Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều ngư dân vay đóng tàu

06/11/2019 20:31 PM | Xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho nhiều ngư dân vay đóng tàu

Hôm nay (ngày 6/11), tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có phần trình bày, phát biểu bổ sung phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên quan đến nguyên nhân của nợ xấu trong thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Cụ thể, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định Chính phủ, khi nhiều tàu sắt đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) chất vấn: Thời gian qua, đội tàu công suất lớn đã phát triển nhưng vẫn có nhiều tàu dừng hoạt động, không duy tu, dẫn đến nợ xấu, chưa kể đến việc lợi dụng chính sách để trục lợi?

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết tại Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá, trong đó cả 246 tàu khai thác, 14 tàu dịch vụ hậu cần và 8 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp với 50 tàu gỗ; đã có 61 chủ tàu ký hợp đồng đóng mới gồm 48 tàu thép, 8 tàu composite và 5 tàu gỗ; tổng số tiền cho vay gần 931 tỷ đồng và ngân hàng đã giải ngân 911 tỷ đồng.

Cũng theo đại biểu Nhường, nhờ cú hích Nghị định 67 đã hiện đại hóa tàu cá vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghị định đã xảy ra một số bất cập.

Dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng do khách hàng chậm trả nợ, do chi phí vận hành tàu sắt lớn, gồm có chi phí nhân công nhiều người hơn và nhiên liệu nhiều hơn nhưng đánh bắt sản lượng tăng không bao nhiêu, bởi vì nguồn lợi thủy sản của chúng ta có hạn, dẫn đến không hiệu quả nên ngư dân chậm trả nợ hoặc không trả nợ, tác động lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong bối cảnh cần hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn xa vừa phát triển kinh tế vừa duy trì an ninh biển.

Đến nay, đã phát triển được 1030 phương tiện công suất lớn trên 80 mã lực, trong đó có 358 chiếc tàu sắt là loại hình đóng mới.

Hiện nay, còn 55 "tàu 67" nằm bờ không ra khơi được, nguyên nhân do đánh bắt không hiệu quả, thứ 2, có 2 chủ tàu qua đời. Ngoài ra, có một số chủ tàu muốn chuyển đổi.

“Trước tình hình đó, chúng ta cần xác định tiềm năng ngư trường không đủ, duy trì lãi suất ngân hàng trong 11 năm cũng không phù hợp, nên phải thay đổi.

Từ 2018 đến nay, chúng ta đã chuyển đổi sang loại hình hỗ trợ người dân đủ điều kiện khai thác để đóng tàu. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh tổng kết chương trình 67, từ đó đưa ra các chính sách, phương pháp mới thay thế những gì không phù hợp”, Bộ trưởng Cường cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, để thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt bất cập đã phát sinh nên ngày 2/2/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67.

Sau hơn 3 năm triển khai, tính từ ngày 25/4/2014 đến 31/12/2017, thời điểm dừng ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp cho 1.178 tàu (1.032 tàu đóng mới) với tổng số tiền cho vay gần 11.700 tỷ đồng.

Bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: “Về phía ngành Ngân hàng, chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều khách hàng nông dân và ngư dân vay vốn. Thứ hai là ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, nợ lãi sau và thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu…”.

Trả lời bổ sung về các giải pháp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến Nghị định 67, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hiện nay, tổng dư nợ cho vay còn lại theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng, tuy nhiên nợ xấu hiện chiếm khoảng 33%.

“Trước diễn biến trên, từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước với trách nhiệm theo dõi các hoạt động tín dụng của mình đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan triển khai các biện pháp.

Gần đây nhất, ngày 30/10, sau khi làm việc với các địa phương và bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ triển khai xử lý”, Thống đốc cho biết.

Theo đó, tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy hải sản và các nhóm nghề, ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác hiệu quả và bền vững hơn.

UBND các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có từ cuối năm 2018, trong đó tập trung phối hợp với ngành Ngân hàng rà soát các trường hợp cụ thể.

Trong trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ cùng với ngành Ngân hàng để cơ cấu lại nợ cho ngư dân, còn trong trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ì thì cũng phối hợp với ngành Ngân hàng để thu hồi nợ.

“Bản thân ngành ngân hàng cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu.

Đặc biệt là có giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm được bàn giao, đồng thời hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ”, Thống đốc cho biết.

Theo Trần Thúy

Cùng chuyên mục
XEM