Xe máy, xe đạp làm chậm sự phát triển thương mại điện tử Việt Nam

23/08/2015 22:08 PM |

Người dân dùng phương tiện chính là xe đạp, xe máy đi mua sắm ảnh hưởng lớn đến thương mại điện tử ở Việt Nam.

Thương mại điện tử khó phát triển nhanh vì xe đạp, xe máy

Trao đổi về những thách thức cho thương mại điện tử Việt Nam tại Hội thảo thương mại điện tử trên nền tảng Magento đầu tiên ở châu Á vào ngày 22/8/2015, ông Andy Nguyễn, Phó Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Mobile Online Group cho biết, thương mại điện tử Việt Nam được khởi điểm từ năm 2006, nhưng người mua khi đó không thực sự tin tưởng họ có mua được đúng sản phẩm như quảng cáo hay là việc thực hiện thanh toán trực tuyến có thành công, bên cạnh đó nhiều người còn lo ngại về việc số tiền họ trả có đến được với nhà cung cấp dịch vụ hay chưa và lo ngại vấn đề bị lộ thông tin tài khoản.

Cho đến 6 năm sau, vào năm 2012 người mua vẫn có thói quen lên mạng để tìm kiếm cửa hàng nào bán rẻ nhất, rồi đến thẳng cửa hàng đó để mua, chứ không mua hàng trực tuyến. Các trang bán hàng trực tuyến chỉ đóng vai trò như một diễn đàn trao đổi hàng hóa, giá cả mà thôi. Thói quen mua sắm trực tiếp là thách thức lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam.

Đến cuối năm 2013, khi Lazada và Tiki đầu tư vào Việt Nam họ đã phải chi khá nhiều tiền để làm tăng sự tin trưởng của khách hàng, cũng như khích lệ sử dụng mô hình mua sắm điện tử cho khách hàng, bằng những chương trình giảm giá từ 50.000-100.000 đồng trong một lần mua hàng. Đến nay mặc dù Lazada được đánh giá là nhà đầu tư thương mại điện tử thành công nhất ở Việt Nam, nhưng hình thức thanh toán khi giao hàng là chủ yếu.

Ông Andy Nguyễn cho rằng, thách thức lớn thứ hai, đó chính là có quá nhiều xe máy và xe đạp ở Việt Nam. Khách hàng quen với dùng phương tiện di chuyển này để đi mua sắm, họ có thể ghé vào bất cứ đâu để mua hàng: một cửa hàng bán lẻ, chợ, siêu thị truyền thống. Việc người dân Việt Nam di chuyển phần lớn bằng xe máy và xe đạp là hành vi quyết định mô hình kinh doanh truyền thống vẫn là kênh mua sắm chính của người dân. Chính thói quen này đang làm chậm lại mô hình phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.

Ông Andy lấy ví dụ, khi ông sống ở Nhật, người dân di chuyển bằng tàu điện ngầm phổ biến, khi xuống nhà ga có khi cửa hàng bán lẻ chỉ cách đó chừng 1km thôi, nhưng người dân sẽ ngại di chuyển bằng phương tiện khác đến đó để mua hàng nên họ quyết định sẽ mua hàng trực tuyến.

Việt Nam có thể phát triển thương mại điện tử như mô hình của Trung Quốc

Ông Andy Nguyễn phân tích, ở Trung Quốc có nhiều sản phẩm chỉ có bán ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, có nghĩa là nhiều người ở các thành phố nhỏ không mua được, thành phố loại 3 lại càng khó mua được, do vậy thương mại điện tử là lựa chọn cho những người dân ở nơi xa thành phố. Việt Nam cũng có mô hình phát triển giống như Trung Quốc, do đó, hệ thống thương mại điện tử ở VN có cơ hội phát triển rất mạnh nếu cung cấp được các sản phẩm về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cách đây mấy năm vấn đề kho vận, vận chuyển hàng hóa từ điểm bán hàng cho người tiêu dùng là điều đau đớn cho nhiều công ty thương mại điện tử. Họ phải xây dựng những kho hàng rất lớn để tập trung hàng và vận chuyển cho khách. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện nhiều công ty chuyển hàng chuyên nghiệp như Shipchung hay Giaohangnhanh, nên những bế tắc trong khâu kho vận cũng đã được khơi thông.

Thanh toán trực tuyến cũng đang là vấn đề lớn, số người sử dụng thẻ tín dụng ở Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu người, rất ít so với con số 92 triệu dân và 60 triệu thẻ ngân hàng. Các hoạt động thanh toán phi thẻ là trở ngại cho thương mại điện tử, COD chiếm tới 90% giao dịch thương mại điện tử gần đây. Việc thanh toán thẻ thông qua hình thức tích hợp hạ tầng sẽ hỗ trợ cho thương mại điện tử trong khâu. Việc xuất hiện ngày càng nhiều các đơn vị trung gian thanh toán như 1Pay hoặc Banknetvn cũng là cơ hội để thúc đẩy thương mại điện tử hơn nữa.

Mấy năm trước, việc thiếu các phương tiện hay phương án quảng cáo trực tuyến cũng là trở ngại đối với những nhà bán hàng nhỏ lẻ, phần lớn doanh nghiệp chỉ tập trung vào quảng cáo qua Google hay Facebook. Và người bán hàng thường phải trả chi phí theo lượt xem hoặc lượt click, gia tăng chi phí bán hàng khá lớn.

Kể từ khi Lazada là công ty đầu tiên áp dụng quảng cáo CPA tại Việt Nam, người bán hàng chỉ phải trả tiền quảng cáo khi khách mua hàng thành công, mà không phải trả tiền theo click nữa, điều này gia tăng thêm lợi ích cho người bán hàng. Đó là cách thức Lazada bán hàng thành công hơn các trang quảng cáo khác, thương mại điện tử không chỉ phục vụ khách hàng mà còn là nền tảng quảng bá.

Bên cạnh đó, Hà Nội và TP.HCM đang phát triển mô hình tàu điện chạy bằng đường ray, việc thay đổi phương tiện di chuyển của người dân bằng các phương tiện công cộng sẽ là cơ hội để gia tăng thương mại điện tử.

Doanh nghiệp nào không online đừng tính chuyện bán hàng

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công thương) cho rằng, ở Việt Nam hiện đang có hơn 300.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 50% số này có trang web riêng. Trong đó, cũng có tới 50-60% trong số các doanh nghiệp có trang web hoạt động là có tích hợp tính năng mua hàng và thanh toán online. Dự báo doanh số mua bán qua mạng ở Việt Nam năm 2015 sẽ đạt khoảng 400.000 USD, so với tổng doanh số bán lẻ vẫn rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, trong số 300.000 doanh nghiệp có 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhỏ cả về quy mô và con người nên năng lực kinh doanh rất yếu. Chỉ cần ra khỏi Hà Nội và TP.HCM khoảng 30km thôi là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đã rất yếu rồi.

“Nếu dùng kênh quảng cáo bình thường, doanh nghiệp ở các địa phương rất khó tiếp cận khách hàng ở các tỉnh khác. Internet và thương mại điện tử là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ. Mỗi doanh nghiệp không online đừng tính đến chuyện bán hàng, tiếp cận khách hàng”, ông Linh phát biểu.

Theo M.Q

Cùng chuyên mục
XEM