Vụ chai nước ngọt có ruồi: Bắt bẻ luật sư nguyên đơn dự cung

20/12/2015 11:54 AM |

Luật sư Nguyễn Tấn Thi, bào chữa cho bị cáo Võ Văn Minh, cho rằng vụ án đã vi phạm tố tụng từ giai đoạn điều tra khi điều tra viên cho phép luật sư bảo vệ quyền lợi của Tân Hiệp Phát dự cung.

Phiên tòa xét xử bị cáo Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) tội “cưỡng đoạt tài sản” - người được cho là đã dùng chai nước ngọt có ruồi để cưỡng đoạt 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát - đã kết thúc với mức án 7 năm tù dành cho bị cáo Minh.

Tuy nhiên, phiên tòa đã để lại nhiều dấu hỏi trong dư luận.

Luật sư Thi cho rằng đây là hành vi vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng và đáng lẽ phiên tòa này không được xử bởi cần phải trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại theo đúng thủ tục tố tụng.

Tuy nhiên, đáp trả những tranh luận này của luật sư, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định luật pháp không cấm và điều tra viên có quyền dùng mọi biện pháp để điều tra.

Trong khi đó, Bộ luật tố tụng hình sự không có điều khoản nào qui định về việc luật sư của bị hại được tham dự những buổi lấy cung của bị can.

Sau phần đối đáp của đại diện Viện KSND tỉnh Tiền Giang trong phiên tòa, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tiền Giang để hỏi về ý kiến của lãnh đạo viện, nhưng vị lãnh đạo này đã từ chối đưa ra ý kiến đúng - sai với vai trò giám sát hoạt động tư pháp bởi đang trong thời gian nghỉ phép.

Trong khi đó, một lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng pháp luật quy định như thế nào thì điều tra viên chỉ được làm như vậy, không thể làm khác được.

Luật không quy định cho luật sư bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn dự cung thì luật sư này không thể có mặt trong buổi dự cung. Đó là quy định của pháp luật, buộc tất cả người tiến hành tố tụng phải tuân thủ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, khẳng định rằng hành vi cho luật sư của nguyên đơn dân sự tham dự các buổi lấy cung bị can là vi phạm thủ tục tố tụng.

Kể cả khi điều đó pháp luật không cấm thì điều tra viên cũng không được phép làm, bởi điều tra viên chỉ được làm những gì pháp luật quy định.

Lấy ví dụ cụ thể về việc vi phạm tố tụng nghiêm trọng này, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, khẳng định nếu cho rằng điều tra viên áp dụng mọi biện pháp nghiệp vụ để phục vụ công tác điều tra thì Bộ luật tố tụng hình sự không còn ý nghĩa gì trong hoạt động điều tra.

Bởi nếu muốn, điều tra viên hoàn toàn có thể cho người lạ, người không liên quan đến gặp và cùng hỏi cung bị can. Mà lời khai của bị can là những bằng chứng để làm rõ hành vi của bị can, mục đích của bị can, lỗi của bị can trong vụ việc.

Trong đó, bí mật điều tra là một trong những yếu tố quan trọng nhất của công tác điều tra vụ án hình sự.

Ông Hùng cũng cho rằng việc điều tra viên cho luật sư bên nguyên đơn dân sự tham gia hỏi cung làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị can và có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án.

Khi xảy ra vụ án này, ông Hùng nhận định hành vi của Võ Văn Minh có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc có cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản hay không còn phụ thuộc kết quả điều tra.

Ông Hùng băn khoăn rằng “nếu chai nước đó không phải của Tân Hiệp Phát thì lý do gì Tân Hiệp Phát phải sợ anh Minh?

Thực tế tòa đã tuyên rằng không thể khẳng định chai nước đó có phải của Tân Hiệp Phát hay không, vậy thì dù anh Minh làm gì đi chăng nữa cũng không thể đe dọa và uy hiếp được Tân Hiệp Phát. Như vậy liệu có đủ cấu thành tội “cưỡng đoạt tài sản” hay chưa?”.

Ông Phạm Công Hùng cũng cho rằng với những yếu tố đã phân tích thì các cơ quan tố tụng cần đánh giá, xem xét cặn kẽ tất cả các chi tiết để có được một bản án phù hợp với pháp luật và được dư luận chấp nhận.

“Một bản án tuyên xong mà không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội thì bản án đó không tải đủ được hết ý nghĩa của luật pháp” - ông Hùng nhận định.

* PGS.TS ĐỖ VĂN ĐẠI (trưởng khoa Luật dân sự Trường đại học Luật TP.HCM):

Anh Võ Văn Minh có thể kháng cáo

Theo dõi vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Võ Văn Minh cho thấy đây là một vụ việc đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận dù bản án đã được tuyên.

Về tội cưỡng đoạt tài sản đối với Tân Hiệp Phát thì cũng đã có những bản án khác, những tình huống xử lý khác diễn ra trước đó.

Dư luận cũng đang chia thành hai ngả, một bên cho rằng đó là giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp cung ứng sản phẩm. Nhưng một luồng ý kiến khác cho rằng hành vi của anh Minh đủ cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản và buộc phải xử lý hình sự.

Đây là một vấn đề còn nhiều tranh cãi ngay cả trong giới chuyên gia chứ không chỉ người dân, khách hàng nói chung. Tôi thấy rằng có thể còn có những vụ việc tương tự như vậy xảy ra. Vậy nên cần có một cái nhìn thống nhất về luật pháp để xem xét tất cả yếu tố liên quan.

Hiện nay, bản án đã được tuyên và chưa có hiệu lực pháp luật, tôi cho rằng anh Minh có thể kháng cáo để xét xử phúc thẩm ở tòa cấp cao nhằm được xem xét lại toàn bộ vụ án này. Và thậm chí có thể là một quyết định giám đốc thẩm.

Khi có một quyết định giám đốc thẩm thì nó tương tự một án lệ để được áp dụng rộng rãi. Còn ở các cấp sơ thẩm, họ có quyền đưa ra bản án độc lập, không bị ảnh hưởng bởi cấp trên.

H.ĐIỆP ghi

Theo HOÀNG ĐIỆP

Cùng chuyên mục
XEM