Về Phủ Giầy xem hầu đồng: Tín ngưỡng hay mê tín?

25/02/2013 13:52 PM |

Ở Việt Nam, hầu đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần.

Nam Định nổi tiếng về một địa danh gắn với tín ngưỡng đặc biệt, đó là đạo Mẫu, thờ bà Chúa Liễu Hạnh và tam phủ công đồng.

Phủ Giầy là trung tâm của quần thể di tích thờ Mẫu, gắn với cuộc đời ba lần sinh hóa của bà Liễu Hạnh. Một năm 2 đợt bắt đầu từ tháng Giêng và tháng 10, Phủ Giầy (Nam Định) lại tấp nập "con nhang, đệ tử" lui tới.

Đến Phủ Giầy những ngày đầu xuân này, quả không sai khi người ta nói rằng ở miền Bắc, Phủ Giầy là nơi nổi tiếng về hầu đồng. Ban nào trong phủ cũng đang làm vấn hầu đồng, phải có đến 3, 4 tốp khác nhau. Kẻ hầu, người xem chen chúc, nhiều đám còn quay phim, chụp ảnh.

Người ta như lạc vào một thế giới âm nhạc rộn ràng, nỉ non nào trống, nào phách. Không gian nghi ngút khói hương, ngùn ngụt những đàn đại mã bị khoá kiếp. Tiền lẻ bay rải rác. Các thầy đồng trong những bộ áo lụa màu sắc say sưa, lắc lư theo những điệu múa cờ, múa kiếm, long đao, múa quạt, múa mồi, múa hoa, múa khăn lụa, múa đàn, múa hèo...

Trang phục, đồ lễ, những điệu múa của các thầy đồng thay đổi khi họ vào vai những vị Thánh, vị quan trong mỗi giá khác nhau (tối đa mỗi buổi hầu đồng có 36 giá). Nếu không tận mắt chứng kiến một buổi hầu đồng thì không ai có thể tưởng tượng hay tin được rằng: để có được một buổi hầu đồng hoàn hảo thì khổ chủ phải bỏ ra bao nhiêu tiền mua mã, sắm lễ, trang bị quần áo, thuê phường hát văn. Nhẹ nhàng cũng phải đôi ba chục triệu, nhiều thì lên đến cả trăm triệu chứ chẳng chơi.

Chuyện có thế giới siêu nhiên, thế giới đồng cốt nào đó nhập vào người hay không thì chẳng biết nhưng rõ ràng những người đi hầu hay tham dự vấn hầu ở đây đều có cảm giác hưng phấn chung, dễ quên đi mọi thứ. Bản thân những nhạc cụ, âm nhạc hát văn với tiết tấu nhịp 7, nhịp 3 sôi nổi, nhanh cũng đủ tạo hưng phấn.

Phần cao trào nhất và cũng là quan trọng nhất trong mỗi buổi hầu đồng là khi thầy đồng trùm khăn phủ diện, hai tay chắp dâng nén hương, đầu và thân lắc lư cho tới khi nào Thánh giáng (nhập) thì buông các nén hương, rùng mình, tay ra hiệu Thánh thuộc hàng thứ bậc nào đã giáng, đã nhập vào thân xác ông đồng, bà đồng.

Các "con nhang đệ tử" xì xụp khấn vái, chờ Thánh phán. Họ tin rằng thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ, nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các "con nhang, đệ tử". Tuy nhiên, Thánh nhập thì rất ít, mà diễn là chính. Chả thế đã từng có những cuộc thi lên đồng.

Lên đồng hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Từ xa xưa, người ta quan niệm có bốn thế giới tồn tại: trên trời; dưới đất; dưới nước; trên rừng. Mỗi thế giới đều do một người đàn bà cai quản gọi là các Mẫu, dưới các Mẫu có các Chầu, các quan, các ông, các cô, cậu bé, cô bé, mỗi người chuyên trách một công việc.

Người ta hầu đồng là để tưởng nhớ đến công lao của các Mẫu, các vị Thánh (như Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần) nhưng không ít người nhầm tưởng rằng muốn xin điều gì, phải dâng lễ và xin lộc ở giá đó. Nhiều người buôn bán, thậm chí có cả dân trí thức cũng tin và răm rắp làm theo mọi điều Thánh phán. Từ đây mà nảy sinh biết bao hành vi mê tín, dị đoan, có người bỏ nhà bỏ cửa, tiền mất tật mang.

Vậy là hoạt động văn hóa tín ngưỡng cổ truyền mang nhiều ý nghĩa này đã bị biến tướng, trở thành công cụ trục lợi. Cần có một tiếng nói đồng thuận về nghiên cứu và quản lý. Cần thừa nhận và quản lý nó, công nhận hầu đồng là nghi lễ tín ngưỡng không thể tách rời đạo Mẫu để phát huy mặt tích cực.

Theo Bích Diệp
Công an Nhân dân

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM