Xây dựng hạ tầng có là 'miếng ngon'?

18/08/2014 12:11 PM |

Cuối tháng 7 vừa qua, trong thông báo gửi Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons cho biết họ vừa góp 129 tỉ đồng, tương đương 35% vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC.

Hai cổ đông còn lại trong liên doanh này là công ty Kỹ thuật Nền móng & Công trình ngầm Fecon (nắm 40% vốn) và Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO1) nắm 25% vốn.

Theo tìm hiểu, dự án mà FCC tham gia chính là dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên quốc lộ 1 (tỉnh Hà Nam) theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao BOT.

Chiến lược tiếp cận mảng xây dựng hạ tầng của Coteccons là động thái không bất ngờ. Bởi lẽ gần 3 năm trước, Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương từng khẳng định với NCÐT rằng hạ tầng sẽ là 1 trong 3 mảng chiến lược của Công ty trong tương lai.

Thực tế, mảng xây dựng hạ tầng giao thông không chỉ là chiến lược riêng của Coteccons. Fecon, doanh nghiệp nắm 40% vốn trong Công ty FCC còn thể hiện nhiều tham vọng hơn.

Nói như ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Fecon, thì việc liên doanh thành lập FCC sẽ giúp Fecon tham gia trọn gói vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng thay vì chỉ làm các công trình ngầm như trước.

Đây không phải là lần đầu tiên Fecon tỏ ra mạnh tay trong các khoản đầu tư nhắm tới lĩnh vực hạ tầng giao thông. Ðầu năm 2014, Fecon đã tung tiền mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược tại 2 doanh nghiệp lớn của ngành giao thông, với khoản đầu tư 70 tỉ đồng vào CIENCO1 và 6,25 tỉ đồng vào Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI). CIENCO1 là doanh nghiệp số một trong lĩnh vực thi công, còn TEDI là thương hiệu hàng đầu trong mảng tư vấn thiết kế.

“Fecon hướng tới trở thành một trong nhóm những doanh nghiệp hàng đầu về hạ tầng vào năm 2020”, ông Khoa khẳng định. Trong khi với Coteccons, mục tiêu trong tương lai là doanh thu từ lĩnh vực hạ tầng sẽ chiếm 50% trong cơ cấu doanh thu của Công ty.

Không chỉ có những doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nhảy vào mảng hạ tầng giao thông. Năm ngoái, Tập đoàn Bitexco, một doanh nghiệp đa ngành lớn của Việt Nam, đã kêu gọi để tìm thêm các nhà đầu tư cùng tham gia dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết theo hình thức hợp tác công-tư PPP.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, hạ tầng giao thông là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, trong 10 năm tới Việt Nam cần có 3.000-5.000 km đường cao tốc, 300-400 km tàu điện ngầm, phát triển hàng chục cảng biển.

2 năm trước, Bộ Giao thông Vận tải từng cho biết đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần đến 75 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông. Còn theo Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, chỉ trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của Thành phố ước tính đã lên đến 11 tỉ USD.

Tiềm năng lớn, nhưng với nhà đầu tư tư nhân, lợi nhuận mới chính là yếu tố khiến họ bỏ vốn đầu tư.

Đơn cử như Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII), một công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng có tỷ suất sinh lợi trên doanh thu khá cao trong nhiều năm. Ví dụ, năm 2012, công ty này đạt tới 416 tỉ đồng trên 1.081 tỉ đồng doanh thu. Tuy năm vừa qua, lợi nhuận của CII giảm nhưng là do công ty thay đổi chiến lược kinh doanh.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Xây dựng 6 (CIENCO6) lại có mức sinh lời không như mong muốn. Năm 2013, CIENCO6 đạt lợi nhuận ròng 285 tỉ đồng trong tổng doanh thu 6.200 tỉ đồng, dù là doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp của Coteccons, doanh nghiệp kinh doanh thuộc dạng tốt nhất ở lĩnh vực xây dựng dân dụng, cũng chỉ đạt lợi nhuận 257 tỉ đồng trên 6.200 tỉ đồng doanh thu.

Tuy nhiên, miếng ngon thường không dễ nuốt. Đầu tiên chính là cạnh tranh bởi các “ông lớn” nhà nước và nước ngoài từ thi công xây lắp cho đến đầu tư dự án.

Dù Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư giao thông, nhưng phần nhiều dự án hạ tầng vẫn sử dụng vốn nhà nước. Do đó, nhà thầu chính phần lớn cũng là các doanh nghiệp có gốc từ Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải. Ví dụ như các Tổng công ty Xây dựng (CIENCO), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng công ty Sông Đà.

“Lợi thế lớn nhất của các công ty họ CIENCO là năng lực trong lĩnh vực thi công và có độ phủ quy mô lớn, phạm vi toàn quốc. Điểm yếu thấy rõ của nhóm doanh nghiệp này là nguồn vốn của một số công ty vẫn còn ở mức hạn chế, dẫn đến tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao gây cản trở hoạt động kinh doanh”, ông Tào Minh Dương, Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, nhận định.

Tuy nhiên, với động thái cổ phần hóa và niêm yết của hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực này, điểm yếu nói trên chắc chắn sẽ được cải thiện. Cuối tháng 3 vừa qua, 4 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là các CIENCO1, 4, 5 và 6 đã hoàn tất việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá.

Không chỉ phải cạnh tranh, mô hình đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng cũng có những rủi ro nhất định. Ðơn cử như PPP là mô hình đầu tư rất mới ở Việt Nam, chưa có một khung pháp lý nào phù hợp. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình PPP đang được Chính phủ thí điểm với một số dự án rồi mới rút kinh nghiệm và đưa ra khung pháp lý phù hợp.

Với BOT, mô hình tưởng chừng như an toàn với dòng tiền thu về ổn định, nhưng thực tế là không hề dễ làm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ðiển hình là dự án BOT Cầu Phú Mỹ (Q.2 nối Q.7, TP. HCM).

Đây là dự án có tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.806 tỉ đồng, đưa vào sử dụng cách đây hơn 4 năm, dự kiến thời gian thu phí 26 năm. Thế nhưng, do đội giá nên tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng lên khoảng 3.000 tỉ đồng.

Theo chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ, để đảm bảo hoàn vốn thì phải tính đến phương án điều chỉnh tăng mức thu phí hoặc kéo dài thời gian thu phí lên 40 năm. Nếu không được đồng thuận, các nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn nhận dự án Cầu Phú Mỹ là thất bại; dẫn đến quan ngại về rủi ro khi đầu tư vào hạ tầng Việt Nam trong tương lai.

Còn các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng, rủi ro cho chủ đầu tư là rất lớn vì hiệu quả còn phụ thuộc vào việc đất được định giá như thế nào? Có phải đất sạch? Thời gian triển khai có bị kéo dài? Chưa kể dự án sẽ được khai thác ra sao, có bán được hay không? Trong khi chủ đầu tư trước tiên vẫn phải bỏ tiền đầu tư cho dự án.

>> Đầu tư hạ tầng: Việt Nam cần 500 tỉ USD

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM