Vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ tại Lạng Sơn: 3 ngân hàng liên quan có mất vốn?

23/08/2013 15:12 PM |

Nội dung nổi bật:

Vụ vỡ nợ trên địa bàn TP. Lạng Sơn đầu tháng 8/2013, do vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tô Bích (Ái) Liên gây ra, với tổng số tiền lừa đảo, chiếm đoạt ước tính trên 300 tỷ đồng. 

Thời điểm 1/8/2013 có 3 ngân hàng ở Lạng Sơn (VietinBank, Techcombank và BIDV) có quan hệ tín dụng với các khách hàng liên quan đến vụ lừa đảo này, với tổng số tiền cho vay là 19,367 tỷ đồng.

Tính đến 22/8 dư nợ các khoản cho vay đã giảm 11 tỷ đồng, chỉ còn 8,367 tỷ đồng.


Vụ vỡ nợ trên địa bàn TP. Lạng Sơn đầu tháng 8/2013, do vợ chồng Nguyễn Văn Trung và Tô Bích (Ái) Liên trú tại số 33, đường Bà Triệu (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) gây ra, với tổng số tiền lừa đảo, chiếm đoạt ước tính trên 300 tỷ đồng. 

Nhiều chủ nợ khai rằng đã vay tiền từ ngân hàng để cho con nợ vay đáo hạn nợ ngân hàng với lãi suất từ 2.000 đến 9.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. 

Đồng thời, họ cũng nói với cơ quan điều tra rằng vợ chồng Trung – Liên có quen thân với nhiều cán bộ ngân hàng "giúp" chủ nợ thế chấp tài sản tại ngân hàng, còn tiền thì chuyển thẳng cho con nợ.

Xung quanh vụ việc này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Học Cường - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn.

Thưa ông, thực hư câu chuyện này như thế nào?

Theo số liệu các chi nhánh ngân hàng cung cấp, thời điểm 1/8/2013 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 3 ngân hàng là: NHTMCP Công thương (VietinBank), NHTMCP Kỹ thương (Techcombank) và NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) có quan hệ tín dụng với các khách hàng liên quan đến vụ lừa đảo nói trên với tổng số tiền cho vay là 19,367 tỷ đồng.

Trong đó, BIDV chi nhánh Lạng Sơn cho vợ chồng Trung – Liên vay 1,7 tỷ đồng với thời hạn 11 tháng để kinh doanh phụ tùng ô tô xe máy, thế chấp là chiếc ô tô Acura biển số 12A-017.50; Tô Bích Liên vay tiêu dùng qua thẻ 100 triệu đồng tại Techcombank chi nhánh Lạng Sơn. Phần dư nợ còn lại của 8 khách hàng liên quan khác.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng hay lời khai nào của các đương sự chứng minh được rằng có mối quan hệ cá nhân giữa kẻ lừa đảo và cán bộ NHTM làm ảnh hưởng đến quyết định của các NHTM khi duyệt hồ sơ cho hoặc không cho vay những đối tượng có trong hồ sơ tín dụng của các NHTM.

Ông đánh giá thế nào về khả năng thanh toán của các khoản nợ này và đã có biện pháp gì để giảm thiểu rủi ro?

NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo 3 ngân hàng nói trên chủ động đánh giá lại tình hình sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ của các khách hàng có liên quan; Chủ động chuyển nợ quá hạn, phân loại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định, cụ thể là chuyển nợ nhóm 5 đối với khoản vay của Nguyễn Văn Trung và Tô Bích (Ái) Liên.

Tuy nhiên rủi ro với hai khoản vay này là rất thấp. Bởi chiếc ô tô Acura biển số 12A-017.50 được thế chấp cho ngân hàng vay 1,7 tỷ đồng với thời hạn 11 tháng. Ngay khi biết cặp vợ chồng này bỏ trốn, phía ngân hàng đã kịp thời phối hợp với Công an TP. Lạng Sơn thu giữ chiếc xe ô tô trên.

Đối với những chủ nợ lớn mà công luận đã được nghe thời gian qua như bà Nguyễn Kim Ngân, cho vợ chồng Trung - Liên vay 65 tỷ đồng thì bà Ngân chỉ vay ngân hàng 2,2 tỷ đồng thông qua 2 hợp đồng tín dụng kỳ hạn 11 tháng giải ngân tháng 6 và tháng 7 năm 2013. 

Tuy nhiên, đến ngày 14/8/2013 dư nợ của 1 trong 2 hợp đồng trị giá 1,3 tỷ đồng đã giảm 500 triệu đồng vì vậy khoản vay này chỉ còn 800 triệu đồng.

Dư luận có nghe thấy một số người có liên quan nói rằng họ đi vay tiền ngân hàng để cho vợ chồng Trung – Liên vay lại kiếm chênh lệch. Câu chuyện này ra sao, thưa ông?

Đúng là nhiều chủ nợ tung tin hoặc khai rằng phải vay mượn ngân hàng để cho con nợ vay, nhưng qua rà soát họ không có quan hệ tín dụng. 

Có thể đó là một cách để họ muốn vợ chồng Trung - Liên “thương hại” trả nợ cho họ trước các chủ nợ khác sử dụng tiền huy động ngoài xã hội. Ví dụ như chủ nợ lớn là Nguyễn Thị Hương, hiện không có dư nợ tại các ngân hàng trên địa bàn nhưng vẫn có thông tin nói rằng chị ta đi vay ngân hàng để cho vay lại.

Tính đến ngày 22/8 dư nợ các khoản cho vay đối với các khách hàng có liên quan đến vụ việc trên đã giảm 11 tỷ đồng, chỉ còn 8,367 tỷ đồng. Nhìn chung, các khoản cho vay của 3 ngân hàng nói trên đều có khả năng thu hồi, khả năng thanh khoản vẫn được duy trì ổn định.

Qua vụ việc này, ông có khuyến cáo gì với hoạt động “tín dụng đen” đang xuất hiện ở ngoài xã hội?

Vụ việc này có một phần xuất phát từ việc hám lợi khi các chủ nợ khai báo với cơ quan điều tra lãi suất hàng tháng 6%, lợi nhuận một năm lên tới 72%. Vì vậy, cần khuyến cáo người dân không nên gửi tiền vào những nơi không tin tưởng. Nhất là các cá nhân huy động, bởi lợi nhuận luôn tỷ lệ thuận với rủi ro.

Xin cảm ơn ông !

Theo Minh Ngọc

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM