Thiếu hụt trầm trọng lao động CNTT, PTT Vũ Đức Đam cho biết sắp tới tất cả các doanh nghiệp có thể cùng tham gia đào tạo

18/10/2017 14:18 PM | Kinh doanh

Một trong những chế độ đặc thù đối với việc đào tạo nhân lực ngành CNTT là khuyến khích tất cả DN tham gia cùng các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực theo hướng rút ngắn thời gian và đào tạo gắn sát với thực tế hơn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết điều này cũng đòi hỏi áp dụng một số quy định đặc biệt khi thực hiện các quy định về giáo dục đại học và dạy nghề.

Nhằm tạo môi trường để nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ, thậm chí cực nhỏ có thể bằng công cụ công nghệ thông tin và truyền thông để khởi nghiệp, lập nghiệp, để chuyển đổi nghề nghiệp của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã có 3 động thái quan trọng.

Một là Tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp đầu tư.

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông, trước hết rà soát lại toàn bộ các quyết định về pháp luật nhằm tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp đầu tư. Điều quan trọng hơn là cho các doanh nghiệp sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển hoạt động kinh doanh, tích hợp và tận dụng thật tốt thế mạnh của công nghệ thông tin, của nền kinh tế số.

“Một mặt, phải làm sao cho môi trường kinh doanh thông thoáng, nhưng mặt khác phải bền vững, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, và hoạt động kinh doanh qua biên giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế sang 18/10.

“Tôi muốn nói thêm rằng: Kinh doanh dịch vụ qua biên giới là xu thế, cũng là lợi thế lớn của nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Nhưng nếu chúng ta không có một môi trường quản lý tốt, sẽ dẫn đến bất bình đẳng, thể hiện cụ thể nhất là thất thu thuế. Thuế lẽ ra phải thu được dùng cho phúc lợi xã hội, cho người dân ở đất nước nào đó, thì lại không thu được”.

Thứ 2, Chính phủ cũng đã đề nghị các bộ ngành, đặc biệt Bộ Thông tin và Truyền thông, phải cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực.

Mới đây, các hiệp hội đã phối hợp với các Bộ đề ra một chương trình đào tạo đặc biệt về nhân lực công nghệ thông tin, cho phép áp dụng các quy định có tính đặc thù đối với đào tạo nhân lực ngành này.

Một trong những chế độ đặc thù đối với việc đào tạo nhân lực ngành CNTT là khuyến khích tất cả DN tham gia cùng các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực theo hướng rút ngắn thời gian và đào tạo gắn sát với thực tế hơn. Điều này cũng đòi hỏi áp dụng một số quy định đặc biệt khi thực hiện các quy định về giáo dục đại học và dạy nghề.

“Điểm cuối cùng tôi cũng muốn được chia sẻ: Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cần những điểm thông thoáng về môi trường đầu tư nói chung, cần chế độ ưu đãi về thuế, đặc biệt là thuế khi oanh nghiệp nỗ lực thay đổi công nghệ, sử dụng công nghệ sạch và đầu tư cho R&D. Nhưng với rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt các doanh nghiệp siêu nhỏ, điều quan trọng nhất là làm sao Chính phủ, bằng các công cụ của mình, để cùng với cộng đồng tạo ra hệ sinh thái thật thuận lợi cho các đầu tư mới”, Phó Thủ tướng cho biết.

“Một trong những nguồn lực của đất nước này, chúng ta thường hay nói nhiều tới con người, điều đó hoàn toàn đúng, nhưng trong nền kinh tế số hiện nay, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng là dữ liệu”.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành để quyết tâm triển khai dự án rất cụ thể, sao cho tất cả nguồn dữ liệu hiện nay đang nằm rải rác ở các cơ quan Nhà nước, ở tất cả các cấp, các cơ quan nghiên cứu và trong cộng đồng được tập hợp lại trên quan điểm chung là dữ liệu mở và tài nguyên chung cho tất cả cùng khai thác, cùng tìm ra cơ hội của mình để lập nghiệp.

“Một trong những thách thức của Việt Nam bây giờ là làm sao tăng năng suất lao động quốc gia. Và để tăng năng suất lao động quốc gia, điều cốt cử nhất là phải chuyển dịch lao động. Hiện còn trên 40% lao động Việt Nam vẫn còn làm nông nghiệp. Vì đất chật người đông, lao động nông nhàn là rất lớn”.

“Làm sao để tạo được công ăn việc làm mới cho những người sống ở nông thôn? Làm sao cho tất cả mọi lĩnh vực công nghệ mới được phát huy? Làm sao để cho nhân lực tất cả các lĩnh vực được đào tạo tốt hơn? Để làm được tất cả điều ấy, công nghệ thông tin và truyền thông có thể nói bây giờ là niềm hy vọng rất lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM