Thoái vốn mảng phân phối bán lẻ, FPT có thể thu lãi 1.000 tỷ đồng

29/11/2017 13:59 PM | Kinh doanh

Việc thoái vốn tại khối phân phối và bán lẻ của FPT được nhận định sẽ hoàn thành trong năm 2017, tạo lợi nhuận đột biến và tăng cường sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), thoái vốn tại khối phân phối và bán lẻ trong năm 2017, CTCP FPT (HOSE: FPT) có thể ghi nhận lợi nhuận tài chính đột biến. VDSC ước tính FPT có thể ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận từ thoái vốn và kỳ vọng tạo thay đổi tích cực cho báo cáo tài chính năm 2017 của FPT.

Trong quý IV, VDSC dự báo FPT sẽ ghi nhận doanh thu 16.054 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và lãi ròng tăng gấp 2 lần, đạt 1.381 tỷ đồng. Theo đó, cả năm 2017, FPT ước đạt 19.493 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm mạnh so với năm trước do không còn hợp nhất với 2 công ty con) và lãi ròng 2.888 tỷ đồng.

Cho đến năm 2018, FPT có thể đạt doanh thu thuần 22.335 ty đồng, tăng trưởng 14,6% so với năm trước và lãi ròng 2.086 tỷ đồng, giảm 28% do không còn lãi đột biến từ thoái vốn.

Về mặt tài chính, VDSC kỳ vọng khoản tiền mặt lớn sẽ bổ sung vốn lưu động và cải thiện cơ cấu nguồn vốn của FPT. Với hoạt động kinh doanh, FPT tập trung đẩy mạnh các mảng kinh doanh truyền thống. Không còn hợp nhất Phân phối và Bán lẻ, mặc dù doanh thu hợp nhất giảm, FPT có thể cải thiện biên lợi nhuận rõ rệt và tinh giản hàng tồn kho, khoản phải thu và nợ vay ngắn hạn gắn liền với hoạt động buôn bán hàng hoá.

Về tình hình tại một số công ty thành viên, với FPT Retail và FPT Trading, sau khi thoái hết vốn tại 2 đơn vị trên, FPT kỳ vọng sẽ xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để đạt được hiệu suất sinh lời và tính ổn định trong dài hạn.

Tại Công ty Công nghệ FPT, doanh nghiệp đang bước vào một phân khúc mới, ôtô tự hành (Automotive), tập trung vào hệ thống lái xe tự động, viễn thám, giao diện người máy, thiết kế cơ sở mô hình và các chức năng kết nối đám mây.

FPT kỳ vọng nhu cầu của phân khúc trên sẽ đạt tăng trưởng kép ít nhất 25% trong 5 năm tới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mảng Automotive của FPT sẽ phải chịu nhiều chi phí R&D, ảnh hưởng đến lợi nhuận của khối Công nghệ trong vài năm tới.

Mặt khác, kế hoạch nâng vốn tại CTCP Viễn thông FPT (UpCOM: FOX), FPT sẽ khó thực hiện bởi SCIC muốn nắm giữ cổ phần tại FOX tới năm 2020. Do đó, mặc dù FPT có đủ nguồn lực tài chính, kế hoạch mua 54% vốn FOX từ SCIC sẽ chưa thể thực hiện cho đến khi SCIC sẵn sàng bán ra.

Với CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPTSHOP), đơn vị này có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trước khi IPO cuối năm 2017. Ngoài ra, FPT Retail cũng đã thông qua nghị quyết niêm yết cổ phiếu trên sàn HSX, dự kiến thực hiện trong quý II/2018.

Theo Phan Tùng

Cùng chuyên mục
XEM