Thủ đô có 1.400 cảnh sát giao thông nhưng vẫn thiếu và đây là lý do

26/12/2016 15:53 PM | Xã hội

Đây là ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị khắc phục ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông sáng nay (26/12).

Hà Nội vẫn thiếu cảnh sát giao thông

Chia sẻ về tình hình giao thông hiện nay tại hội nghị về khắc phục ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông, Chủ tịch Hà Nội cho rằng ý thức tham gia giao thông của “một bộ phận không nhỏ” người dân Thủ đô kém. Như ở các nước, khi tắc đường thì họ xếp hàng rất trật tự, nhưng ở VN sẵn sàng trèo lên vỉa hè, tranh nhau đi, xe máy chèn lên nhau.

Bên cạnh đó, theo ông Chung, lực lượng đảm bảo an toàn giao thông của Hà Nội vẫn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Sở dĩ nói như vậy, bởi theo người đứng đầu thành phố là so với Bắc Kinh (Trung Quốc) dân số gấp 3 lần Hà Nội, số cảnh sát giao thông trên 9.500 người và 8.000 dân phòng trong khi Hà Nội chỉ có 1.400 cảnh sát giao thông.

Còn tại Luân Đôn (Anh), cảnh sát giao thông cũng là 45.000 người, cũng gấp gần 5 lần Hà Nội khi chỉ có 9.500 người.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đưa ra một số giải pháp:

- Huy động toàn bộ lực lượng: Hà Nội đã chỉ đạo Công an thành phố tăng cường lực lượng từ cấp phường đến các quận, huyện, tổ dân phố, cảnh sát trật tự và cơ động, học viên các trường cảnh sát xuống đường vào giờ cao điểm, đảm bảo không để ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

Sở Giao thông vận tải cũng huy động toàn bộ lực lượng thanh tra phân luồng, điều tiết giao thông vào những khung giờ cao điểm trong ngày.\

- Quy định về giờ thi công: Việc đào đường, vỉa hè để hạ ngầm phải thi công trong đêm, hoàn trả mặt đường vào sáng sớm. Các xe thu gom rác giảm hoạt động trong giờ cao điểm. Xe tải chở nguyên vật liệu chỉ được vào nội đô sau 21h, dừng hoạt động trước 6h.

- Quy định chạy xe: Từ 2/1/2017, thành phố sẽ điều chuyển hàng loạt tuyến xe khách liên tỉnh, không cho xe khách chạy xuyên tâm; bố trí các tuyến xe buýt kết nối giữa các bến xe liên tỉnh và các điểm vào nội đô.

Về tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã – Yên Nghĩa, Chủ tịch Hà Nội cho biết, mặc dù dự án đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, nhưng thành phố quyết tâm thực hiện, khai trương vào 1/1/2017. Trong quá trình triển khai thực tế, Hà Nội sẽ tiếp thu, chỉnh sửa những bất cập phát sinh.

- Kiến nghị ưu tiên nguồn vốn, tăng thuế trước bạ: Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho rằng, để giải quyết những bất cập về giao thông, Hà Nội kiến nghị Trung ương ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn ODA, WB, ADB để Thủ đô thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm.

Đặc biệt Hà Nội cũng đề nghị Trung ương ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước hạn chế, tiến tới loại bỏ một số phương tiện cá nhân ở Thủ đô; tăng phí trước bạ, thu phí giao thông đối với các phương tiện cá nhân lưu hành trên địa bàn...

Theo số liệu từ UBND Hà Nội, năm 2016 toàn thành phố chỉ còn 41 điểm ùn tắc, giảm 1/3 lần so với năm 2010 với 124 điểm.

Mai Lan

Cùng chuyên mục
XEM