Gót chân Asin ngành sữa từ chuyện ông Thăng bà Liên

12/03/2016 09:24 AM | Xã hội

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất Việt Nam. Nhưng Vinamilk không thể một tay ôm cả bầu trời!

Một cuộc tổng rà soát trên quy mô lớn trong ngành sản xuất chăn nuôi bò sữa được cơ quan nông nghiệp của TPHCM đưa ra sau cuộc họp đối thoại giữa Bí thư thành ủy Đinh La Thăng và Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bà Mai Kiều Liên.

Trên website của UBND TPHCM ngày hôm nay vừa đăng tải thông tin “Tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa”. Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan thống kê lại tổng đàn bò sữa và số hộ chăn nuôi bò.

Gỡ khó là cần... nhưng Vinamilk không thể một tay ôm cả bầu trời

Một yêu cầu ngắn gọn được đặt ra, nhưng rất cụ thể là cơ quan chức năng còn phải đánh giá được quy mô chăn nuôi bò sữa, chi tiết từng đàn bò đang vắt sữa, sản lượng sữa khai thác, thu mua hàng ngày của các doanh nghiệp, số hộ dân chưa ký hợp đồng thu mua sữa và số hộ tự sản xuất tiêu thụ.

Đáng chú ý là cơ quan chức năng phải đưa ra được đề xuất, giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình chăn nuôi bò sữa trong việc tiêu thụ sản phẩm sữa trên địa bàn.

Nhớ lại, cuộc đối thoại giữa Bí thư Đinh La Thăng và vị thủ lĩnh của một doanh nghiệp sữa lớn nhất nhì Việt Nam, trước đề xuất bà con có thể góp bò cho Vinamilk được không, bà Mai Kiều Liên đã thẳng thắn khẳng định việc đóng góp còn phải dựa trên cơ sở thẩm định về năng lực và chất lượng đàn bò.

Đồng thời, bà Liên còn khẳng định rằng với quy mô chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ và năng suất sữa như hiện nay, Vinamilk không thể cứ mãi thu mua sữa cho bà con với giá cao vì không thể cạnh tranh.

Những quan điểm của Tổng giám đốc Vinamilk – người có vài chục năm lăn lộn với ngành sữa, đã thuyết phục được Tân Bí thư Thành ủy TPHCM. Dù là giải quyết khó khăn, nhưng vẫn phải theo thị trường, do thị trường quyết định chứ không thể chỉ bằng những mệnh lệnh hành chính.

“Đắng lòng” vì chăn nuôi bò sữa không còn là chuyện mới không chỉ với người dân Củ Chi mà còn trên cả nước. Còn nhớ năm ngoái, chuyện nông dân ồ ạt đổ sữa tươi ra đường do doanh nghiệp không thu mua, tràn ngập khắp các mặt báo, trải dài từ Hà Nội, Lâm Đồng, và cả TPHCM.

Chuyện không thể tiêu thụ được sữa tươi, cho dù nước ta hàng năm chi ra cả tỷ USD để nhập sữa bột về làm sữa hoàn nguyên, dường như trở nên… bế tắc. Vinamilk được xem là doanh nghiệp thu mua sữa lớn nhất Việt Nam, khi ký hợp đồng với khoảng 8000 hộ nông dân. Thế nhưng, con số này vẫn chưa thấm vào đâu, so với 17.828 hộ chăn nuôi trên cả nước.

Trở lại câu chuyện giải quyết khó khăn cho bà con chăn nuôi sữa ở Củ Chi, được biết ngay sau đó doanh nghiệp này đã thu mua toàn bộ sữa cho bà con. Nhưng sự nỗ lực của doanh nghiệp này, có thể chỉ là giải quyết trước mắt, còn về lâu dài thì Vinamilk chắc chắn không thể “ôm” mãi, nếu như chất lượng đàn bò và sữa tươi của người dân Củ Chi không được cải thiện, không giảm giá thành.

Bởi vậy mà dù Vinamilk có là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam, có hệ thống kết nối và thu mua sữa lớn nhất với người nông dân, nhưng Vinamilk cũng không thể một tay ôm cả bầu trời, lo hết chuyện tiêu thụ sữa cho các hộ chăn nuôi.

Tia sáng cho ngành sữa?

Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ là đặc trưng cơ bản của ngành sữa Việt Nam khi có tới 72,2% hộ có quy mô dưới 10 con. Chỉ có 2,2% hộ có quy mô 40 – 50 con và 0,9% hộ chăn nuôi từ 50 con trở lên. Bởi vậy mà việc giải quyết tiêu thụ sữa cho người nông dân, liên kết với doanh nghiệp để chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, nâng cao chất lượng và giảm giá thành, không phải là chuyện dễ.

Trong cuộc chơi toàn cầu, người chăn nuôi bò sữa hay Vinamilk và các doanh nghiệp không thể mang theo hành trang với một hệ thống trang trại nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, chất lượng không đảm bảo mà giá thành thì gấp rưỡi so với quốc tế. Người nông dân phải liên kết doanh nghiệp, hay chính họ phải liên kết lại với nhau, nếu không muốn bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Và doanh nghiệp cũng không thể tồn tại, nếu như không chuẩn hóa quy trình chất lượng sản xuất, không thể gắn kết với người sản xuất để hướng đến mô hình sản xuất chất lượng cao, giảm giá thành, chuẩn hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Bởi vậy, những đối thoại thẳng thắn, thiết thực của Bí thư Thăng và lãnh đạo Vinamilk, cùng những chỉ đạo vừa được UBND thành phố này đưa ra, hy vọng sẽ mở ra tia sáng mới cho ngành sữa và người nông dân trong chuyện tiêu thụ và nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Theo Cẩm An

Cùng chuyên mục
XEM