Tiền chùa là tiền “sợ” nhất!

07/06/2013 10:38 AM |

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội chia sẻ: Các vị hay nghĩ tiêu tiền chùa là tiêu một cách thoải mái là sai hoàn toàn với điều răn của Phật giáo

- Hiện nay, có một “vấn nạn” mà dư luận rất bất bình, đó là trong khi Chính phủ và Quốc hội đang rất “đau đầu” về chuyện thực hành tiết kiệm và chống lãng phí thì thực tế lại đang diễn ra tình trạng tiêu xài tiền công quỹ mà người ta gọi là “tiền chùa” một cách vô tội vạ. Thượng tọa đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
 
Các vị dùng từ tiêu tiền chùa nghĩa là tiêu không sợ, nhưng không phải như vậy. Tiền chùa mới là tiền sợ nhất. Ở trong cổ nhân có dạy là “của chùa tam bảo chiêu đề thiên tai”. Đối với người tu sĩ chúng tôi, tiền chùa tức là tiền người ta mang đến, do gia đình, vợ con người ta mang đến chùa, thế mà mình chi tiêu không cẩn thận, không đúng mục đích thì mình sẽ phạm tội, mình phải đền nợ người ta chứ không phải là tiêu tiền chùa là được tự do. Nội hàm tiêu tiền chùa khuyên răn rất cẩn thận trong việc chi tiêu, đừng để phạm tội!
 
Nhân đây tôi xin thưa với giới báo chí, đạo Phật trong phật giáo Việt Nam đặt nặng vấn đề về tiền chùa, phải cẩn thận, phải thận trọng lắm trong việc chi tiêu. Ở trong chùa, tất cả việc ăn uống tiêu dung, từ bát cơm, cho đến mớ rau, ngọn cỏ đều phải tiết kiệm, phải giữ gìn vì đó là mồ hôi nước mắt của mọi người. Vì vậy, trước khi ăn cơm trưa (bữa chính) của đạo Phật thì phải có lễ tưởng niệm, phải tụng rằng thân này mình được sống như thế này, quần áo do công nhân dệt nên, thân này khỏe mạnh là do người cấy cày, nay mình không cấy cày mà có ăn, không dệt mà có mặc thì mình phải lượng xem cái tu của mình như thế nào để đền ơn lại người ta.
 
Các vị hay nghĩ tiêu tiền chùa là tiêu một cách thoải mái là sai hoàn toàn với điều răn của Phật giáo. Tiền chùa là của tất cả mọi người mang đến để xây dựng nên công đức, nếu như người trụ trì nói riêng, các vị sư nói chung mà tiêu tiền đó không cẩn thận thì phạm giới luật, phạm tội, vi phạm tội trộm của tam bảo.
 
Tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt, tiền công sức của mỗi người, người giàu có thì đã đành, nhưng người nghèo vì tín tâm vẫn mang đến mà mình chi tiêu không cẩn thận thì sẽ chịu luật nhân quả, chịu sự quả báo.
 
Trở lại tiền công quỹ mà người ta cũng đang gọi là tiền chùa, thì cần biết rằng, tiền công quỹ cũng là tiền đóng thuế của dân. Trong đạo Phật, giới thứ 2 là không được trộm cắp, điều đó không phải chỉ là không trộm cắp của tư nhân mà kể cả tham nhũng, tham ô đều phạm tội trộm cắp. Mà trộm của công thì càng nặng hơn bởi vì đây là tiền của nhiều người đóng góp hơn. Khi chúng tôi nói chuyện với doanh nghiệp, chúng tôi nói rằng, trốn thuế cũng nằm trong giới thứ 2 của đạo Phật, đó là tội trộm cắp.
 
Không phải tham ô, tham nhũng, nhưng lãng phí trong việc chi tiêu tiền công cũng là phạm vào điều răn của nhà Phật.
 
- Đó là việc tiêu tiền công, còn về sự lãng phí trong chi tiêu của người dân, Thượng tọa có nhận xét gì khi mà Liên Hiệp Quốc cũng đang kêu gọi “nghĩ trước khi tiêu thụ thực phẩm”?
 
Hiện nay Quốc hội đang thảo luận về Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, tôi thấy đây là một điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ là việc lãng phí trong chi tiêu công, mà việc lãng phí trong dân cũng cần phải được quan tâm.
 
Ngày xưa, người ta bảo hạt ngô rơi vào đống phân còn nhặt lên rửa đi để ăn, bây giờ người ta ăn uống lãng phí. Không chỉ tiền công quỹ mà trong từng gia đình, từng cá nhân, người ta cũng quá lãng phí. Trong những khóa tu ở chùa, chúng tôi cũng giáo dục cho các cháu, ăn bao nhiêu cũng được, nhưng không được bỏ thừa. Tôi sang Đài Loan, ở bên đó người ta cũng giáo dục như vậy, ăn được bao nhiêu thì cứ thoải mái, nhưng chỉ vàihạt cơm trong bát cũng phải vét hết.
 
Ở Việt Nam bây giờ, tình trạng lãng phí rất phổ biến, đặc biệt là ở thành thị. Nhà Phật răn dạy là không được lãng phí, đặc biệt là không được đổ thức ăn vào chỗ bẩn. Trước đây ở thành thị cũng còn có nuôi con vật để chúng ăn thức ăn thừa, ngày nay không có nên người ta đổ luôn vào bồn cầu hay thùng rác, như thế là cực kỳ tội lỗi.
 
Nhà phật cũng răn dạy, nếu bây giờ mình lãng phí thức ăn, đổ thức ăn vào chỗ bẩn thì sau này mình phải làm trâu làm bò bị bỏ đói, bị ăn bẩn. Đó là luật nhân quả. Ngoài ra, trên thực tế, còn rất nhiều người ở rất nhiều nơi đang đói khổ. Những cái lãng phí đó, lẽ ra mình nên tiết kiệm để giúp đỡ họ.
 
- Vậy Thượng tọa có lời khuyên gì cho những người vẫn quan niệm rằng, lịch sự khi đãi khách thì phải gọi nhiều đồ ăn, phải thừa mới là người hiếu khách?
 
Dưới góc nhìn của Phật giáo thì cần tránh hình thức. Kể cả vấn đề tang ma cưới xin cũng vậy, đang rất lãng phí. Bản thân tôi mong muốn lễ tang thật tiết kiệm. Lễ tang là lễ đau xót nhất, ai cũng mang vòng hoa đến, mỗi một vòng hoa vài trăm nghìn trở lên, cho nên nó rất lãng phí.
 
Tôi còn nhớ ngài Đệ nhất Pháp chủ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước khi viên tịch còn để lại lời dạy rằng, khi ngài mất, ai đến viếng thì chỉ niệm Phật thôi, đừng phúng điếu. Vòng hoa mang đến là mất tiền của người viếng, lai mất công của người mang ra nghĩa trang, rồi mất công của người ở nghĩa trang phải dọn đi. Hơn nữa, vòng hoa nhiều quá cũng ảnh hưởng đến môi trường. Ngài dậy như vậy, bây giờ chúng ta nên làm mấy cái vòng hoa tượng trưng, ai đến viếng đặt vào rồi lại mang ra cho người khác đến viếng.
 
- Nhân chuyện Thượng tọa nói đến lễ tang, hiện nay có nhiều người tổ chức đám ma rất to, và nhận rất nhiều tiền phúng viếng. Điều này có phạm vào lời răn của Nhà Phật không?
 
Lợi dụng tang ma để thu tiền phúng viếng nhiều là điều mà quan niệm của nhà Phật rất tránh kỵ. Ngài Đệ nhất Pháp chủ mà tôi kể ở trên, trong lời để lại trước khi viên tịch có dặn là không được nhận phúng điếu. Ngay mới đây, chúng tôi vừa tổ chức lễ tang hòa thượng Thích Thanh Bích, Phó Pháp chủ của Phật giáo Hà Nội, chúng tôi cũng không đặt thùng công đức, không ghi nhận, bởi vì chúng ta biết rằng người ta đến là bằng tình cảm chứ không nên bằng tiền, chưa nói đến chuyện những đám tang lớn lợi dụng sự chết để trả nợ nhau, mua chuộc nhau điều gì đó thì càng không nên. Hãy đến bằng tinh thần thương người quá cố.
 
Đó là đám tang. Còn đám cưới bây giờ cũng vậy, lãng phí và tốn kém. Ngày xưa người ta mừng nhau những món quà nhỏ, đám cưới xong có bao nhiêu kỷ vật. Bây giờ thì là một thùng tiền. Tiện thật đấy, nhưng khổ cho người đi đám cưới. Thành cái lệ rồi. Tôi thường nghe mấy người gần tôi nói tháng này đi bao nhiêu đám cưới, hạch toán rằng đi từ quê lên đây làm được bao nhiêu tiền, tháng này chi hết tiền nhà bao nhiêu, tiền ăn bao nhiêu, rồi tiền cưới xin ma chay, rất khổ.
 
Bây giờ, có luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đó là điều hết sức cần thiết. Nhưng điều quan trọng không kém là phải tuyên truyền, giáo dục trong cả cán bộ công chức và trong dân chúng.
 
- Xin cảm ơn Thượng tọa.

Theo Tuệ Khanh

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM