Việt Nam lấy tiền đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng 5 năm tới?

07/12/2015 19:14 PM |

Đây là câu hỏi của Ngân hàng Thế giới gửi tới chính phủ Việt Nam, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, và Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam thường niên (VDPF) diễn ra cuối tuần trước, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam – đã đặt ra dấu hỏi về nguồn vốn tới chính phủ Việt Nam.

Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu ra để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?"

"Hiện nay, khi các nguồn vốn ưu đãi đã thu hẹp dần, Việt Nam sẽ phải dựa vào nguồn thu trong nước là chính. Nhưng tỉ lệ thu trên GDP đã thể hiện xu thế giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%”, bà Victoria nói.

World Bank cũng đưa ra khuyến nghị: Tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ.

Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.

“Tốt nghiệp” ODA, Việt Nam càng cần các hướng dẫn sử dụng vốn rõ ràng

“Thực tế là, việc Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình sẽ làm giảm đi các cơ hội tiếp cận với nguồn hỗ trợ vay ưu đãi từ các ngân hàng phát triển đa phương”, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho biết.

Tuy nhiên, khả năng tận dụng tối đa nguồn lực ODA của Việt Nam lại khá hạn chế bởi các chính sách phức tạp không cần thiết và làm kéo dài quá trình chuẩn bị và phê duyệt của các dự án do bên ngoài tài trợ, làm giảm hiệu suất và hiệu quả của nguồn tài chính bên ngoài đối với việc hỗ trợ cho sở hạ tầng.

Các đối tác phát triển cho rằng cần ưu tiên cung cấp thông tin rõ ràng hơn về việc sử dụng nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực xã hội. Khi các nguồn viện trợ đa phương giảm và Việt Nam “tốt nghiệp” nguồn vốn vay ODA ưu đãi, cần có một chính sách rõ ràng để hướng dẫn các nguồn đầu tư trong tương lai cho những lĩnh vực này.

Các đối tác phát triển kiến nghị: Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với nhau để đưa ra hướng dẫn trong việc sử dụng nguồn vốn ODA không ưu đãi nhằm hỗ trợ cho các nguồn đầu tư cho các lĩnh vực xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sau giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng dưới 6%, kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong 5 năm tới, với mức tăng trung bình 6,5-7%.

Giá trị GDP/đầu người cũng sẽ đạt 3.200-3.500 USD vào năm 2020, tăng thêm khoảng 1.000 USD so với hiện nay. Năng suất các yếu tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 – 35%.

Bộ trưởng Vinh cũng cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế còn yếu nên cần được hỗ trợ về các nguồn lực, kinh nghiệm cần thiết của các quốc gia, tổ chức trên thế giới để nhanh chóng hòa nhập và phát triển, vượt qua nhiều thách thức như năng suất lao động, cải cách cơ cấu kinh tế, cải cách DNNN, bẫy thu nhập trung bình, cải cách tài chính và ngân hàng…

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM