Thỉnh thoảng bỏ ăn sáng có thể giúp bạn thông minh hơn

28/07/2019 09:00 AM | Xã hội

Lần đầu tiên Rahul Jandial mở hộp sọ của một người còn sống khi đang là sinh viên y khoa năm thứ 3, ông biết mình đã tìm thấy mục đích của cuộc đời. “Tôi không muốn tỏ ra bất kính hay thô lỗ, nhưng với tôi, đó là một sự phấn khích tột độ, Jandial kể lại.

Tuy nhiên bạn không cần phải là một nhà giải phẫu thần kinh mới cảm thấy hứng thú với bộ não. Hiện nay toàn bộ thung lũng Silicon đang phát sốt lên với các loại biệt dược được gọi là nootropic, giúp người ta tăng cường khả năng nhận thức chỉ nhờ uống một viên thuốc.

Và đó là điều khiến cho Jandial cảm thấy lo ngại. Trên thực tế nó còn là nguồn cảm hứng để Jandial viết một cuốn sách với những lời khuyên có chứng cứ khoa học rõ ràng nhằm giúp chúng ta đạt được hiệu quả sử dụng bộ não tối đa. Dưới đây là 3 gợi ý quan trọng nhất của ông.

1. Bỏ bữa sáng 2 lần mỗi tuần

Nghiên cứu cho thấy nhịn ăn có thể giúp tâm trí thoải mái và đánh thức các giác quan, tăng cường chức năng của bộ não.

2 ngày mỗi tuần, Jandial nhịn ăn cách quãng – nghĩa là ăn bình thường trong 8 giờ/ngày, từ 9h sáng đến 5h chiều chẳng hạn, sau đó không ăn gì ngoài uống nước, cà phê hoặc trà trong 16 tiếng tiếp theo – để tăng cường khả năng nhận thức.

Theo Jandial, nhịn ăn 16 tiếng (bao gồm cả thời gian ngủ) làm tăng các yếu tố phát triển tự nhiên của bộ não, hỗ trợ sự tồn tại và tăng trưởng của các tế bào thần kinh (nơ ron) trong não bộ.

Một nghiên cứu khác của John Hopkins cũng cho thấy nhịn ăn cách quãng giúp "não bộ loại bỏ các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và Parkinson, cải thiện trí nhớ và tâm trạng".

Jandial cho rằng cách tốt nhất để nhịn ăn trong 16 tiếng là bỏ bữa sáng. Mặc dù đây được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, nhưng theo ông chưa hề có bằng chứng nào chứng minh giả thuyết đó.

Tuy nhiên Jandial cũng khuyên rằng nên tham vấn bác sĩ riêng trước khi tiến hành nhịn ăn. Các chuyên gia cho rằng hoạt động nhịn ăn không thích hợp với một số người, trong đó có người già, phụ nữ có thai và trẻ em. Họ cũng cảnh báo về rất nhiều rủi ro đi kèm khi nhịn ăn thái quá và kéo dài hơn 24 giờ.

Thỉnh thoảng bỏ ăn sáng có thể giúp bạn thông minh hơn - Ảnh 1.

2. Thở sâu

Để làm cho tâm trí tĩnh tại trước khi lao vào công việc hay cuộc sống đầy căng thẳng, Jandial cho rằng bạn nên dành ra 5 phút để thở thật sâu và thật chậm.

"Trước khi đi gặp cấp trên hoặc bắt tay vào công việc của một ngày, hãy tìm một nơi để hít vào thật chậm rãi qua mũi và đếm từ 1 đến 4, sau đó nín thở vài giây rồi thở ra thật chậm qua miệng và đếm từ 1 đến 4", ông gợi ý.

Một nghiên cứu ở Đại học Oregon cho thấy chỉ cần thở theo cách này mỗi ngày 1 tiếng, liên tục trong 11 ngày cũng tạo ra những thay đổi tích cực về cấu trúc trong mạch kết nối ở não bộ, tăng cường hiệu quả hoạt động trong khu vực của bộ não giúp người ta đình chỉnh hành vi sao cho phù hợp với các mục tiêu của họ".

Jandial bổ sung rằng sự kết nối các ngóc ngách trong bộ não của bạn sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định, kiểm soát sự kích động và khả năng tập trung.

Thỉnh thoảng bỏ ăn sáng có thể giúp bạn thông minh hơn - Ảnh 2.

3. Đứng hoặc đi lại càng nhiều càng tốt ở nơi làm việc

"Bộ não vốn cần được nằm trên một thân người đứng thẳng, khi đó nó sẽ tạo ra nhiều BDNF (yếu tố thần kinh nguồn gốc từ não, một loại protein cho não bộ). BDNF không phải là một loại hormone như estrogen, mà là một yếu tố tăng trưởng", Jandial cho biết.

Bộ não của chúng ta phát triển dựa vào những yếu tố này vì chúng giúp duy trì sức khỏe của 90 tỷ nơ ron mà mỗi người có trong hộp sọ, nhờ thế cải thiện sự giao tiếp giữa các tế bào thần kinh và tăng cường khả năng hoạt động của bộ não.

Jandial nói, nếu giữ cho thân người thẳng, bạn tự bổ sung cho bộ não của mình một liều thuốc như nootropic mà không cần uống thuốc gì cả.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM