Thở thôi cũng nguy hiểm: Siêu đô thị ở Nam Á lúc nào cũng ngập trong khói mù

28/03/2023 09:47 AM | Xã hội

Chất lượng không khí của thành phố khổng lồ này thuộc hàng tệ nhất thế giới.

Thở thôi cũng nguy hiểm: Siêu đô thị ở Nam Á lúc nào cũng ngập trong khói mù - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Giờ cao điểm trên đại lộ Kazi Nazrul của Dhaka – con đường ngoằn ngoèo chia đôi thủ đô Bangladesh – giống như một cuộc sơ tán hỗn loạn của thành phố.

Hàng nghìn ô tô, xe máy, xe tải và xe buýt hai tầng tranh giành nhau từng xăng-ti-mét không gian, trườn dần về phía trước như một dòng sông trong đô thị, phun ra những đám mây khí thải lưu huỳnh khổng lồ.

“Ở đây thật kinh khủng. Mũi tôi lúc nào cũng bị nghẹt vì tắc đầy bụi bẩn. Tôi ho suốt. Không cần bác sĩ cũng biết điều này không tốt cho sức khoẻ của tôi,” người bán vé xe buýt 24 tuổi tên Rakibul Hasan nói.

Có nhiều nguyên nhân mà Dhaka chịu ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới. Siêu đô thị Nam Á này thường xuyên đứng đầu bảng xếp hạng của IQAir - chỉ số giám sát chất lượng không khí toàn cầu theo thời gian thực.

Theo một nghiên cứu gần đây trên Frontiers for Sustainable Cities, chỉ số trung bình của thành phố đối với PM10 (các hạt ô nhiễm thô như bụi) cao gấp 6 lần và PM2.5 (các hạt mịn chủ yếu được tạo ra do quá trình đốt cháy) cao gấp 9 lần so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới từ năm 2003 đến năm 2019.

Thở thôi cũng nguy hiểm: Siêu đô thị ở Nam Á lúc nào cũng ngập trong khói mù - Ảnh 2.

Ahmad Kamruzzaman Majumder là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Khí quyển tại Đại học Stamford. Ông nói: “Ô nhiễm không khí có tác động cực kỳ tiêu cực đến tất cả những người sống ở Dhaka dù họ sống ở khu vực sang trọng cao cấp hay ở khu ổ chuột. Đó là một tình huống nghiêm trọng mà chúng ta còn lâu mới giải quyết được.”

Kể từ khi Bangladesh giành được độc lập vào năm 1971, thủ đô của nước này đã trở thành một trong những thành phố đông dân nhất trên Trái đất. Tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Dhaka rất nghiêm trọng khiến tốc độ lái xe trung bình đã giảm mạnh xuống còn 4,5 km/giờ tức là bằng với tốc độ đi bộ.

Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố làm bầu trời đen kịt khó cảm nhận được ánh mặt trời ở thành phố có hơn 20 triệu cư dân.

Các lò gạch đốt than, bụi từ đường xá và công trường xây dựng, ô nhiễm công nghiệp và khói bụi từ các quốc gia láng giềng cùng với khói xăng và dầu diesel từ các phương tiện giao thông địa phương đã tạo ra một bầu khí quyển độc hại, gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của cư dân ở thành phố tại vùng trũng thấp vốn đã đặc biệt dễ tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu được Majumder công bố vào tháng 1 cho thấy hoạt động xây dựng là thủ phạm lớn nhất. Hoạt động này chiếm 30% tác nhân gây ô nhiễm khi thành phố mở rộng từ khoảng 50 km2 vào năm 1990 lên 300 km2 ngày nay.

Nguyên nhân lớn thứ hai chiếm 29% là ô nhiễm công nghiệp từ 1.000 lò gạch và các nhà máy khác trên toàn thành phố. Lượng khí thải từ các phương tiện chiếm 15%. Ô nhiễm xuyên biên giới từ các nước láng giềng như Ấn Độ, Pakistan và Nepal chiếm 10%. Các hoạt động như đốt chất thải và lò đốt củi chiếm phần còn lại.

Không khí độc hại đang có tác động chết người. Theo một nghiên cứu của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago, một người trung bình ở Dhaka mất khoảng 8 năm tuổi thọ do ô nhiễm không khí. Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm ngoái trên Science Advances ước tính 24.000 người ở Dhaka qua đời sớm do ô nhiễm không khí từ năm 2005 đến 2018, cao nhất trong số 46 thành phố được nghiên cứu.

Tham khảo Bloomberg

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM