Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ Hàn từ chối đàn ông?

28/07/2015 08:27 AM |

Phụ nữ càng trì hoãn hay nói không với hôn nhân thì đàn ông càng lo âu khốn đốn.

“Phương án B”, một cuốn cẩm nang dành cho những người phụ nữ đơn thân sống tại Seoul, thủ đô của Hàn Quốc, đã mở đầu với một vài câu hỏi nhỏ. “Bố mẹ của bạn luôn rầy la vì bạn muốn sống một mình?” hay “Bạn thường được dạy rằng niềm hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ là được làm vợ và làm mẹ?”. Quá nhiều sự “dạy bảo” như vậy sẽ dẫn người đọc vào một thế giới màu hồng - thiếu đi sự chuẩn bị cho một cuộc sống đơn thân khắc nghiệt trong cái xã hội Hàn Quốc đầy bảo thủ.

Cuốn sách đã được biên soạn bởi tổ chức chính quyền đô thị Seoul và Unni Network, một tổ chức dành cho phụ nữ. Cuốn sách đã được đưa đến 600 công sở và địa điểm công cộng, hướng dẫn những mẹo vặt để tự bảo vệ bản thân, đưa ra những bài viết hay về cuộc sống đơn thân và những thông tin về các hộp đêm cho những người độc thân trẻ tuổi. Chỉ từ năm 1990 đến 2010, lượng người độc thân đã tăng hơn gấp đôi và hiện đang chiếm 16% tổng số hộ gia đình ở Seoul. Cứ 10 người Hàn Quốc thì có đến 4 người không kết hôn, đây là tỷ lệ cao nhất trong 34 nước thuộc OECD. Ở Seoul, hơn một phần ba số phụ nữ có bằng cấp học vị đang độc thân.

Một nguyên nhân của tình trạng này là chi phí đám cưới. Thường thì chi phí này sẽ do chú rể chịu trách nhiệm, bao gồm cả một căn nhà cho đôi vợ chồng mới cưới. Đây là một trở ngại lớn đối với rất nhiều người. Một nguyên nhân khác là vào những năm 1980, do mong muốn có con trai mà nhiều gia đình đã bỏ đi những thai nhi là bé gái. Đến nay, cứ 7 người đàn ông thì sẽ có 1 người không thể lập gia đình do sự mất cân bằng giới tính.

Hơn nữa, phụ nữ ngày càng tài giỏi với những bằng cấp tốt và công việc ổn định, họ muốn tìm những người chồng “môn đăng hậu đối” nên việc kết hôn lại càng khó hơn. Rất nhiều phụ nữ giờ đây không còn tư tưởng về nghĩa vụ của một người vợ truyền thống nữa. Vì vậy, độ tuổi kết hôn từ 25 tuổi vào năm 1995 nay đã tăng lên 30 tuổi.

Nhưng xã hội vẫn chưa theo kịp những tư tưởng mới này. Tổ chức Unni Network muốn phổ biến hóa từ bihon (độc thân) để thay thế cho từ mihon (chưa kết hôn). Unni Network đã tổ chức những buổi bihonshik công khai, là buổi lễ kỷ niệm cho những phụ nữ không kết hôn và thề sẽ sống độc thân hạnh phúc mãi mãi.

Một số studio còn tổ chức những buổi “đám cưới đơn thân” - nơi mà những phụ nữ không kết hôn sẽ được mặc váy cưới và chụp ảnh.

Park Hong-joon, chủ một tiệm ảnh ở Seoul, đã nghe được nguyện vọng của khách hàng rằng họ muốn được chụp những bức ảnh trọng đại của mình khi họ vẫn còn trẻ trung rực rỡ nhất. Anh này giờ còn kèm thêm dịch vụ thuê váy cưới và tạo mẫu trong những gói chụp “ảnh cưới đơn thân” của tiệm.

Anh Park chia sẻ: “Các khách hàng đôi khi cũng mời cả bạn bè tham gia vào những buổi chụp ảnh đó bởi lẽ không nhiều phụ nữ ở tuổi 30 hay 40 lại muốn có những bức ảnh chân dung treo trong nhà. Một số người mong rằng sau này họ sẽ có thể thêm ảnh của chồng tương lai vào. Một số khác lại muốn ăn mừng việc sống độc thân của mình”. Ở Nhật Bản, nơi khai sinh ra ý tưởng chụp ảnh này, có một tiệm đã đưa ra dịch vụ thuê người mẫu nam làm chú rể, nhưng không một khách hàng nữ nào chọn sử dụng dịch vụ đó.

“Nhiều người đàn ông đã tỏ ra khinh miệt những lễ cưới đơn thân đó”, anh Park nói, “và họ cho đó là điều ngu xuẩn”. Một số thì chỉ trích những vụ “đình công” trong kết hôn của phụ nữ là ích kỷ. Họ muốn phụ nữ tiếp tục gánh vác hầu hết các công việc gia đình, chăm sóc con cái và bố mẹ chồng. Ngay cả những câu lạc bộ trực tuyến giành cho đàn ông có tư duy hiện đại, như “I Love Soccer”, cũng chế nhạo nữ quyền và coi những diễn đàn cho phụ nữ chỉ là thứ ấu trĩ. Tỷ lệ sinh ở hầu hết các nước phát triển đã tụt dốc không phanh, và Hàn Quốc là nước dẫn đầu của sự sụt giảm tỷ lệ đó.

Giảng viên nghiên cứu về giới tính, Kwonkim Hyun-young của đại học Sungkhonghoe - Seoul, nói rằng: “Liên tiếp qua các nhiệm kỳ, chính phủ đã xem việc khuyến khích mô hình hôn nhân truyền thống là cách để thúc đẩy tỷ lệ sinh con. Nhưng có vẻ như là lực bất tòng tâm”.

Hãy cứ cho rằng còn nhiều sự kỳ thị đối với việc kết hôn đi, thì số lượng các cặp đôi sống chung không qua hôn nhân tại Hàn Quốc cũng chỉ chiếm 0,2% so với 10% ở Anh và 19% ở Thụy Điển. Nhiều phụ nữ đã chọn sống một mình chứ không chung đụng. Và rất nhiều cặp đôi sau khi kết hôn cũng chỉ sinh 1 con, số lượng trẻ được sinh ra là con thứ đã sụt giảm 37% chỉ trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2013. Mặc cho nhiều người mong đợi sự trở lại của các bà mẹ như ở những năm 1960, nhiều phụ nữ Hàn Quốc vẫn chọn cho mình một cuộc sống đơn thân độc lập.

Vinh Lê

Cùng chuyên mục
XEM