Viettel 'khuấy động' thị trường viễn thông Myanmar

18/12/2014 15:04 PM |

Mặc dù Myanmar vẫn là một quốc gia đang trong tình trang thiếu hụt khoảng 11% các dịch vụ di động, cạnh tranh trong tương lai giữa 4 nhà mạng viễn thông được dự báo sẽ vô cùng khốc liệt.

Sự ra mắt sắp tới của một nhà điều hành điện thoại di động thứ tư tại Myanmar - Viettel là một thách thức mới cho 'ông lớn' viễn thông Ooredoo tới từ Qatar, hãng viễn thông hiện đang xây dựng mạng lưới phủ sóng trên toàn lãnh thổ Myanmar, quốc gia được coi là một trong những thị trường viễn thông cuối cùng của thế giới.

Ngoài sự hiện diện của Viettel, hai đối thủ cạnh tranh hiện tại của Ooredoo là Telenor và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Myanmar (MPT).

Tuần trước, hãng Reuters đưa tin Viettel đang có kế hoạch xâm nhập vào thị trường Myanmar với số tiền đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.

Theo đó, Viettel và Yatanarpon Teleport – một công ty viễn thông nội địa của Myanmar ( trong đó MPT đang nắm giữ 51% cổ phần ) sẽ hợp tác với nhau để cùng phát triển. Cụ thể, Viettel sẽ liên doanh với Yatanarpon Teleport bằng khoản đầu tư ban đầu là 800 triệu USD. Phần còn lại 1 tỷ USD sẽ đến từ đối tác nước ngoài chưa được tiết lộ.

Trớ trêu thay, cổ đông lớn nhất của Yatanarpon là MPT sẽ trở thành nhà cạnh tranh trực tiếp của chính họ khi doanh nghiệp này cũng nắm giữ giấy phép cung cấp dịch vụ di động tại Myanmar. Gần đây, MPT đã hợp tác với các công ty Nhật Bản là KDDI Corp và Sumitomo Corp nhằm bổ sung thêm 2 tỷ USD để thiết lập mạng di động của riêng mình.

Tham gia đấu thầu giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông năm 2013 tại Myanmar cùng với Ooredoo và Telenor nhưng Viettel đã không nhận được giấy phép. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc của Viettel, ông Lê Đăng Dũng cho biết, sau khi trượt thầu công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm "những cơ hội hợp tác với các nhà thầu giành chiến thắng để tham gia vào thị trường viễn thông tại Myanmar."

Ở chiều ngược lại, kể từ khi nhận được giấy phép hoạt động, Yatanarpon Teleport đã không ngừng tìm kiếm các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông. Theo cơ cấu sở hữu, MPT đang nắm 51% cổ phần tại Yatanarpon Teleport, phần còn lại là các nhà đầu tư tư nhân trong nước. Trong đó có Elite Tech Co, công ty con của Htoo Group of Companies (HGC) thuộc quyền điều hành của ông trùm Tay Za - doanh nhân giàu có nhất Myanmar.

Trước khi quyết định kết hợp cùng Viettel, Yatanarpon Teleport đã có cơ hội thiết lập quan hệ đối tác với Tập đoàn True Corp (Thái Lan) và Axiata (Malaysia). Rốt cục, các cuộc đàm phán giữa các bên đã không đi đến thành công.

Như vậy, 4 cái tên sẽ cạnh tranh cùng nhau trên thị trường viễn thông Myanmar sẽ là Ooredoo, Telenor, MPT, và liên minh Viettel - Yatanarpon Teleport.

Vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua, Ooredoo và Telenor đã ra mắt dịch vụ di động mới. Động thái này ngay lập tức đã làm cho giá SIM điện thoại sụt giảm từ mức 150 USD xuống chỉ còn 1,50 USD. Cả hai doanh nghiệp này đã đưa ra giá đấu thầu rất cao để có được giấy phép hoạt động, đồng thời cần đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, chưa kể đến các chiến dịch marketing.

Ở một chiều hướng khác, đồng Kyat của Myanmar (MMK) hiện tại đang giảm giá, cùng với việc lạm phát gia tăng gây sức ép lên hàng hoá tiêu dùng dẫn đến sức mua thấp, các yếu tố này sẽ góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng trên mảng di động của doanh nghiệp viễn thông tại quốc gia này.

Trong tương lai, cạnh tranh giữa 4 doanh nghiệp hứa hẹn sẽ vô cùng khốc liệt và một mặt bằng giá mới có thể sẽ được thiết lập tại quốc gia này.

>> Viettel Global dự kiến đầu tư 1,8 tỷ USD vào mạng viễn thông tại Myanmar

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM