Vừa cởi, vừa thúc, vì sao cổ phần DNNN vẫn ế?

02/04/2015 09:01 AM |

Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 27 trường hợp doanh nghiệp thực hiện đấu giá qua hai Sở Giao dịch chứng khoán với tỷ lệ thành công 43%. Như vậy, đi qua Quý I, số lượng DNNN cổ phần hóa chưa đạt được 1/10 mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Nội dung nổi bật:

- Qua Quý I, số lượng DNNN cổ phần hóa là 27/289 DNNN, chưa đạt được 1/10 mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra.

- Giải pháp mới: Xin đấu giá cổ phần theo lô lớn nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính. Đơn vị thực hiện là CTCP Đầu tư Long Biên hồi cuối 2014.

- Kết quả: Chưa như kỳ vọng.

- Lý do: Đấu giá lô lớn không có cửa cho NĐT nhỏ. Với NĐT tổ chức, họ muốn mua đủ tỷ lệ % để tham gia vào quản trị thì họ mới hào hứng, nếu tỷ lệ thấp thì họ không tham gia.


Đây là thông tin ông Bùi Hoàng Hải – Phó vụ trưởng Vụ quản lý phát hành (UBCKNN) chia sẻ bên lề Hội nghị "Phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK" diễn ra sáng 1/4/2015.

Quý I, chỉ cổ phần hóa được 27/289 doanh nghiệp Nhà nước

Mới đây, CTCP PISICO Bình Định đã phải hủy đấu giá do không có nhà đầu tư đăng ký. Công ty nói trên hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến hàng lâm sản. Cổ phần PIPSICO không phải cổ phần doanh nghiệp Nhà nước duy nhất bị chê. IPO (cổ phần hóa bằng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Công ty TNHH MTV Cảng Cần Thơ chỉ bán được 0,2% khối lượng chào bán. Đấu giá lần 2 của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - TNHH MTV (Seaprodex) cũng chỉ bán được 2,6%.

“Theo số liệu 2 Sở (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM – PV) báo cáo về, đến thời điểm này, qua 27 đợt đấu giá, số tiền thu được là hơn 1.200 tỷ đồng. Thặng dư so với mệnh giá là khoảng 600 tỷ đồng. Tỷ lệ thành công là 43%” – ông Hải cho biết.

Theo thông tin từ ông Hải, tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ trong năm 2014 (60%) nhưng cao hơn tỷ lệ trong 2 năm 2012 – 2013 (40%). Nguyên nhân, ông Hải cho rằng, 3 tháng đầu năm có đợt nghỉ Tết âm lịch, tỷ lệ thành công thấp cũng liên quan đến tình hình thị trường những tháng đầu năm chưa sôi động.

Bên cạnh đó, thời gian doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin quá ngắn dẫn đến trường hợp các nhà đầu tư không có nhiều thời gian tiếp cận. Hơn nữa, trong tài liệu công bố thông tin, nhiều đơn vị chỉ công bố thông tin cơ bản – những thông tin tối thiểu được quy định trong các văn bản pháp lý hiện hành mà không mở rộng các thông tin quan trọng khác, không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

“Việc chậm cổ phần hóa trong Quý I, còn có nguyên nhân nữa, theo tôi là do số lượng doanh nghiệp còn lại quy mô lớn, mức độ phức tạp cao. Nó cũng là một phần khó khăn trong việc tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cũng như tổ chức các khâu xây dựng phương án cổ phần hóa”, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết.

Tạo khung pháp lý để đấu giá theo lô, cổ phần DNNN có đủ hấp dẫn?

Mới đây, một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cổ phần hóa được nhiều công ty đưa ra là xin đấu giá cổ phần theo lô lớn để giải quyết vướng mắc trong việc không đấu giá được cổ phần và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược đủ năng lực tài chính.

Đánh giá đề xuất này, Phó Cục trưởng Thu cho rằng, doanh nghiệp muốn cải tổ quản trị doanh nghiệp thông qua các nhà đầu tư có năng lực với tư cách chiến lược tham gia cổ phần hóa.

“Nội dung này Bộ Tài chính đã nhận diện được và đã báo cáo trong hội nghị sơ kết. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để nghiên cứu và tạo khung pháp lý cho nội dung này” – ông Thu cho biết.

Việc đấu giá theo lô, hay còn gọi là bán buôn/sỉ cổ phần, được lần đầu thực hiện vào đầu Tháng 10/2014, khi CTCP Đầu tư Long Biên công bố đấu giá sỉ lô 6 triệu cổ phần giá 90.000 đồng/cổ phần. Những đợt đấu giá thế này không có cửa cho nhà đầu tư nhỏ lẻ khi để mua trọn lô của Đầu tư Long Biên, nhà đầu tư phải bỏ ra 540 tỷ đồng với số tiền đặt cọc lên tới 54 tỷ đồng.

Kết quả: Sau 30 ngày, buổi đấu giá bị hủy do chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư tham gia.

Việc đấu giá theo lô cũng đang được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đề xuất đối với các phương án thoái vốn các cảng biển. Doanh nghiệp muốn mua lại cổ phần từ Vinalines cũng không phải dễ dàng vì bên cạnh phương án bán theo hình thức trọn lô, doanh nghiệp mua còn phải đảm bảo điều kiện về vốn chủ sở hữu tối thiểu không thấp hơn tổng số cổ phần thoái vốn theo giá trị mệnh giá.

Đánh giá về phương thức bán sỉ cổ phần, ông Nguyễn Thanh Chung – Giám đốc Chi nhánh Hà Nội CTCP Chứng khoán Hải Phòng – cho rằng quan trọng là lượng đấu giá bán ra phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của nhà đầu tư tổ chức. “Với tổ chức mua, họ muốn mua đủ tỷ lệ % để tham gia vào quản trị thì họ mới hào hứng”.

“Trường hợp Công ty TNHH MTV Cảng Hải Phòng, có rất nhiều tổ chức nước ngoài và trong nước muốn mua, nhưng lượng cổ phiếu bán ra chỉ có 5% vốn điều lệ. Nhà đầu tư tổ chức mua cái 5% vốn điều lệ này không giải quyết vấn đề gì cả nên họ không tham gia, dẫn đến đấu giá không thành công” – ông Chung cho biết.

Sau khi được tư vấn lại, Cảng Hải Phòng đã xin các cơ quan quản lý được bán đấu giá với tỷ lệ nhiều hơn. Đợt đấu giá ấy (14/5/2014), tỷ lệ thành công là 47%.

Bổ sung thêm 106 doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong năm 2015

Trong cuộc họp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành quyết liệt thực hiện mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2015. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bổ sung thêm 106 doanh nghiệp vào danh mục phải cổ phần hóa trong năm nay.

>> World Bank: Tại sao quá trình cổ phần hóa DNNN tốn nhiều thời gian?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM