tử.

Khi Chu Kiến Thâm còn nhỏ tuổi, Vạn Trinh Nhi đối với vị chủ nhân nhỏ tuổi này có thể xem là vô cùng chu đáo, tận tâm tận lực chăm sóc.

Là một người con gái biết yêu thương nhưng không cách nào có được một cuộc hôn nhân bình thường, Vạn thị dường như đã đem tất cả tấm lòng của mình ký thác lên người vị Hoàng Thái tử ấy.

Theo ghi chép của các tài liệu chính sử, Vạn Trinh Nhi sinh năm 1428, còn mẹ ruột của Chu Kiến Thâm là Hiếu Túc Hoàng hậu ra đời vào năm 1430. Như vậy, nhũ mẫu họ Vạn này thậm chí còn lớn hơn mẹ của Hoàng Thái tử tới 2 tuổi.

Thiết nghĩ, nếu số phận không đưa đẩy Vạn thị  vào cung làm nô tỳ, ở tuổi đời đã ngoài 20, bà có lẽ đã thành gia lập thất từ sớm, thậm chí nếu có con cái cũng đã xấp xỉ tuổi Hoàng Thái tử.

Thế nhưng không ai có thể ngờ được rằng, giữa hai nhân vật hơn kém nhau tới gần 20 tuổi ấy lại có thể nảy sinh ra thứ tình cảm ít ngờ tới nhất. Đó chính là tình yêu đôi lứa.

Những âm mưu thâm độc giúp phi tử đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành người độc sủng hậu cung

 Thủ đoạn cao tay giúp nhũ mẫu đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành phi tần độc sủng hậu cung - Ảnh 2.

Là phi tần đầu tiên được công nhận ngôi vị Hoàng quý phi trong lịch sử Trung Quốc, Vạn thị được biết đến với hình tượng đắc sủng sinh kiêu và lắm mưu nhiều kế. (Ảnh minh họa).

Vào thời kỳ phong kiến ở Trung Hoa, lần quan hệ chăn gối đầu tiên của các Hoàng đế, Hoàng tử thường do chính cung nữ thân cận của họ hầu hạ. Vì vậy cũng không hề khó hiểu khi Vạn Trinh Nhi có cơ hội trở thành người phụ nữ đầu tiên được Chu Kiến Thâm sủng hạnh.

Thế nhưng sau đêm mặn nồng định mệnh ấy, mối quan hệ nhũ mẫu – chủ nhân tồn tại giữa hai người đã dần dần thay đổi.

Khi Hoàng Thái tử bước vào tuổi thành niên, Vạn Trinh Nhi lúc này cũng đã xấp xỉ 30. Thế nhưng chính khí chất thuần thục và vẻ đẹp mặn mà của người nhũ mẫu đứng tuổi đã khiến Chu Kiến Thâm mê mẩn tới si dại.

Nếu nói trước kia Vạn thị từ thân phận của một cung nữ trở thành nhũ mẫu của Hoàng Thái tử là một cơ duyên ngẫu nhiên, thì cú đổi đời ngoạn mục khiến bà từ vị trí nhũ mẫu trở thành sủng phi lại là kết quả của hàng loạt bước đi đầy mưu mô toan tính.

Ngày 17 tháng 1 năm Thiên Thuận thứ 8, Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn qua đời ở Càn Thanh cung. Hoàng Thái tử Chu Kiến Thâm thuận lợi đăng cơ và trở thành Tân đế của Đại Minh khi mới 16 tuổi, sử cũ gọi là Minh Hiến Tông.

Mặc dù người được sủng ái nhất lúc bấy giờ vẫn là Quý phi Vạn thị, nhưng nhân vật được hiên ngang bước lên ngai vị Hoàng hậu lại là Ngô thị - thiếu nữ bằng tuổi nhà vua và có xuất thân vô cùng danh giá.

Thế nhưng chỉ sau vẻn vẹn 31 ngày được ở ngôi "mẫu nghi thiên hạ", Hoàng hậu Ngô thị đã bị Hoàng đế phế truất. Có giai thoại truyền lại rằng bà vì trách phạt Vạn quý phi tội bất kính nên đã bị nhà vua phế bỏ và giam vào lãnh cung.

 Thủ đoạn cao tay giúp nhũ mẫu đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành phi tần độc sủng hậu cung - Ảnh 3.

Trong những đối thủ xấu số bị Vạn thị thanh trừng, người có kết cục bi thảm nhất phải kể tới Ngô thị - vị Hoàng hậu chỉ tại vị được 31 ngày. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Một năm sau sự kiện Ngô thị bị phế, Vạn Quý phi lúc này đã 37 tuổi rốt cục cũng được như ý nguyện, thuận lợi sinh cho Minh Hiến Tông một người con trai trưởng.

Nếu thuận lợi trưởng thành, vị Hoàng tử do Vạn Trinh Nhi sinh ra chắc chắn sẽ trở thành Hoàng đế tương lai của Đại Minh. Thế nhưng cổ nhân có câu "mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên", người con trai này đã không may yểu mệnh qua đời, thậm chí tới tên còn chưa kịp đặt.

Vạn Trinh Nhi lúc này cũng đã gần 40, cơ hội sinh đẻ lần nữa là vô cùng khó khăn. Chính những điều này đã khiến Vạn Quý phi càng lúc càng trở nên độc địa, nham hiểm, thậm chí tìm mọi cách để khiến các phi tần khác trong hậu cung không thể sinh con.

Tương truyền rằng, Minh Hiến Tông trong một lần đi vào Nội khố đã vô tình phải lòng và sủng hạnh cung nữ họ Kỷ làm việc ở nơi này. Sau lần thị tẩm ngẫu nhiên ấy, Kỷ thị kia đã may mắn có long thai.

Dĩ nhiên Vạn Trinh Nhi cũng không chịu ngồi yên, vừa hay tin đã lập tức sai người đem thuốc phá thai cho Kỷ thị uống, còn hạ lệnh đưa nàng tới nơi chuyên toàn những cung nữ bệnh tật và già yếu sinh sống.

Tuy nhiên hết thảy những âm mưu của Vạn Trinh Nhi đều không thành, còn Kỷ thị thì đã bí mật dưỡng thai và sinh hạ cho Minh Hiến Tông một vị Hoàng tử. Nhân vật may mắn đó chính là Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường - vị Hoàng đế hiếm hoi duy trì chế độ một vợ một chồng trong lịch sử Trung Hoa.

Vạn Trinh Nhi cả đời dốc hết mưu mô toan tính để có thể độc sủng hậu cung. Thế nhưng có câu "ác giả ác báo", vì thường xuyên hao tâm tổn ý bày mưu hãm hại người khác, Vạn thị đã bị mắc bệnh gan và qua đời vào năm Thành Hóa thứ 23.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, cái chết của vị phi tần đáng tuổi mẹ mình như Vạn thị đã khiến Minh Hiến Tông vô cùng đau lòng. Có giai thoại còn truyền lại rằng, nhà vua từng vì thương nhớ người tình họ Vạn mà than rằng:

"Trinh Nhi đi rồi, ta cũng không còn ở lại nhân thế này lâu nữa…".

Lễ tang của Vạn Trinh Nhi được đích thân Hoàng đế chủ trì theo nghi thức dành cho Hoàng hậu, ban thụy hiệu Cung Túc Hoàng Quý phi. Minh Hiến Tông cũng hạ lệnh không thiết triều trong vòng 7 ngày để tưởng nhớ vị phi tử quá cố.

Đúng như lời tiên đoán mà Minh Hiến Tông dành cho chính bản thân mình, chỉ vài tháng sau khi Vạn thị qua đời, nhà vua cũng buông tay trần thế sau một thời gian dài chìm trong đau buồn u uất.

 Thủ đoạn cao tay giúp nhũ mẫu đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành phi tần độc sủng hậu cung - Ảnh 4.

Ngay cả khi Vạn Trinh Nhi đã từng bày ra không ít âm mưu gây náo loạn hậu cung, Minh Hiến Tông Chu Kiến Thâm vẫn một lòng bao dung và yêu thương vị phi tử lớn tuổi này. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Nhìn lại cuộc đời của Vạn Trinh Nhi, có thể thấy mối lương duyên giữa bà và Hoàng đế đã trở thành yếu tố giúp người nhũ mẫu xuất thân thấp kém ấy có cơ hội trở thành phi tần cao quý chốn hậu cung.

Không chỉ đặc biệt sủng ái vị phi tần hơn mình tới gần 20 tuổi, Minh Hiến Tông còn sẵn sàng bỏ qua mọi lỗi lầm và âm mưu của Vạn thị. 

Thậm chí, tình yêu mà vị Hoàng đế ấy dành cho sủng phi của mình lớn tới nỗi ông sẵn sàng bỏ lại sau lưng hết thảy ngai vàng và giang sơn xã tắc chỉ vì muốn cùng đoàn tụ với người tình của mình dưới hoàng tuyền.

Dù mối tình của Minh Hiến Tông và Vạn Quý phi đã đi vào dĩ vãng, thế nhưng giờ đây mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Vạn Trinh Nhi, người ta vẫn thường kể cho nhau nghe những giai thoại về cuộc đời bà và coi đó là kỳ tích đổi đời ngoạn mục nhất trong lịch sử Trung Hoa.

*Dịch từ báo nước ngoài

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM