Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư Nhật và Hoa Kỳ

01/11/2014 10:30 AM |

Một tờ báo điện tử khá uy tín của Nhật Bản công bố kết quả khảo sát, lần đầu tiên VN đã vượt Trung Quốc để trở thành môi trường đầu tư được ưa thích nhất của Cộng đồng kinh doanh Nhật Bản.

Phát biểu cuối cùng trong phiên họp Quốc hội sáng ngày 31/10, Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn đại biểu Thái Bình cho biết, sự quan tâm của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực.

Sự quan tâm chia sẻ thể hiện trong hệ thống chính sách liên quan đến DN, đó là việc ban hành Nghị quyết Doanh nhân, việc cởi trói cho doanh nghiệp, gỡ bỏ hàng rào về đầu tư kinh doanh, trợ giúp doanh nghiệp về vốn, thuế, thị trường …

Đặc biệt là nỗ lực đột phá cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của VN. Các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế như WB, ADB, IMF … đều có chung nhận định rằng công cuộc cải cách thể chế kinh tế VN đã đi đúng hướng. Các kết quả khảo sát cho thấy niềm tin môi trường kinh doanh tại VN đã tăng lên. Phần lớn các doanh nghiệp cho biết họ sẽ duy trì và mở rộng quy mô kinh doanh tại VN.

Khảo sát của phòng thương mại Châu Âu vào đầu tuần trước cho thấy gần 2/3 hội viên của họ đánh giá môi trường kinh doanh tại VN tốt và rất tốt.

Giữa tháng 9 năm nay, một tờ báo điện tử khá uy tín của Nhật Bản cũng công bố kết quả khảo sát, lần đầu tiên Việt Nam đã vượt Trung Quốc để trở thành môi trường địa bàn đầu tư được ưa thích nhất của Cộng đồng kinh doanh Nhật Bản.

KPMG cũng đưa ra kết quả, VN từ vị trí thứ 12 vươn lên vị trí thứ 4 trong các thị trường hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Hiện tượng Samsung chọn VN đặt cứ điểm sản xuất lớn nhất trên toàn cầu cũng là 1 minh chứng cho nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở nước ta.

Về bức tranh cộng đồng doanh nghiệp trong nước 10 tháng năm 2014, ông Lộc cho biết, có trên 60.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tăng vốn để mở rộng quy mô. 13.000 doanh nghiệp sau một thời gian khó khăn buộc ngừng hoạt động đã hoạt động trở lại, tăng so với cùng kỳ năm trước. Quy mô và hiệu quả hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. 10 tháng đầu năm, có thêm gần 54.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể; chỉ có trên 30% trong số 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh có lãi.

Đây là thách thức to lớn với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải định vị lại mình, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, phải làm ăn căn cơ bài bản, có trách nhiệm xã hội, tránh ăn sổi ở thì.

Để có thể kinh doanh đúng hướng, doanh nghiệp cần có sự hậu thuẫn, mở đường của nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn, các giải pháp trợ giúp đủ liều lượng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề cập một số giải pháp quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp và Cộng đồng doanh nhân như sau:

Cải cách thủ tục hành chính: thuế, hải quan phải giảm về mức trung bình của ASEAN-6, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội từ 872 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm; ngành tài chính phải thực hiện đúng lộ trình đã ấn định.

Cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm những gì không phù hợp với doanh nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhà nước cần tăng cường vai trò trong xây dựng chiến lược, ban hành luật pháp, hiếp pháp, bảo đảm thực thi pháp luật. Đồng thời, Nhà nước chủ động chuyển giao các dịch vụ công mà nhà nước không cần nắm giữ với lộ trình thích hợp; không chèn lấn sự phát triển của các tổ chức.

Thoái vốn nhà nước ra khỏi lĩnh vực kinh doanh, tập trung nguồn vốn kiến tạo phát triển, không bao biện, làm thay, kiểm soát xử lý có hiệu quả vấn đề nợ công.

Tiếp tục triển khai hỗ trợ công nghệ, thị trường, vốn, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

>> Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp FDI

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM