Wall Street Journal: Giới đầu tư nước ngoài sẽ "rót" mạnh tiền vào Việt Nam nhờ hiệu ứng TPP

08/10/2015 15:03 PM |

"Tôi hy vọng sẽ có một cuộc đổ bộ lớn" của giới đầu tư nước ngoài vào khu vực Đông Nam Á khi các văn bản cuối cùng của thỏa thuận được công bố”, Deborah Elms - giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á cho biết.

Thậm chí khi văn bản ký kết Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn chưa ráo mực, các công ty đã bắt đầu lên kế hoạch mở rộng kinh doanh tới Việt Nam và Malaysia. Các quốc gia này được coi là nền kinh tế đang phát triển tại châu Á với sự tăng trưởng rất lớn từ các hoạt động ngoại thương.

Ngành sản xuất may mặc, găng tay cao su và xe đạp là một trong những lĩnh vực đang được cân nhắc để phát triển tại Đông Nam Á, nhằm tận dụng lợi ích từ hiệp định TPP mang lại như giúp tăng trưởng tốc độ xuất khẩu trong bối cảnh các hàng rào thuế quan sẽ bị gỡ bỏ, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ.

"Các hiệp định thương mại khổng lồ được xem như đã thay đổi cuộc chơi của các nền kinh tế quốc dân” – dẫn lời một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson tại Washington D.C. “Cho tới năm 2025, các thành viên của TPP có thể trông đợi sự tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam ở mức 29% và Malaysia vào khoảng gần 12%.”

Sự thống nhất cuối cùng về các điều khoản của TPP được giới phân tích đánh giá cao, cụ thể đây được coi là “Hiệp định thương mại tự do tuyệt vời nhất trong vòng 20 năm qua” - Deborah Elms, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á cho biết. "Tôi hy vọng sẽ có một cuộc đổ bộ lớn" của giới đầu tư nước ngoài vào khu vực Đông Nam Á khi các văn bản cuối cùng của thỏa thuận được công bố.”

Cho dù hiện tại TPP mới chỉ có 12 thành viên với tổng sản lượng kinh tế chiếm 40% thế giới, các quốc gia đang phát triển được kỳ vọng rất nhiều về sự tăng trưởng trong tương lai.

Malaysia và Việt Nam là hai quốc gia hiện không ký kết hiệp định thương mại tự do với Mỹ - một nhà tiêu thụ lớn trong cả những nguyên liệu thô và các sản phẩm đã được tinh chế. Do đó, bất cứ nhà xuất khẩu nào từ hai nền kinh tế trên đều phải chi trả thuế quan cho bất cứ sản phẩm nào được nhập khẩu sang đất Mỹ.

TPP sẽ mang đến cho các thành viên những ưu đãi về mặt kinh tế, gỡ bỏ hoặc miễn giảm một số loại thuế quan đối với hầu hết các lĩnh vực xuất nhập khẩu. Qua đó, giúp họ có được lợi thế trước các đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia.

Thuế quan đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ được dự kiến cuối cùng sẽ giảm xuống bằng 0, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, cho dù hiện nay mức thuế đang là 17%.

Tính đến tháng 7 năm 2015, Mỹ đã nhập khẩu 10,8 tỷ USD hàng may mặc từ Việt Nam, theo thống kê của chính nước này. Malaysia, một trong những nhà sản xuất khẩu cao su và dầu cọ lớn nhất thế giới, cũng xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa và dịch vụ với giá trị lên tới 30 tỷ USD trong năm 2014.

“Chúng tôi đã chờ đợi điều này từ rất lâu rồi” – ông Tang Chong Chin, giám đốc điều hành của công ty dệt may Malaysia United Sweethearts cho biết, “Trong vòng vài năm, tôi tin rằng việc cung cấp hàng hóa trên thế giới sẽ hoàn toàn khác.”

United Sweethearts đang lên kế hoạch mở một nhà máy thứ hai tại Việt Nam. Ông Tang, đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất dệt kim Malaysia tỏ ra lạc quan khi cho hay, TPP sẽ thúc đẩy nhanh dự án này. Các nhà sản xuất đã xuất khẩu hơn hai phần ba của quần áo của mình sang Mỹ, cho biết doanh thu có thể tăng gấp đôi trong vòng năm năm, với điều kiện thuế quan được gỡ bỏ.

Hiện nay, các nước không ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ đang phải đối mặt với mức thuế quan lên tới 10%, hoặc cao hơn tùy thuộc vào từng loại hàng may mặc.

Trong khi đó, Supermax Corporation Bhd. - nhà sản xuất găng tay cao su lớn thứ hai tại Malaysia đang trông đợi một sự đột biến trong doanh số bán hàng tại các thị trường mới mẻ và rộng lớn hơn. Giám đốc điều hành tập đoàn, Dato Seri Stanley Thai cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, ông hy vọng thuế nhập khẩu găng tay y tế vào Canada - một thành viên của TPP, hiện ở mức 16% sẽ được gỡ bỏ.

Việc có thể nhập khẩu găng tay y tế vào các thị trường lớn như Canada và Mỹ mà không phải chịu mức thuế quan nào chỉ là một phần trong viễn cảnh đang được mong đợi. Ngoài ra, còn các quốc gia như Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, hay Australia, Brunei, Chile, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore cũng là những thành viên của TPP.

Các điều khoản có lợi hơn trong hiệp định cũng sẽ được chỉ rõ. Về mặt hàng dệt và may mặc, các văn bản đầy đủ dự kiến sẽ bao gồm một số các điều kiện liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng nguyên liệu cho các sản phẩm này, điều mà Mỹ luôn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình.

David Hon, Giám đốc điều hành của Duarte, California chuyên sản xuất mẫu xe đạp gấp được, cho biết ông muốn nhìn thấy các nước thành viên của TPP được nhận nhiều ưu đãi hơn nữa, trước khi quyết định cắt giảm việc gia công tại Trung Quốc và châu Âu để chuyển sang Việt Nam hay Malaysia.

Hon cho biết ông cần phải cân nhắc giữa việc gỡ bỏ thuế quan với các điều kiện thương mại khác phát sinh từ TPP. Ông cũng nhận định rằng: “Các chuỗi cung ứng ở Malaysia và Việt Nam hiện không đủ phát triển để phù hợp với mặt hàng xe đạp như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các thỏa thuận thương mại này diễn ra một cách tốt đẹp, chúng tôi buộc phải theo xu hướng mua nhiều hàng hóa hơn từ các nước thành viên TPP, đồng thời di chuyển các nhà máy sản xuất tới đó."

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM