Vì sao lời hứa giảm lãi suất cho vay của Thống đốc Bình khó thực hiện?

25/02/2015 13:57 PM |

“Lời hứa giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống khoảng 7-9% của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là vấn đề nan giải... Doanh nghiệp chúng ta vừa mới lấy lại chút ít lòng tin, vừa mới được cứu lên khỏi mặt nước, lại bị đòn lãi suất nữa giáng xuống thì toàn bộ tinh thần của họ sẽ sụp đổ” - TS. Lê Xuân Nghĩa.

Nội dung nổi bật:

- Đường cong lãi suất đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 4/2014 thay vì đi ngang như trước đó. Nếu đường cong này bị nâng lên 1 bậc, lời hứa giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ khó thực hiện.

- Doanh nghiệp chúng ta vừa mới lấy lại chút ít lòng tin, vừa mới được cứu lên khỏi mặt nước, lại bị đòn lãi suất nữa giáng xuống thì toàn bộ tinh thần của họ sẽ sụp đổ.

- TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán: Nếu không cẩn thận, mặt bằng lãi suất sẽ được thiết lập trở lại ở mức cao hơn một chút vào khoảng Quý III/2015.


Lãi suất có khả năng giảm nhưng...

Trong một hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của một ngân hàng tại Hà Nội vào trung tuần tháng 1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm 2015, chính sách tiền tệ cơ bản giữ vững như hiện nay; trong đó, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn có thể hạ xuống thêm 1%, hướng tới mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống dưới 10%.

Dự tính của ông Bình là đưa lãi suất (lãi suất cho vay trung và dài hạn – PV) về khoảng 7 – 9%. Đây là một lời hứa có tính thông báo chính thức của Ngân hàng Nhà nước” – TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định.

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD). Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

“Trên thực tế, chúng ta thấy khả năng có thể thực hiện được ở mức đó, hoặc thấp hơn chút nữa. Bởi vì, ngân hàng thương mại hiện nay mệt mỏi, chán chường vì suy giảm tín dụng. Lợi nhuận của họ đã giảm từ mức ROE (tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) khoảng 14 – 15% bình quân toàn ngành. Có những ngân hàng như ACB, ROE lên tới 25 – 30%, giờ chỉ còn 7 - 8%. Có những ngân hàng còn 3,5 – 3,6%. Đấy mới là lãi tính toán không trung thực”.

“Nếu các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nếu các khoản nợ xấu được công khai minh bạch, hay nói cách khác, nếu tính đúng, tính đủ thì lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn rất thấp”.

Tỷ suất ROE, ROA của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 2008 - 2012.

Tỷ suất ROE, ROA của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từ năm 2008 - 2012.

Trong năm 2014, lãi suất cho vay ngắn hạn đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm về mức 7 – 8%/năm.

Với lãi suất cho vay trung và dài hạn, theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu tiếp tục hạ thêm lãi suất cho vay trung và dài hạn từ 1-1,5%/năm và hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, lời hứa giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không dễ thực hiện.

Không cẩn thận, doanh nghiệp Việt sẽ bị giáng thêm đòn lãi suất

Trong khi trái phiếu Chính phủ trở thành một kênh cứu cánh cho các ngân hàng thương mại, dựa vào đó để mua và giữ lợi nhuận ở mức rất thấp, thì đây cũng lại là kênh có khả năng làm cho lời hứa của Ngân hàng Nhà nước trở nên vô cùng nan giải.

“Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Đường cong lãi suất lâu nay vẫn nằm ngang. Ngắn hạn cũng lãi suất đó, dài hạn cũng lãi suất đó, rủi ro ít cũng lãi suất đó, rủi ro nhiều cũng lãi suất đó. Bắt đầu từ tháng 4/2014, đường cong đã bắt đầu xuất hiện, lãi suất tăng theo kỳ hạn và tăng theo rủi ro, tức cấu trúc kỳ hạn và cấu trúc rủi ro của lãi suất đã xuất hiện”.

“Điều này cho thấy tài chính tiền tệ và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã bắt đầu trở lại thị trường, theo quy chế thị trường. Nhưng nếu Chính phủ cứ tiếp tục phát hành trái phiếu nhiều như vậy, rất có thể sẽ làm cho đường cong lãi suất bị nâng lên 1 bậc, khiến cho lời hứa giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước trở thành một vấn đề rất khó” – TS. Nghĩa phân tích.

[Xem thêm] Thống đốc: “Phải nắn chỉnh lại thị trường tài chính”

Theo thống kê, năm 2014, Chính phủ phát hành khoảng 210.000 tỷ đồng trái phiếu, chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Năm 2015, dự kiến có thể phát hành tới 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

“Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp gần đây của nhóm cố vấn: Chúng ta phải rất cảnh giác sẽ thiết lập một đường cong lãi suất mới khi mà các doanh nghiệp chúng ta vừa mới lấy lại chút ít lòng tin, vừa mới được cứu lên khỏi mặt nước lại bị đòn lãi suất nữa giáng xuống thì toàn bộ tinh thần của họ sẽ sụp đổ. Như vậy, rất nguy hiểm. Cho nên, điều lớn nhất, quan trọng nhất chúng tôi cảnh báo tới Nhà nước và Ngân hàng Trung ương, Bộ Tài chính là tuyệt đối không để đường cong lãi suất thiết lập mặt bằng mới” – ông Nghĩa nói.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng: Một phần nguồn vốn của các ngân hàng sẽ được hút sang trái phiếu Chính phủ khi một lượng lớn trái phiếu sẽ được phát hành trong năm 2015 với lãi suất “mềm”.

TS. Cung cũng cho rằng có khả năng các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm lãi suất do hiện nay, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lạm phát, giữa lãi suất cho vay và huy động lớn. Tuy nhiên, ông Cung cho rằng: “Sức khỏe” tài chính của các ngân hàng thương mại khác nhau, chưa lành mạnh khiến hoạt động cho vay mới còn hạn chế, phần không nhỏ là đáo hạn để giảm lãi suất khoản vay cũ.

“Vì lẽ đó, dư địa giảm lãi suất ồ ạt trên diện rộng khó có thể xảy ra. Thay vào đó, giảm lãi suất cho vay chỉ có thể diễn ra tại một số ngân hàng thông qua việc vận động từ phía Ngân hàng Trung ương và công cụ hỗ trợ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tiền gửi VNĐ với số ngân hàng này”- ông Cung nói.

Ông Lê Xuân Nghĩa cảnh báo: Nếu không cẩn thận, mặt bằng lãi suất sẽ được thiết lập trở lại ở mức cao hơn một chút vào khoảng Quý III/2015. “Đấy là điều chúng tôi cùng với các cơ quan hữu quan cho rằng cần hết sức tránh. Chúng ta phải cố gắng duy trì lãi suất ở mức thấp và tốt nhất là thấp hơn chút nữa trong một thời gian tương đối dài, mới có thể phục hồi lại sự cạnh tranh này được”.

Lãi suất cho vay trung dài hạn tại VN cao gấp 2 lần các nước trong khu vực

Trong một hội thảo mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biêt: Hiện mức lãi suất trung dài hạn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vay là 12 -14%/năm, trong khi doanh nghiệp các nước trong khu vực như Thái Lan vay đầu tư chỉ 5 -6%/năm…

Năm 2015, Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), theo đó, sẽ giảm thuế suất nhập khẩu hàng hóa dần về 0%. Lãnh đạo Hiệp hội quan ngại: Lúc này, hàng từ Bangkok về TPHCM cũng tương đương hàng ở Hà Nội chuyển vào, vậy làm sao hàng Việt và doanh nghiệp trong nước cạnh tranh nổi với hàng ngoại?

 

Bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp dòng vốn ngắn hạn

Trả lời phỏng vấn VnEconomy mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu chỉ cung cấp dòng vốn ngắn hạn và các loại dịch vụ, còn vốn đầu tư dài hạn thì phải đẩy sang thị trường vốn.

Một nền kinh tế muốn đầu tư phát triển thì phải nhìn vào thị trường vốn, không thể cứ trông sang ngân hàng. Nếu cứ duy trì mãi như vậy càng làm méo mó chức năng thị trường vốn ngắn hạn và trung, dài hạn trong hệ thống ngân hàng.

Theo VnEconomy

>> TS Lê Xuân Nghĩa: '20 năm nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn nằm trong bệnh viện'

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM