Làng chài không có cá ở Việt Nam qua con mắt của báo chí nước ngoài

16/03/2016 17:11 PM | Xã hội

Ở thành phố lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vấn nạn khai thác quá mức đã làm thay đổi kế sinh nhai của cả một cộng đồng ngư dân.

Luc Forsyth và Gareth Bright đã thực hiện một hành trình dọc theo sông Mekong từ hạ lưu đến thượng nguồn. Những chuyện mắt thấy tai nghe đã được đăng tải trên tạp chí Diplomat danh tiếng.

Dưới đây là câu chuyện mà Luc Forsyth chia sẻ với các độc giả.

Chúng tôi đến Cần Thơ, thành phố lớn thứ 4 ở Việt Nam và trên thực tế, nó còn là thủ phủ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi trú tại ngoại thành trong gần một tuần, lái xe đến các khu vực lân cận vào mỗi ngày, nhưng rất ít khi vào thành phố. Với dân số gần 1,5 triệu người cư trú dọc 2 bờ sông Hậu (một trong những nhánh chính của sông Cửu Long), Cần Thơ là một địa danh thích hợp để khám phá những câu chuyện thú vị về dòng sông rộng lớn này.


: Khách xuống ghe thuyền trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Luc Forsyth

: Khách xuống ghe thuyền trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Luc Forsyth

Bắt đầu hành trình tới chợ nổi Cái Răng sầm uất, chúng tôi thuê một chiếc ghe thuyền để lênh đênh giữa ma trận ngút ngàn những trái cây và rau củ. Chúng tôi đã hy vọng được nghe kể về dòng sông nơi đây, nhưng sau 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi hết sức thất vọng vì người dân nơi đây còn mải mời chào hàng hóa.

Trái ngược với sự cởi mở thân thiện của tất cả những người mà chúng tôi đã gặp trong chuyến đi, những tiểu thương ở Cái Răng có vẻ rất dè chừng với máy ảnh của người nước ngoài – và tất nhiên là có lý do.

Vì hầu hết những khách du lịch không quan tâm lắm đến việc mua những sản vật địa phương, nên các tiểu thương luôn chưng ra một bộ mặt như muốn nói: Các ông cứ chụp ảnh xong rồi đi, để cho người khác còn mua hàng.


Bình Minh trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Gareth Bright

Bình Minh trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Gareth Bright

Do đó, chúng tôi rút ngắn cuộc hành trình ở đây và tiếp tục di chuyển sang một làng chài nho nhỏ phía bên kia bờ sông, để lại ánh mắt rạng rỡ của người lái thuyền đã được trả thù lao.

Sau một tiếng lênh đênh trên chiếc phà, chúng tôi cập bến và Gareth hào hứng chỉ tay về phía một hàng rong gần bến phà và nói: “Bây giờ mà ăn kem thì tuyệt”.


Người dân lau dọn lại máy móc. Ảnh: Luc Forsyth

Người dân lau dọn lại máy móc. Ảnh: Luc Forsyth

Làng chài không có cá

Một cụ già 70 tuổi nói với chúng tôi: “Từ khi có các tấm lưới điện, đời sống của cả làng lại đi xuống”.

Chỗ này được gọi là làng chài vì nó nằm ngay cạnh một khu vực chuyên đánh cá trong vùng, nhưng từ khi các tấm lưới điện xuất hiện vào những năm 1990, mọi chuyện đã thay đổi. Theo lời cụ già, mặc dù nhà nước đã cấm dùng lưới điện đánh bắt cá, nhưng 20 năm rồi nguồn cá tự nhiên vẫn chưa phục hồi lại được.


Một cửa hàng làm tóc bình dân. Ảnh: Gareth Bright

Một cửa hàng làm tóc bình dân. Ảnh: Gareth Bright

Ông còn cho biết: “Chúng tôi từng dùng tay không cũng bắt được cá, nhưng giờ người ta phải nuôi. Cá tự nhiên có giá hơn và ăn ngon hơn, nhưng lại chẳng có bao nhiêu để chúng tôi bắt mà kiếm sống”.

Sau đó chúng tôi gặp ông Phương, một tiểu thương 52 tuổi giờ đã không còn buôn bán nữa mà sống bằng nghề nuôi cá. Ông cũng cho biết là bây giờ chẳng có nhiều cá để bắt.

Dưới sàn gỗ nơi chúng tôi đứng cũng là một lồng cá đang nuôi khoảng 20.000 con cá chim trắng. Để nuôi lượng cá lớn trong một diện tích nhỏ như vậy (khoảng 200 con/m2 nước) mà không bệnh tật gì, ông Phương phải cho chúng ăn cả thuốc kháng sinh. Theo lời ông, vì đánh cá trên sông chẳng kiếm sống được, nuôi cá theo cách này là con đường duy nhất để ông có đồng ra đồng vào.


Ông Phương bên lồng cá của gia đình. Ảnh: Luc Forsyth

Ông Phương bên lồng cá của gia đình. Ảnh: Luc Forsyth

Không có cá, làng chài như biến thành một cộng đồng dành cho những người đã nghỉ hưu chứ không còn là nơi dành cho các ngư dân chăm chỉ nữa. Chúng tôi có thấy một vài cửa hàng sửa máy ghe và bán phụ tùng thuyền máy, nhưng đa phần làng này chỉ là nơi để ở.

Trong nỗ lực khôi phục lại một hình ảnh yên bình hơn so với các quận nội thành ở Cần Thơ, những người dân trong làng có nhà gần sông đều trồng hoa ở những nơi trước đây vốn xuất hiện rất nhiều tiểu thương bán cá. Và bây giờ người ta còn thả diều để giải trí nữa.


Người dân thả diều vào buổi chiều. Ảnh: Gareth Bright

Người dân thả diều vào buổi chiều. Ảnh: Gareth Bright

Thả diều, vốn là một thú vui phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, khá được ưa chuộng ở Việt Nam. Trong làng chài, những con diều xuất hiện khắp nơi.

Trẻ con và người già tập trung bên bờ sông mỗi buổi chiều, nheo mắt theo ánh chiều tà và cứ thế kéo dây diều, sao cho chúng bay cao hơn nữa. Từ những cánh diều có hình cá mập cho đến những hình dạng phức tạp đủ màu sắc, có vô vàn hình thù sặc sỡ trên nền trời vào mỗi buổi chiều.


Ảnh: Luc Forsyth

Ảnh: Luc Forsyth

Cần thơ là một thành phố gắn liền với sông nước, nhưng khi hơn 1 triệu người sống dựa vào nguồn cá trên các dòng sông mà không có sự giám sát hay quy hoạch cụ thể nào, dòng sông chắc chắn không thể êm ả mãi được. Ở làng chài, những tài nguyên đến từ dòng sông sớm muộn gì cũng bị cạn kiệt, và giờ đây họ không biết làm gì khác nữa ngoài việc thả diều cho qua ngày.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM