Vũ khí bảo vệ đồng ruble của Nga hiệu quả đến đâu?

01/01/2015 11:02 AM |

Cái khó cho Nga là các biện pháp bảo vệ đồng ruble lại không có nhiều, hoặc không dễ thực thi, hoặc không phát huy tác dụng ngay trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu và khoáng sản yếu, không biết chừng nào mới hồi phục lại.

Ngày 25/12, Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này đã kết thúc, cho dù họ đã và đang phải trả bằng một cái giá khá đắt đỏ, với dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh và, ngược lại, lạm phát đã tăng lên mạnh, châm ngồi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1998.

Biện pháp giúp Nga ngăn chặn được đà rơi tự do của đồng ruble chủ yếu thông qua biện pháp nâng lãi suất cơ bản lên đến 17%/năm, đồng thời với một số biện pháp khẩn cấp như huy động các công ty tài chính bán ngoại tệ ra thị trường để cứu đồng nội tệ, và buộc các doanh nghiệp xuất khẩu lớn (gồm cả hai đại gia năng lượng là Gazprom và Rosneft, Tập đoàn Năng lượng Zarubezhneft, hãng khai thác mỏ Alrosa và nhà sản xuất kim cương PO Kristall) bán bớt dự trữ ngoại tệ của họ để hỗ trợ tỷ giá đồng ruble.

Công bằng mà nói, các vũ khí mà Nga hiện đang dùng ở trên đều là vũ khí thông thường, phổ biến và thường được dùng ở giai đoạn đầu trong các cuộc khủng hoảng tiền tệ trên thế giới. Việc nâng lãi suất cơ bản sẽ có 2 tác dụng: khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ tài sản bằng đồng ruble (hoặc, ngược lại, ngăn chặn cơn sợ hãi của nhà đầu tư rời bỏ các tài sản bằng đồng ruble và chuyển sang các tài sản bằng ngoại tệ và chuyển ra nước ngoài cho an toàn); và ngăn chặn hành động đầu cơ trục lợi của các nhà đầu tư thông qua việc vay bằng đồng ruble đang mất giá mạnh để đầu cơ vào USD, sau đó bán USD thu về nhiều hơn số đồng ruble đã vay. Trong khi đó, việc yêu cầu các công ty xuất khẩu lớn có nguồn ngoại tệ dồi dào phải bán USD nắm giữ (một phần hay toàn bộ) sẽ tạo thêm nguồn cung USD ra thị trường, đỡ gánh nặng cho Ngân hàng Trung ương phải dốc dự trữ USD ra để ổn định thị trường ngoại hối.

Trên lý thuyết, các biện pháp trên sẽ lập tức phát huy tác dụng hỗ trợ đồng nội tệ vì gián tiếp hay trực tiếp làm giảm nhu cầu USD, đồng thời lại làm tăng nguồn cung USD và bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối như là một chỉ biểu cho sự vững mạnh của bản tệ. Thực tế này cũng đã diễn ra ở Nga gần đây với sự hồi phục đáng kể giá trị của đồng ruble từ mức thấp kỷ lục hồi giữa tháng 12.

Nhưng, vấn đề là những biện pháp này sẽ phát huy tác dụng được bao lâu?

Việc nâng mạnh lãi suất sẽ là đòn giáng mạnh vào tiêu dùng và đầu tư của cá nhân và doanh nghiệp ở Nga. Nghịch lý là, để phục hồi lòng tin vào đồng ruble, lãi suất buộc phải neo ở mức đủ cao và đủ lâu. Đến lượt nó, lãi suất cao kéo dài không những làm giảm cầu tiêu dùng và đầu tư ngay lập tức mà còn châm ngòi cho kỳ vọng suy thoái kinh tế trong những quý tới, lại làm người tiêu dùng và nhà đầu tư càng co cụm lại, không dám tiêu dùng và đầu tư để phòng bị cho một tương lai càng xám xịt hơn. Bởi thế, nâng mạnh lãi suất chỉ có thể là một giải pháp nhất thời, chứ không thể kéo dài từ quý này sang quý khác được.

Tương tự như vậy là việc buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán ngoại tệ cho nhà nước (còn gọi là kết hối). Phàm cái gì là điều bắt buộc thì thường là điều không tốt, không có lợi cho các đối tượng bị chế tài, trong trường hợp này là các doanh nghiệp xuất khẩu. Việc kết hối này rõ ràng sẽ làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu này, nên sẽ khuyến khích họ tìm cách lách để không phải bán (nhiều) USD doanh thu cho nhà nước, hoặc, ngược lại, giảm động lực sản xuất kinh doanh của họ, từ đó giảm nguồn thu USD nói chung và lượng USD có thể bán cho nhà nước nói riêng. Thêm nữa, bản thân các đại gia năng lượng và khai mỏ nói trên của Nga lại đang hứng chịu ảnh hưởng của giá dầu và giá khoáng sản (kim loại, than, quặng sắt v.v...) tụt dốc nên sự đóng góp của chúng cho thị trường ngoại hối ở Nga sẽ càng có hạn, không thể kéo dài nhiều tháng được.

Như vậy, có thể thấy các biện pháp hiện tại của Nga chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, chỉ giúp họ mua thêm thời gian trước khi có những biện pháp cơ bản khác và hữu hiệu hơn được thực thi. Chừng nào cho đến lúc các biện pháp khác chưa được thực thi thì chừng đó vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ của họ đã kết thúc như họ đã tuyên bố.

Nhưng cái khó cho Nga là các biện pháp khác lại không có nhiều, hoặc không dễ thực thi, hoặc không phát huy tác dụng ngay trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu và khoáng sản yếu, không biết chừng nào mới hồi phục lại.

Các lựa chọn chính sách còn lại cho Nga là tiếp tục dùng dự trữ ngoại hối, tạm thời được cho là lớn, để ổn định tỷ giá; thi hành kiểm soát vốn (capital control); nhờ vả đến IMF (và “đồng minh” như Trung Quốc); và cải cách kinh tế để giảm phụ thuộc vào giá dầu, đồng thời khôi phục, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU để không chịu thêm các ảnh hưởng từ cấm vận và trừng phạt, vốn là một phần nguyên nhân của, và được khuyếch đại lên trong cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện thời.

Đáng lưu ý là hai trong số các biện pháp trên, dùng dự trữ ngoại hối và thi hành kiểm soát vốn, đã được Tổng thống Putin phủ nhận và/hoặc tuyên bố là không muốn/không áp dụng. Việc nhờ đến IMF (kèm theo là các điều kiện), một tổ chức vốn được coi là sân sau của phương Tây, chắc chắn sẽ là điều không hề dễ chịu với Nga, với niềm kiêu hãnh Nga.

Còn “đồng minh” Trung Quốc, tuy cũng đã bày tỏ thiện ý giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, nhưng bản thân “đồng minh” này cũng phải đang căng mình trợ giúp Venezuela nơi họ đã đổ nhiều tỷ USD vào, nên sự giúp đỡ “chí tình”, nếu có, và nếu không phải là lời nói đãi bôi, sẽ chỉ có giới hạn.

Trong khi đó, việc cải cách kinh tế, phát triển các ngành kinh tế phi dầu mỏ là những công việc mang tính dài hạn hơn, và không dễ mà thực hiện khi nền kinh tế Nga đã bị chi phối nặng nề bởi các tập đoàn lũng đoạn, các nhóm quyền lợi trong các lĩnh vực tài nguyên liên kết chặt chẽ với chính quyền. Còn việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU (đúng hơn là tuân theo cuộc chơi của họ), với Nga, xem ra là điều cuối cùng nước này muốn làm, có thể làm, trước khi thế giới sụp đổ!

Tóm lại, chừng nào Nga chưa đưa ra được một kế hoạch hữu hiệu từ ngắn hạn đến dài hạn, khôi phục lại được lòng tin trên thị trường rằng nước này sẽ thoát khỏi được cuộc khủng hoảng hiện tại nhờ kế hoạch đó thì chừng đó cuộc khủng hoảng tiền tệ, và hậu quả là suy thoái kinh tế, sẽ còn chưa tìm thấy lối thoát.

>> Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng của đồng Ruble đã kết thúc

Theo  TS PHAN MINH NGỌC

Cùng chuyên mục
XEM