Xét xử 1 trong 8 án điểm của cả nước: Gần 1.000 tỉ đồng của Nhà nước bị lừa chiếm như thế nào?

22/10/2015 16:45 PM |

Hôm nay (22.10), TAND TPHCM đưa ra xét xử vụ án hình sự sơ thẩm, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1.000 tỉ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Đây là 1 trong 8 vụ án điểm được chỉ đạo sớm đưa ra xét xử và cũng là vụ án điểm đầu tiên trong 8 vụ được xét xử. Vụ án này có số tiền thiệt hại lên đến gần 1.000 tỉ đồng, với 11 đối tượng hầu tòa và có nhiều tình tiết phức tạp trong nhiều “phi vụ” lừa đảo, lập dự án “ma”, lập hồ sơ khống để moi tiền Nhà nước.

Xử án điểm đầu tiên của cả nước

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 1 tuần xét xử. Theo cáo trạng, vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 966 tỉ đồng, xảy ra tại Cty Dệt kim Đông Phương (gọi tắt là Cty Đông Phương) và Ngân hàng Agribank Chi nhánh 6, TPHCM (gọi tắt là Agribank chi nhánh 6). Cũng theo cáo trạng của VKDND cấp cao ủy quyền công tố kiểm soát xét xử tại phiên tòa cho VKSND TPHCM, 11 người hầu tòa vụ án điểm này bị truy tố xét xử với 3 tội danh gồm: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Cty Dệt kim Đông Phương), Đỗ Trọng Nhân (nguyên Giám đốc Cty Siêu mẫu Việt), Dương Thanh Cường, Thái Cường (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Cty đầu tư xây dựng Tấn Phát), Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (cùng nguyên Phó giám đốc Cty Thanh Phát), Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6, TPHCM), Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6) và 3 nguyên đều là cán bộ Agribank chi nhánh 6 là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy.

Những “phi vụ”… ngàn tỉ

Cty Đông Phương thuộc Tập đoàn dệt may được Bộ Tài chính cho phép chuyển mục đích sử dụng hơn 17.000m2 đất để lập dự án đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ cao tầng. Từ đó, Cty Đông Phương ký hợp đồng với Cty bất động sản Phương Nam, thành lập ra Cty liên doanh Đông Phương Phát (Đông Phương góp 10%, còn lại 90% là vốn của Phương Nam). Từ liên doanh này, Cty Phương Nam mang 80% số vốn bán cho Cty Bình Phát (do Dương Thanh Cường làm tổng giám đốc) để cùng thực hiện dự án khu thương mại và nhà cao tầng. Từ đó, Dương Thanh Cường cấu kết với Hồ Đăng Trung - đang là Giám đốc Agribank chi nhánh 6 - để bắt đầu hàng loạt “phi vụ”.

Tháng 9.2007, Dương Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay vốn và chỉ đạo Thái Cường (Cty Tấn Phát) ký hồ sơ gửi Agribank chi nhánh 6 để vay 170 tỉ đồng. Thái Cường thực hiện hồ sơ theo chỉ đạo và được Hồ Đăng chỉ đạo Hồ Văn Long (Trưởng phòng tín dụng), Nguyễn Hoàng Quốc Thụy (cán bộ tín dụng) “giúp đỡ” Thái Cường. Để được vay 170 tỉ đồng, Cường chỉ đạo Thái Cường lập hồ sơ vay và thế chấp bằng quyền sử dụng đất tạm thời tại số 10, đường Âu Cơ và 44, đường An Dương Vương, TPHCM. Thế nhưng, sau khi giải ngân, Dương Thanh Cường lại chỉ đạo Thái Cường đến Agribank chi nhánh 6 mượn lại giấy chứng nhận với lý do làm thủ tục chuyển quyền sử dụng. Tuy nhiên, sau khi lấy được giấy chứng nhận, Dương Thanh Cường đã mang đến Ngân hàng TMCP Phương Nam thế chấp vay số tiền khác.

Trong khi đó, về phía Agribank chi nhánh 6, mặc dù thừa biết hồ sơ của Cường không đủ điều kiện, vì dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận tạm thời như nêu trên là không đủ điều kiện thế chấp cho vay, thế nhưng giám đốc Trung vẫn ký duyệt cho Thái Cường vay 170 tỉ đồng và sau đó còn “ưu ái” cho Cường mượn lại giấy chứng nhận thế chấp tạm thời để Cường tiếp tục mang đi thế chấp ở ngân hàng khác.

Chưa hết, sau “phi vụ” 170 tỉ đồng, Dương Thanh Cường tiếp tục dùng lập dự án “ma”, mang tên khu biệt thự nhà vườn Thanh Phát. Tuy dự án chỉ là ảo, nhưng Cường lập hồ sơ câu kết với giám đốc Trung vay của Agribank chi nhánh 6 hơn 893 tỉ đồng. Điều đáng nói, đây là tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, nhưng Agribank chi nhánh 6 lại nói với Cường là cần tài sản thế chấp tạm thời như “phi vụ” trước. Lúc này Dương Thanh Cường lại mang 23 giấy chứng nhận sử dụng đất ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM để thế chấp tạm thời. Tuy nhiên, cũng như chiêu vay 170 tỉ đồng lần trước, Cường lại mượn lại 23 giấy thế chấp tạm thời ra khỏi Agribank chi nhánh 6 và mang đi thế chấp vay tiền của Ngân hàng Phương Nam…

Theo Phùng Bắc

Cùng chuyên mục
XEM