VietJetAir lên tiếng về sự cố 'chim trời va vào động cơ máy bay'

25/07/2013 14:50 PM |

VietJetAir vừa phát đi thông báo về sự cố 'Chim trời va vào máy bay' gây ảnh hưởng đến chuyến bay của hãng này ngày hôm qua (24/7/2013).

VietJetAir cho biết, để xử lý sự cố nói trên, chuyến bay sau đã phải tạm dừng, khách hàng được thông báo qua kênh truyền thông và lịch bay được điều chỉnh ưu tiên để không ảnh hưởng đến việc đi lại của hành khách. 

Ông Desmond Lin, Giám đốc phát triển kinh doanh của VietJetAir cho biết, sự cố này chỉ là va chạm nhỏ, không ảnh hưởng đến chất lượng chuyến bay, chỉ khi kiểm tra kỹ thì mới phát hiện vết va chạm và độ vênh của cánh quạt. Đội kỹ thuật đã yêu cầu phải tạm hoãn chuyến tiếp theo để đảm bảo an toàn bay tốt nhất cho hành khách. 

Ông Desmond Lin cũng nhận định: “Chim va vào động cơ máy bay là tình huống hi hữu nhưng cũng không phải là hiếm xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam. Đặc biệt vào mùa mưa, cỏ trên đường băng mọc nhiều hơn cũng là một yếu tố thu hút chim trời".

Không hiếm gặp ở Việt Nam

Ngày 25/2/2012, chuyến bay VN1267 chặng Vinh - TP. HCM của Vietnam Airlines gặp phải sự cố “dở khóc dở cười” khi vừa thực hiện lăn ra đường cất cánh thì tổ bay phát hiện 5 người và bò ung dung “dắt nhau” đi ngang qua đường băng. Chuyến bay này sau đó đã phải hoãn lại, đổi giờ khởi hành muộn so với kế hoạch để an ninh sân bay xử lý sự việc.

Ngày 29/02/2012, chuyến bay VN1187 chặng Hải Phòng - TP.HCM của Vietnam Airlines phải hủy cất cánh vì có chim trên đường băng.

Một năm trước (24/7/2012), một con bò tót xâm nhập sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) cũng dẫn đến việc Vietnam Airlines bị chậm 12 chuyến bay, ảnh hưởng tới 1.800 hành khách. 

Sự cố do chim trời, vật nuôi... gây ảnh hưởng đến hoạt động bay ở các sân bay nội địa hiện không còn là hiện tượng hiếm gặp. 

Các sân bay Cà Mau, Côn Đảo, Tân Sơn Nhất là có nguy cơ máy bay va đập phải chim cao nhất. Khu vực này gần các vườn chim ở Đồng bằng sông Cửu Long, hoặc ven biển nên có nhiều chim di cư…

Ngoài ra, có một số sân bay nằm gần khu vực dân cư, các hộ dân bên cạnh nuôi chim bồ câu và các loại vật nuôi, các sân bay lại không có rào chắn an ninh, nên một số loài vật có thể vào được khu vực sân bay như chó, mèo… 

Được biết, hiện nay các sân bay đều áp dụng biện pháp đuổi chim trời ra khỏi khu vực cất hạ cánh. Đơn cử như sân bay quốc tế Nội Bài, nhà chức trách phải triển khai đủ các phương án đuổi chim, thành lập cả một Ban đuổi chim, Ban này phải nhanh như lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh 113 để đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay tại đây.

Tuy nhiên, các biện pháp xua đuổi chim và động vật hoang dã vẫn sử dụng cách thức thủ công, thô sơ như dùng ô tô có còi hú, gõ vào thùng tôn, thù sắt, thuê quân đội dùng súng bắn… để tạo tiếng động đuổi con vật. 

Gây thiệt hại cho các hãng bay

Ông Desmond Lin cũng nhận định: "Mặc dù hiện nay, tại tất cả các sân bay quốc tế và tại Việt Nam đều có thiết bị xua đuổi chim trời, nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng này."

Các sự cố từ chim trời, người và động vật hoang dã tuy chưa gây ra tai nạn hàng không nghiêm trọng nào tại Việt Nam song những sự cố hy hữu trong vận tải hàng không cũng đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hãng hàng không.

Ví như thiệt hại kinh tế như khoản chi phí khai thác tăng lên trong thời gian trì hoãn bay (thuê tàu bay, dừng tàu bay tại sân đỗ, chi phí cho tổ bay), gây xáo trộn lịch bay của hành khách và phi hành đoàn, tăng chi phí nhân lực và vật lực đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách có mặt tại sân bay vàhình ảnh của hãng hàng không gặp sự cố.

Bạch Dương

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM