Tiết Thanh minh, hãy niệm Phật để báo ân

14/04/2013 11:22 AM |

Đem công đức niệm Phật hồi hướng cho người âm lìa khổ mới là việc đáng làm và có tác dụng hơn so với việc biểu lộ bằng hình thức như đi cúng tảo mộ hoặc đốt giấy tiền, vàng mã,…

Tục tảo mộ

Chim có tổ, người có tông. Tết Thanh minh nhắc nhớ con người hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ. Vào dịp này, mọi nhà đều đi quét dọn, sửa sang mộ phần sạch đẹp rồi cúng tạ mộ, hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ trọng đại này.

Tết Thanh minh đi theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư dương lịch.

Dù ai đi đâu về đâu, dịp Tết Thanh minh người Việt cũng cố gắng về với gia đình đi tảo mộ, để cùng quây quần bên mâm cơm sum họp gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn sạch sẽ, vun đắp đất mới, thể hiện tâm đức của người sống đối với người đã khuất. 



Theo phong tục, cứ sau tháng Giêng là người Việt lo đi đắp mộ cho người quá cố. Trước Tết Thanh minh, các gia đình đã chuẩn bị sẵn một bộ tam sinh, nhang, đèn, giấy tiền, quần áo giấy,… cùng các loại bánh trái, hoa, oản, thức ăn, trà, rượu. Bộ tam sinh gồm ba con vật bò, heo, dê. Ngày nay tùy địa phương và hoàn cảnh của mỗi gia đình mà có cách hành lễ khác nhau.

Tuy nhiên, dù nghèo khó mỗi gia đình cũng phải có ít nhất hai mâm cúng. Một mâm đặt ở ban thần linh hay miếu âm phần để cúng các vị sơn thần thổ địa cai quản đất cát. Mâm thứ hai cúng tại mộ là vật phẩm do con cháu dâng lên tổ tiên nên khá đa dạng với suy nghĩ “trần sao âm vậy”. Tất cả những món ăn, đồ uống này chưa được dùng mới được mang ra tiến cúng.

Ngày này, các khu nghĩa địa trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Những người già lo khấn vái tổ tiên nơi mộ phần. Trẻ con cũng theo ông bà, cha mẹ đi tảo mộ để biết dần những ngôi mộ của gia tiên và tập cho chúng kính trọng tổ tiên thông qua tập tục. 

Về nguồn gốc, ý nghĩa Tết Thanh minh, tảo mộ dân gian cho rằng do làm nông nghiệp nên thời điểm đầu năm và cuối năm sau khi đã trồng cấy xong, người dân chọn ngày lành ra đồng cúng tế, mong trời đất phù hộ. Với những người nặng đức tin, Tết Thanh minh giống như ngày xá tội vong nhân, cho người mất và người sống có thể tiếp xúc thần giao cách cảm. Âm linh có thể trở về dương thế gặp lại vợ chồng, con cái, nhìn lại cảnh quan nhà cửa, xóm giềng. Vào ngày này, ngoài thân quyến, người dân cũng dành những nén hương cho những ngôi mộ vắng lạnh không được nhang khói. 

Niệm phật để báo ân

Thanh minh cũng là dịp người sống hướng đến người quá cố với ý nghĩa báo hiếu trả nghĩa. Trong đạo Phật, tham gia tu hành Phật thất Thanh minh là để báo ân cha mẹ và chúng sinh, thể hiện sự tưởng nhớ và lòng biết ơn. 

Vận dụng Phật pháp để siêu độ tiên vong mới có tác dụng lớn lao, chân chính. Bởi, dùng Phật để hóa giải phiền não, oán kết trong tâm những người đã khuất, khiến họ có thể ly khai quỷ đạo mà sớm sinh về thiện đạo, hoặc vãng sinh tịnh độ vào cõi Phật.



Khi con người đem công đức niệm Phật và năng lực niệm phật để hồi hướng cho người âm, giúp vong linh và những cô hồn không được thờ cùng lìa khổ, đó mới là việc đáng làm và có tác dụng hơn so với việc biểu lộ bằng hình thức như đi cúng tảo mộ hoặc đốt giấy tiền, vàng mã,…

Cho nên, gặp tiết Thanh minh, hãy dùng công đức tu hành Phật thất để báo ân. Việc làm này có lợi cho người đã khuất mà cũng ích lợi cho người sống, mới là tác dụng chân thật. Mọi chúng sinh suy cho cùng đều có ân với chúng ta, cho nên ta cần dùng công đức niệm Phật để hồi hướng cho họ, đồng thời dùng oai lực của Tam bảo dẫn dắt họ tu hành. 

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM