Việt Nam tăng trưởng vượt trội trong khu vực, nhưng vẫn dưới mức tiềm năng

08/01/2016 11:22 AM |

Theo ngân hàng ANZ, việc chậm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngành ngân hàng trong nhiều năm cũng khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

Theo ngân hàng ANZ, kinh tế Việt Nam sẽ có một năm tăng trưởng tốt trong năm 2016 nhưng triển vọng dài hạn còn tùy thuộc vào các chính sách ban hành thời gian tới.

Ngân hàng ANZ cho rằng kế hoạch kinh tế 5 năm tới của Việt Nam sau Đại hội Đảng sẽ là tăng trưởng bình quân GDP đạt 6,5-7%/năm trong khoảng 2016-2020.

Mức GDP bình quân đầu người sẽ tăng từ 2.170 USD lên 3.200-3.500 USD. Lạm phát mục tiêu ở mức dưới 5%, nợ công thấp hơn 65% GDP và thâm hụt ngân sách giảm từ 5-6% hiện tại xuống 4% GDP.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo là vẫn tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa gia tăng, tăng trưởng tín dụng khả quan. Động thái tái cơ cấu ngành ngân hàng và xử lý nợ xấu của chính phủ đã khiến thị trường tín dụng ấm trở lại.

Tuy vậy, việc chậm tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngành ngân hàng trong nhiều năm cũng khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng.


Chênh lệch GDP giữa thực tế và tiềm năng (output gap) cho thấy Việt Nam tăng trưởng chưa hết sức

Chênh lệch GDP giữa thực tế và tiềm năng (output gap) cho thấy Việt Nam tăng trưởng chưa hết sức

Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia tăng trưởng vượt trội trong khu vực nhưng cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần bởi tình hình giảm tốc kinh tế Trung Quốc.

Trước sự phát triển mạnh của ngành sản xuất, giao dịch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Tuy vậy, ngân hàng ANZ cho rằng Việt Nam vẫn sẽ có mức thâm hụt thương mại nhẹ cho năm 2016 do mức đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh trong năm trước.

Năm 2015, Việt Nam thâm hụt thương mại 3,2 nghìn tỷ USD nhưng con số này chỉ tương đương 1,95% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm và thấp hơn mức giới hạn 5% đề ra.

Dẫu vậy, ngân hàng ANZ nhận định thâm hụt thương mại Việt Nam có thể được hạn chế nhờ những chính sách điều chỉnh tỷ giá linh hoạt trên thị trường.

Đặc biệt việc điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá ngày 4/1/2016 có thể giúp chính phủ duy trì dự trữ ngoại hối cho đến khi cán cân thương mại cân bằng trở lại.

Ngân hàng ANZ cho rằng thặng dự thương mại sẽ sớm quay lại với Việt Nam khi xuất khẩu bắt đầu bùng nổ mạnh nhờ những khoản vốn FDI đầu tư trong thời gian trước đó.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM