Xứ sở bóng đá Brazil đã ra tay cứu lá phổi Amazon như thế nào?

15/06/2014 11:26 AM |

Đất nước hiếm hoi trong việc thành công bảo vệ rừng cây, chỉ bằng ba biện pháp tuy giản đơn nhưng ít nơi đâu có thể làm tốt.

Nội dung nổi bật:

Brazil là nước đi đầu trong việc bảo vệ tài nguyên rừng quý giá. Đó là sự nỗ lực trong 20 năm với ba biện pháp:

(i) Cấm và hạn chế thẳng tay: 80% diện tích nông nghiệp bị đòi lại để bảo tồn rừng.

(ii) Kiểm soát chặt, thưởng phạt song hành.

(iii) Người tiêu dùng bài trừ sản phẩm nông nghiệp trồng trên đất rừng trống.


Vào những năm 90, hình tượng của Brazil trong mắt thế giới xấu đi trầm trọng khi diện tích rừng nhiệt đới tại nước này bị đốn hạ nặng tay hàng năm. Nhưng giờ đây, tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi số liệu chính phủ nước này cho biết diện tích rừng bị chặt phá hàng năm đã giảm 70%, từ 19.500 km2 (năm 2005) xuống còn 5.800 km2

Nếu không, bầu khí quyển thế giới sẽ phải đón nhận thêm 3,2 tỷ tấn CO2, tương đương với lượng khí thải trong một năm của Liên minh Châu Âu. Hiện Brazil đang là nước đi đầu trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Các nước rừng nhiệt đới khác như Indonesia, Congo đang thất bại trong việc ngăn chặn nạn phá rừng. Còn Brazil đã làm thế nào để phá vỡ vòng luẩn quẩn này khi chính nhờ chặt phá rừng mà nông dân, chủ trại gia súc mới có đất để canh tác và kiếm tiền? Câu trả lời là quy trình ba bước: cấm, quản lý vùng biên giới tốt hơn và sự tẩy chay của người tiêu dùng.

Giai đoạn một (1990 - 2004): Cấm!

Đây là lúc chính phủ ra sức cấm và hạn chế khai thác rừng. Luật Bảo Vệ Rừng của Brazil cho biết mỗi trang trại ở Amazon phải dành ra 80% diện tích đất để bảo tồn rừng. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nào cao đến mức không ai tuân thủ bộ luật, thậm chí cưỡng chế cũng vô tác dụng. Chưa lúc nào rừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng như giai đoạn này. Đậu nành khi ấy rất được giá, ngành trồng trọt đậu nành và chăn nuôi phía đông nam Amazon được mở rộng mạnh mẽ.

Giai đoạn hai (2005 - 2009): Tăng cường kiểm soát

Tổng thống Brazil, Luis Inácio Lula da Silva, đã đặt sự nghiệp ngăn chặn nạn phá rừng lên hàng đầu, và từ đó cảnh sát và công tố viên phối hợp với nhau tốt hơn. Diện tích cấm nông nghiệp tăng từ 1/6 lên tới 1/2 đất rừng.

Lần đầu tiên, lệnh cấm trở nên có tác dụng nhờ các yếu tố: kim ngạch xuất khẩu đậu tương giảm vì đồng tiền Brazil tăng mạnh, chăn nuôi được cải tiến để người nông dân có thể nuôi nhiều con giống trên héc-ta hẹp, người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay đậu tương. Họ tuyên bố không mua sản phẩm cây trồng trên đất bị tàn phá. Tất cả đã góp phần giảm mạnh nạn chặt phá rừng.

Tỉ lệ chặt phá rừng giảm đáng kể trong gần 20 năm qua.

Giai đoạn ba (kể từ 2009): Thưởng phạt song hành

Đây là lúc để thử nghiệm xem lệnh cấm và hạn chế còn có công hiệu không khi người nông dân lại tiếp tục mở rộng trồng đậu tương. Chính phủ nước này chuyển trọng tâm từ trang trại sang các địa hạt trong bang. 

Những nông dân có tỉ lệ phá rừng báo động nhất tại 36 địa hạt sẽ không được cho vay lãi suất thấp cho đến khi nào tỉ lệ này giảm. Chính phủ cũng đặt ra hệ thống đăng ký đất đai phù hợp, đòi hỏi chủ đất phải khai báo ranh giới bất động sản cho các nhà quản lý môi trường. Người tiêu dùng lại tiếp tục tẩy chay gia súc hệt như từng tẩy chay đậu tương.

Thưởng đi liền với phạt, chính phủ đặt lệnh ân xá cho những tay chặt phá rừng bất hợp pháp từ trước năm 2008 cũng như lập nên Quỹ Amazon trị giá 1 tỷ USD đến từ viện trợ nước ngoài.

Xét trên mọi phương diện thì chính sách của Brazil đã thực sự thành công trong việc bảo vệ lá phổi xanh Amazon. Không chỉ có vậy, Brazil còn trở thành siêu cường canh tác, chứng minh khả năng gia tăng sản lượng lương thực mà không cần phá rừng. Hầu hết nạn phá rừng còn tồn đọng ngày nay là bởi các hộ gia đình vì lợi ích cá nhân. 

Chính phủ Brazil phải giải quyết bằng việc thuyết phục họ thay đổi lối sống. Rừng xanh đang được cứu một cách chậm chạp chứ chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy.

>> Người giàu Brazil dùng trực thăng để tránh tắc đường

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM