Những điều vô cùng kỳ thú ở khu du lịch Đại Nam

29/06/2013 21:31 PM |

Kể từ khi khánh thành và đi vào hoạt động đến nay đã hơn 4 năm, Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (KDL Đại Nam) ở tỉnh Bình Dương đã diễn ra bao điều kỳ thú, thu hút hàng triệu khách tham quan mỗi năm… 

Những điều kỳ thú ấy, nói như ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam - chủ quản KDL Đại Nam: “Đó là ý trời, là sự hiển linh diệu kỳ, mà KDL Đại Nam thật diễm phúc mới có được”…

Hà mã, khỉ sóc và voọc cùng sinh nở một ngày

Ai đó từng ví von vườn thú của KDL Đại Nam là “vườn thú của những con vật… kỳ thú”. Thật vậy, rộng 12,5 ha, vườn thú Đại Nam có tới 100 loài thú quý hiếm. Trong đó, có những loài nằm trong Sách đỏ có nguy cơ bị tận diệt trên thế giới như: Hổ Đông Dương, tê giác, các loài voọc… 

Ấy vậy, những loại thú tưởng “tận diệt” ở đâu, nhưng thực tế, khi chúng được đưa về sinh sống ở KDL Đại Nam, lại sinh sôi nảy nở thật… bất ngờ ! Gần đây nhất, vào khoảng từ 1 – 3 giờ sáng ngày 3.7.2012,  có tới 3 cá thể động vật quý hiếm cùng được sinh nở thành công tại vườn thú Đại Nam, gồm 1 con khỉ sóc giống Nam Mỹ, nặng 80 – 100g, 1 con ngựa vằn nặng 25-30kg và 1 con hà mã nặng 25kg.

Ông Huỳnh Uy Dũng bên hòn đá nở hoa Ưu Đàm.

Đặc biệt, với con hà mã, theo ông Dương Thành Phi – GĐ vườn thú Đại Nam: “Đây là trường hợp hà mã sinh rất hiếm hoi ở một vườn thú, trong môi trường bán hoang dã. Tài liệu của thế giới khẳng định, hà mã chỉ sinh nở trong môi trường nước nông hoặc dưới nước. Thế nhưng ở vườn thú Đại Nam, chú hà mã con lại ra đời ở trên bờ”. 

Phải mất khoảng 12 giờ chuyển dạ, hà mã mẹ mới sinh con. Sau khi đẻ, con mẹ cắn dây rốn, liếm láp sạch sẽ cho con và đưa con xuống nước tắm. Khoảng 3 giờ sau, hà mã con đã bắt đầu bú sữa mẹ, mà không cần sự hỗ trợ nào. Cặp hà mã bố mẹ được nhập từ Israel, khoảng 4 năm tuổi, vào năm 2008. Hiện hà mã mẹ có trọng lượng hơn 1,5 tấn và con bố nặng khoảng 2 tấn.
Hoa Ưu Đàm mọc trên đá.

Không chỉ có khỉ, sóc, ngựa vằn và hà mã, với loài hổ Đông Dương, chúng sinh nở tự nhiên ở vườn thú Đại Nam thật dễ dàng như … gia cầm. Ông Mai Xuân Tín – chuyên gia về động vật - nói: “Vườn thú Đại Nam rất “mát tay” cho hổ đẻ. Lúc đầu chỉ có 9 con hổ (5 đực, 4 cái), không bao lâu, chúng nhân giống ra 15 con thế hệ F1, từ thế hệ F1 chúng tiếp tục sinh ra 4 con thế hệ F2. 

Hổ Đông Dương rất mắn đẻ, nên hiện nay, vườn thú phải… hãm bớt; nếu không, năm nào cũng có vài lứa hổ con ra đời”. Có 14 loài động vật quý hiếm đã nhân giống thành công ở KDL Đại Nam. Có thể kể thêm một số loài sinh nở thành công như voọc bạc, linh dương đầu bò, linh dương sừng kiếm, linh dương sừng xoắn, linh trưởng v.v…

“Vương quốc” chim yến

Chỉ riêng chim yến đã là một nét độc đáo, đặc sắc của KDL Đại Nam. Ông Huỳnh Uy Dũng kể: “Cả đời, tôi không hề biết con chim yến là gì; huống hồ đi nuôi chim yến? Xây dựng KDL Đại Nam, dựng dãy núi Ngũ Hành là để tạo nên cảnh trí… 

Thật kỳ lạ, đúng hôm tôi lập bàn thờ bách gia trăm họ, cúng trời đất, thì hàng ngàn con chim yến, không biết từ đâu kéo về, bay dày đặc xung quanh Đền thờ Đại Nam và dãy núi Ngũ Hành”. Kể từ đó, chim yến lấy dãy núi Ngũ Hành làm nơi trú ngụ. Và, số lượng chim yến đến nay đã tăng lên hàng vạn con…
Hoa Ưu Đàm mọc trên đá được đặt tại Đền thờ Đại Nam thu hút hàng ngàn khách tham quan mỗi ngày.

Vào những ngày này, bất kỳ du khách nào vãn cảnh KDL Đại Nam đều chứng kiến hàng ngàn con chim yến chao liệng rợp trời… Đông nhất là vào mỗi chiều tối, sau một ngày đi kiếm ăn xa, những đàn chim yến lại trở về KDL Đại Nam. 

Chim yến không chỉ ở trên núi, chúng còn trú ngụ khắp nơi như: Cột cờ, thành Đại Nam, hồ Ngọc Bích v.v… Thậm chí, có nhân viên cho biết: “Chim yến len lỏi vào làm tổ cả ở khu vực trụ sở Cty, phòng khách sạn”. Có người đùa: “Cty Đại Nam lấy khách sạn nuôi chim yến, lãi hơn dùng vào việc kinh doanh !”.

Lẽ tự nhiên, chim yến về xây tổ, ắt phải có tổ yến. Một đội chuyên khai thác và chế biến yến sào Đại Nam đã hình thành từ 3 năm nay. Ông Dũng cho hay: “Âu đó cũng là đất lành chim đậu, lộc trời ban tặng cho KDL Đại Nam. Chúng tôi dùng toàn bộ số tiền có được từ kinh doanh yến sào để chi phí cho công tác chăm sóc, bảo dưỡng Đền thờ Đại Nam”. 

Giữa đất trời mênh mông, hàng vạn con chim yến chao liệng vào mỗi buổi chiều về, những người quản lý KDL Đại Nam đang khát khao sẽ biến nơi đây thành “vương quốc chim yến” – một nét độc đáo của KDL Đại Nam.

... và hoa Ưu Đàm thiên tạo tuyệt đẹp ở Đền thờ Đại Nam

Mẹ con hà mã mới sinh tại KDL Đại Nam.

Thật kỳ lạ, những cụm hoa Ưu Đàm mọc trên những cánh sen hồng tại Kim Điện Đại Nam trông hết sức lạ thường giữa chốn linh thiêng như chứng minh cho điềm lành ứng hiện. Ông Nguyễn Xuân Thới  -Trưởng Ban Quản lý Đền thờ Đại Nam -  cho biết: 

Lúc đầu, chỉ phát hiện 7 hoa lạ nở trên chậu sen từ buổi tối ngày  30.3 (tức ngày vía Phật Bà). Sau đó, có thêm nhiều hoa Ưu Đàm nữa tiếp tục nở trong chậu sen ở Đền thờ Đại Nam. Hoa Ưu Đàm xuất hiện ngay trong chánh điện của Đền thờ Đại Nam - nơi ánh nắng mặt trời không lọt vào, nhưng hoa vẫn nở.

Cách đây một năm, tìm hiểu trên internet, ông Thới mới biết về hoa Ưu Đàm và phổ biến cho nhân viên phục vụ đền thờ về loại hoa này. Vì vậy, khi chăm sóc đền, một nhân viên đã phát hiện những cây hoa li ti, có màu trắng muốt, mọc thành hàng thẳng tắp trên một số cành sen hồng, ở những chậu sen đặt trong chính điện. 

Ông Thới dùng đèn pin soi và so sánh với hình ảnh hoa Ưu Đàm trên internet, mới cho rằng chính là hoa Ưu Đàm đã xuất hiện ở đền Đại Nam. Trước đó, vào tháng 7.2012, loài hoa “ứng hiện điềm lành” này đã một lần xuất hiện nhiều điểm tại khu vực quảng trường – nơi dẫn vào Đền thờ Đại Nam. 
Hoa Ưu Đàm thực vật nở trên hoa sen ở Đền thờ Đại Nam.

Trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi rõ: Hoa Ưu Đàm - còn gọi là Ưu Đàm Bát La, Ưu Đàm Ba La, Ưu Đàm Bạt La, Ưu Đàm Bà La, Ô Đàm Bà La, Ô Đàm La, Ưu Đàm Bát, Ưu Đàm, Ô Đàm - là phiên âm Hán -Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”. 

Kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ trên tiên giới, không có ở trần gian. Hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Có hai giả thuyết khác nhau về việc hoa nở ra sao. Một cho rằng, loài hoa chỉ nở 3.000 năm một lần.

Thuyết khác lại cho rằng nó nở 12 năm một lần. Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế. 

Trong 8 chậu sen hồng đặt trong đền, có đến 5 chậu xuất hiện hoa Ưu Đàm. Ông Thới nói: “Có người nghi ngờ cho rằng đó chỉ là… nấm mốc, xuất hiện ở nơi ẩm ướt, chứ không phải hoa Ưu Đàm. Nhưng thực tế ở đền Đại Nam, hoa Ưu Đàm không chỉ xuất hiện ở những cành sen, mà hoa còn mọc rất nhiều trên tường gỗ sơn son thếp vàng 24k hoặc rào gỗ được bọc véc-ni, bao quanh bốn hướng của đền Đại Nam. 

Những tường và rào gỗ này hoàn toàn không ẩm mốc, vì thường xuyên được nhân viên lau chùi sáng choang, bóng láng sạch sẽ, thì những cây hoa li ti trên mọc ngay tại những chỗ sạch, bóng nhất”.
Mẹ con khỉ sóc Nam Phi.

Song, đó mới chỉ là một phần kỳ thú về hoa Ưu Đàm ở KDL Đại Nam. Với lòng thành tâm hướng về tâm linh, ông Huỳnh Uy Dũng cho hay: Hoa Ưu Đàm thực vật nở rộ ở Đền Đại Nam là nhằm phát tín hiệu cho hoa Ưu Đàm thật, do thiên tạo ra đời. 

Và hoa Ưu Đàm nở nụ vô sinh, chính là một nụ hoa đá thạch anh màu trắng, mọc trên một hòn đá đen, cũng ngay tại Đền thờ Đại Nam. “Đó mới thật sự là linh vật hoa Ưu Đàm, mà KDL Đại Nam rất diễm phúc, nhờ nhân duyên Trời Phật mới có được. Đây là một điều kỳ diệu, thiêng liêng nhất, lạ lùng nhất” – chủ nhân KDL Đại Nam khẳng định.

Thật vậy, những ngày qua, hàng vạn khách tham quan đã có dịp chiêm ngưỡng linh vật hoa Ưu Đàm mọc trên đá tại Đền thờ Đại Nam. Một hòn đá có màu xanh đen, nặng khoảng 15kg. Trên một khe nứt tự nhiên của hòn đá đã mọc ra một cụm hoa màu trắng muốt, tựa như những hoa tuyết nơi miền bắc cực. Sợi hoa mảnh mai, sắc nhọn, mọc tua tủa ra ngoài và có chiều dài khoảng 5 – 8cm… Ông Dũng cho rằng, hoa Ưu Đàm vô sinh do thiên tạo, nên nó nở hoa vĩnh cửu, tồn tại mãi với thời gian.

Thật ngẫu nhiên, tại sách Long Hoa Trẩy Hội do chính ông Huỳnh Uy Dũng viết cách đây 3 năm (NXB Tôn Giáo phát hành tháng 3.2012), từng có những câu kinh thơ dự báo sự xuất hiện của hoa Ưu Đàm: “Nên trong khoảng ba ngàn năm một. Hoa ưu đàm nở, suốt xưa sau. Mỗi lần hoa nở vô ưu. Là mỗi lần có nhiệm mầu đản sinh” và “Hoa ưu đàm nhất chân pháp giới. Nụ vô sinh pháp hội Long Hoa. Từ cung Đâu Suất nghìn xa. Giáng sinh Di Lặc một tòa Đương Lai”.
Mẹ con voọc bạc, sau khi sinh nở thành công.

Theo ông Dũng: “Trên thế giới, chưa từng có đá thạch anh trắng kết thành hoa nở trên đá đen, nên đây là điều kỳ diệu và cảm nhận của riêng tôi. Tôi là người trong cuộc, nên hiểu rõ về hoa Ưu Đàm như thế nào. Các nhà khoa học trên thế giới chưa có cơ sở nào để khẳng định là hoa gì, cân nặng bao nhiêu, kích cỡ thế nào và để so sánh với các loài hoa thường có. 

Vì đây là hoa thiên tạo lạ lùng nhất, độc đáo nhất. Riêng về hoa Ưu Đàm, theo truyền thuyết thì 3.000 năm mới nở hoa một lần và chưa ai từng thấy, chưa ai dám khẳng định nó là loài hoa có thật mà chỉ trong truyền thuyết; cho nên không ai có đủ cơ sở để phủ nhận, cũng như chưa ai dám công nhận; đó cũng là tất nhiên. 

Và tôi cũng mong muốn mọi người tin hay không tin và đừng khẳng định giống tôi. Mọi người, khi chiêm ngưỡng sẽ có cảm nhận của riêng mình; còn về phần tôi, thì tôi khẳng định là hoa Ưu Đàm”.

Những câu chuyện kể trên, có những người tin hoặc chưa tin, song phải thừa nhận, đó là những hiện tượng vô cùng kỳ thú, là nét khác lạ ở KDL Đại Nam, đang được khách thập phương xa gần quan tâm, chiêm ngưỡng khi tham quan.

Mở cửa miễn phí vĩnh viễn đền thờ dát vàng

Ngày 12.6, nhằm ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5.5 âm lịch vừa qua, ông Huỳnh Uy Dũng - Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam - đã chính thức tuyên bố: Kể từ hôm nay, KDL Đại Nam sẽ mở cửa miễn phí vĩnh viễn để đón tất cả khách tham quan khu Đền thờ Đại Nam, mà không tốn kém bất kỳ chi phí nào.
 Đền thờ Đại Nam.

Bên cạnh đó, KDL Đại Nam còn tổ chức bữa ăn chay miễn phí, với quy mô 3.000 - 5.000 suất, nhằm phục vụ khách tham quan vào ngày đầu và rằm mỗi tháng. Ông Huỳnh Uy Dũng nói: “Tôi đã nhiều năm nếm trải sự nghiệt ngã của cuộc đời mới thực hiện được ước mơ và có được ngày hôm nay -  hạnh phúc thật trọn vẹn. Vợ chồng tôi thật vô cùng diễm phúc mở cửa khu thờ tự phục vụ quy khách đến với Đền thờ Đại Nam; viếng nơi tôn thờ các vị Phật và Cửu Huyền Thất Tổ, bách gia trăm họ, ông bà tổ tiên, các đời vua Hùng và các vị có công với đất nước”.

KDL Đại Nam được Cty Đại Nam đầu tư xây dựng giai đoạn 1 (250 ha), với vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng. KDL Đại Nam đi vào hoạt động từ năm 2008, bình  quân mỗi năm đón hơn 3 triệu lượt khách tham quan. Riêng Đền thờ Đại Nam được chủ nhân đầu tư khá lớn, với nhiều tâm huyết nhằm để lại cho đời sau. Vì vậy, Đền thờ Đại Nam đã được dát tinh xảo hoàn toàn bằng vàng nguyên chất 24k. Từ các họa tiết tinh tế trên vách, cửa, trần… cho đến các bức tượng thờ trong đền, đều được dát vàng 24k hết sức sang trọng.
Từ các họa tiết tinh tế trên vách, cửa, trần… cho đến các bức tượng thờ trong đền, đều được dát vàng 24k hết sức sang trọng.

Trong năm 2013, Cty Đại Nam sẽ thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán và trở thành Cty đại chúng. Cty Đại Nam sẽ dành 2.000 tỉ đồng sau khi thoái vốn để đầu tư xây dựng 17 Đền thờ Đại Nam trên khắp đất nước. Bình quân mỗi đền thờ có giá trị hơn 100 tỉ đồng.    

Đông Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM