Thời trang Việt loay hoay trước cuộc “tấn công” của các thương hiệu quốc tế

30/08/2017 11:25 AM | Kinh doanh

Sự có mặt ồ ạt của các hãng thời trang quốc tế đang gây ra sức ép lớn lên các doanh nghiệp (DN) trong nước. Có lợi thế về sản xuất cũng như am hiểu thị trường nhưng nếu không tự thay đổi, DN Việt sẽ thua ngay trên sân nhà.

Hàng thời trang quốc tế “đổ bộ”

Ngày 9/9 tới đây, tại Trung tâm thương mại Vincom Center Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM), hãng thời trang H&M sẽ chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Thương hiệu thời trang Thuỵ Điển này hứa hẹn sẽ giới thiệu các mẫu thiết kế mới nhất gồm tranh phục nam nữ và trẻ em với mức giá phải chăng nhất.

Việt Nam trở thành thị trường mới thứ 5 của H&M trong năm nay và là thị trường thứ 68 của hãng.

TP.HCM được xem là điểm đến yêu thích của các hãng thời trang quốc tế. Trước đó, đầu tháng 9/2016, Zara cũng đã đưa vào hoạt động cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam tại đây.

Hãng thời trang Tây Ban Nha này cũng đã bắt đầu kinh doanh online từ tháng 4/2017 và lên kế hoạch mở cửa hàng thứ hai tại Hà Nội vào tháng 10 tới đây.

Hãng thời trang “bình dân” nổi tiếng của Nhật Bản là Uniqlo đang ráo riết tuyển nhân sự, chuẩn bị cho ngày ra mắt thị trường Việt Nam. Theo nhiều đồn đoán, cửa hàng đầu tiên của Uniqlo sẽ đặt tại TP.HCM.

Uniqlo là thương hiệu thời trang với phong cách đơn giản, dễ ứng dụng. Số lượng cửa hàng Uniqlo trên thế giới tăng nhanh chóng, cứ mỗi tuần trôi qua lại có thêm một cửa hàng Uniqlo mới khai trương.

Trước đó, hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế từ bình dân đến cao cấp như Topshop, Mango, Gap, Giordano, Old Navy, Coast, Karen Millen, Miss Selridge, Giovanni… cũng đã đổ bộ vào Việt Nam.

Thị trường có mức tăng trưởng bình quân 15% - 20% mỗi năm được xem là “miếng mồi ngon” không thể ngó lơ của các hãng thời trang ngoại.

Hiện miếng bánh thị phần đang là cuộc tranh giành nảy lửa không chỉ giữa những hãng thời trang ngoại với nhau mà còn giữa DN trong nước với các đối thủ ngoại.

Chị Trần Hà Phương (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, trước đây khi muốn mua quần áo của H&M chị phải order từ những đầu mối kinh doanh trực tuyến hoặc nhờ bạn bè đi du lịch nước ngoài “xách tay” về.

Theo chị Phương, nhược điểm của hình thức mua sắm này là không được thử trước, do vậy một số quần áo mua về mặc không vừa, đành thanh lý lại với giá rẻ.

Tín đồ thời trang này cho rằng, chuyện ngày càng nhiều thương hiệu thời trang mở cửa hàng tại Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng khi họ có thêm sự lựa chọn.

“Thay vì mua sắm theo kiểu nhìn trên hình như trước đây thì nay mọi người có thể đến cửa hàng tha hồ lựa chọn. Chưa kể giá cả còn thấp hơn so với hàng đặt trước vào các đợt sale của hãng”, chị Phương cho hay.

Cửa nào cho hàng thời trang Việt?

Thị trường thời trang tại Việt Nam đang trở nên “chật chội” hơn bao giờ hết khi theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế đang có mặt, chiếm hơn 60% thị phần.

Trong khi đó, người tiêu dùng dường như cũng đang “hướng ngoại” khi khảo sát của hãng Niesel mới đây cho thấy, có tới 56% người Việt khi được hỏi đã cho biết sẵn sàng chi tiền để mua sắm hàng hiệu.

Một số thương hiệu thời trang Việt nổi danh cho giới trẻ trước đây như Foci (Công ty thời trang Nguyên Tâm), Ninomaxx và N&M (Công ty thời trang Việt), The Blue (Công ty TNHH thời trang Xanh cơ bản), PT2000 (Công ty TNHH Phạm Tường 2000)… đang đối mặt với sự cạnh tranh trực tiếp từ các thương hiệu nước ngoài.

Khó khăn đã khiến DN trong nước buộc phải chuyển hướng kinh doanh, thu hẹp quy mô hay hoạt động trong trạng thái cầm chừng.

Đơn cử như Ninomaxx, thời đỉnh cao thương hiệu này từng phát triển mạng lưới bán lẻ đến 200 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên cách đây 3 – 4 năm, Ninomaxx đã đóng cửa hàng loạt cửa hàng và hiện chỉ còn khoảng 50 điểm bán.

Foci cũng không nằm ngoài vòng xoáy, hiện thương hiệu này cũng không còn đầu tư hệ thống cửa hàng bán lẻ mà chú trọng phát triển kinh doanh online.

Tương tự, các hãng thời trang công sở trong nước như Việt Tiến (Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến), An Phước (Công ty may thêu giày xuất nhập khẩu An Phước), May 10 (Tổng công ty May 10) hay May Nhà Bè (Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè)… cũng khó lòng sánh ngang với các thương hiệu ngoại đang có mặt Việt Nam.

Ông Nguyễn Khánh Hưng, chủ một DN thời trang tại TP.HCM cho rằng, bên cạnh một bộ phận người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền để mua sắm hàng hiệu quốc tế thì vẫn có không ít người duy trì thói quen dùng hàng Việt.

DN trong nước có lợi thế vượt trội ở quy mô sản xuất và nếu cải thiện được khâu thiết kế, chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng quốc tế.

“Các hãng thời trang nước ngoài có lợi thế trong việc nắm bắt xu hướng thời trang thế giới, thậm chí đi tắt đón đầu. Sản phẩm của họ hoàn hảo đến từng đường chỉ. Nên muốn thắng trên sân nhà, DN thời trang trong nước cần phải định hình được sản phẩm thế mạnh, phân khúc khách hàng và chế độ hậu mãi thật tốt”, ông Hưng nêu ý kiến.

Theo Phương Anh Linh

Từ khóa:  hãng thời trang
Cùng chuyên mục
XEM