Tin vào nhân quả thay vì dâng sao giải hạn

05/02/2013 13:38 PM |

Niềm tin vào việc dâng sao hạn này vốn không nằm trong giáo lý đạo Phật nhưng từ lâu đã có mặt trong sinh hoạt của người dân và ngày càng trở nên phổ biến.

Hình thức “sao chiếu” là như thế nào?

Sao chiếu mệnh bắt đầu từ Trung Quốc, vấn đề này được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm.

Theo quan niệm, trên trời có chín vị Thần sao luân phiên quản lí sinh mạng con người. Chín Thần sao ấy có tên là: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm và Mộc Đức. Kể từ mười tuổi trở lên, mỗi năm con người sẽ bị chi phối bởi một vị Thần sao.

Tuy vậy, dù cùng một tuổi nhưng Thần sao của Nam và Nữ lại khác nhau. Chẳng hạn, cùng năm mươi ba tuổi, nam là sao Thái Âm mà nữ là sao Thái Bạch.

Thêm nữa, ngoài việc mỗi người hàng năm có một Thần sao quản lý, bên cạnh còn phụ thuộc vào cung nào trong tám cung và thuộc hạn gì trong các hạn.

Tám cung này chính là Bát quái trong Kinh Dịch, đó là: cung Càn, cung Khảm, cung Cấn, cung Chấn, cung Tốn, cung Ly, cung Khôn và cung Đoài. Còn các hạn thì rất nhiều, như hạn Huỳnh tuyền, hạn Thái sơn, hạn Mộc ách, hạn Tán tận mộc ách, hạn Cát lợi mộc ách, hạn Nhập mộ kim lâu, hạn Toán tận nhập mộ, hạn Thái sơn kim lâu và hạn Huỳnh tuyền nhập mộ.

Do vậy, theo Đại đức Thích Thanh Định, trụ trì chùa Từ Xuyên (Phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) thì thông thường, những người tin theo sao hạn, năm nào gặp sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch thì họ rất lo sợ vì cho rằng, ba sao ấy rất hung dữ và xui xẻo. Và cũng theo quan niệm thì trong chín sao thì chỉ có sao Môc Đức là hiền lành.

Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật…gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La hầu, nữ Kế đô”. Theo đó, để giảm nhẹ vận hạn người ta thường làm lễ cúng vào đầu năm tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, gia đình. Điều này đã khiến cho nhiều nơi còn coi đây là tục lệ hay phong trào.

Hàng ngày, hãy tu tập tốt để thọ nhận quả lành

Khi đức Phật Thích Ca đi xuất gia, có bốn dấu hiệu mà đức Phật nhìn thấy là sinh, lão, bệnh, tử. Theo đó, con người ta ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi. Đó là những điều bình thường, là quy luật tất yếu của tự nhiên và cuộc sống.

Trong các Kinh đức Phật dạy về Nhân quả hay Nghiệp, Ngài đã phân tích và xác định rất rõ ràng về con người. Như kinh Trung Bộ ghi: “Tất cả chúng sinh đều có cái nghiệp của riêng mình”.

Tu tập tinh tấn để thọ nhận quả lành

Về vấn đề trên, Đại đức Thích Thanh Định cho hay: Trong Kinh, Đức Phật xác định cụ thể là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy.

"Vì vậy, đã là Phật tử tại sao không tin nhân quả? Không chuyển nhân quả? Không nương tựa Tam bảo? Không nương tựa chư Phật, chư Bồ-Tát? Bởi chư Phật, Bồ-Tát là những bậc đầy đủ đại trí tuệ, đại từ bi và sáu thứ thần thông, là những bậc hoàn toàn giải thoát. Người Phật tử không tin tưởng, không nương tựa vào đó mà lại nương tựa vào Trời, Thần, Quỷ...là những chúng sinh đang bị luân hồi sanh tử trong tam giới, là thế nào?” – Đại đức Thích Thanh Định "chất vấn".

Ông nói tiếp: "Chư Phật, chư Tổ đã trải lòng từ bi lo lắng, thương xót chỉ dạy cho chúng ta tận tâm như thế; về phía chúng ta, tin và thực hành lời dạy của các Ngài hay không là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Nếu ai tin thì sẽ hoán chuyển nhân quả hay nghiệp xấu ác thành nhân quả hiền thiện, để tiến dần trên con đường giải thoát, hầu đạt được mục đích sau cùng. Ngược lại, ai không tin là tự trói mình trong thế giới tà đạo, để tiếp tục chịu muôn vàn khổ đau trong tam giới (ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh – PV)".

Cũng theo Đại đức Thích Thanh Định thì không ai và không thế lực siêu nhiên hay vô hình nào có thể thay đổi được hiện tiền của chúng ta. Tất cả đều phụ thuộc vào công đức tu tập của mình ra sao làm thôi 

Hơn nữa, trên trời có hàng nghìn vì sao nên không thể gắn vì sao này với người này và vì sao nọ với người kia được. Đó chỉ là sự vô lí, mù quáng tin vào sự ngộ nhận của thế lực thần linh nào đó.

“Con người ta sống trên thế giới sa bà này có nhiều phiền não, nhiều suy nghĩ đắn đo. Do vậy, chúng ta luôn phải có tâm sáng để mà nhìn nhận đánh giá biết như nào là đúng, sai. Từ đó, áp dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống một cách khoa học và hiệu quả nhất, đặc biệt là phải luôn cố gắng tu tập thân, khẩu, ý cho tốt để tạo thêm phước đức, chuyển nghiệp xấu thành điều lành” – Đại đức Thích Thanh Định khẳng định.

Theo Bùi Hiền - Nam Nguyên
Kiến thức

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM