Vì sao hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp?

03/01/2015 12:17 PM |

Xuất khẩu cán mốc 150 tỉ USD, chưa vội mừng vì sản phẩm XK của VN đang ở khâu cuối của chuỗi giá trị. Nghĩa là chỉ còn công đoạn lắp ráp thành phẩm rồi xuất đi. Có ý kiến cho rằng, như vậy là XK “hộ” các nước trong khu vực, ăn đơn giá gia công thấp. Công đoạn cho giá trị gia tăng lớn lại nằm ở... nước ngoài. Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công Thương) ông Trần Thanh Hải đã lý giải điều này.

Thưa ông, nhìn vào con số tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2014, có thể thấy nỗ lực rất lớn của các DN. Tuy nhiên, nếu “mổ xẻ” sâu thì các mặt hàng chủ lực XK vẫn thiên về gia công, giá trị gia tăng thấp?

- Trước hết phải khẳng định XNK năm 2014 là một “điểm sáng”. Nhờ có tăng trưởng XK mà các cân đối vĩ mô được giữ vững. Bên cạnh KNXK thì năm 2014 cũng ghi nhận con số xuất siêu kỷ lục - xấp xỉ 2 tỉ USD. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, VN xuất siêu, nhưng những năm trước, mức xuất siêu chưa vượt qua 1 tỉ USD. Đằng sau các con số này cũng ghi nhận sự phục hồi của các nhóm ngành công nghiệp (CN), trong đó nhóm CN chế biến có mức tăng trưởng cao như dệt - may, da giày, sản phẩm điện tử, máy tính...

Bên cạnh đó, cơ cấu XK với tỉ trọng CN chế biến chiếm 73,5%, giảm dần XK các mặt hàng nguyên liệu khoáng sản thô đã cho thấy hướng đi đúng của chiến lược XNK. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đánh giá tăng trưởng XK chủ yếu vẫn ở những mặt hàng do khối FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào thâm dụng lao động và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Điều này là một thực tế và Bộ Công Thương đang yêu cầu các DN FDI phải tích cực thực hiện cam kết trong giấy phép đầu tư là tăng tỉ lệ nội địa hoá (NĐH) để tăng hàm lượng giá trị gia tăng tại VN.

Khi hội nhập sâu với thế giới, để DNVN “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu không đơn giản. Nhất là, một thời gian dài, chúng ta đã không có biện pháp kiên quyết để các DN FDI đầu tư sản xuất linh - phụ kiện trong nước. Khi các dòng thuế trở về 0% thì có khả năng các DN FDI sẽ chuyển từ sản xuất sang thương mại, xem VN là thị trường tiêu thụ sản phẩm?

- Khi gia nhập WTO (năm 2007), VN đã mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, cho phép các DN FDI đầu tư vào cả sản xuất và thương mại, đồng thời có chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập DN... Đổi lại, các DN FDI phải cam kết đạt một tỉ lệ NĐH nhất định trong hàm lượng sản phẩm XK. Tuy nhiên, một số DN FDI không tuân thủ cam kết, điển hình là trong các lĩnh vực lắp ráp máy tính, điện thoại, ôtô, thời gian tới cần đưa vào những chế tài mạnh mẽ hơn để họ chấp hành cam kết này.

Trên thực tế, không chỉ các DN FDI, mà nhiều DN trong nước đã có chuyển biến vì họ nhận thức được việc đầu tư NĐH là biện pháp để tăng sức cạnh tranh của hàng XK, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Các DN như ôtô Xuân Kiên, Trường Hải đã làm được điều này.

Một vấn đề nữa mà thời gian qua dư luận quan ngại là VN đang bị lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với mức thâm hụt thương mại lên tới 30 tỉ USD. Có cách nào để giảm sự phụ thuộc vào thị trường này, cả ở khía cạnh xuất và nhập khẩu?

- VN đang tham gia mạnh mẽ vào các Hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương thì ngoài mục đích nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trong nước thì mục tiêu tìm kiếm các thị trường tốt, giá cả hợp lý để thâm nhập cả ở khía cạnh XK và NK chính là nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào.

Ngoài các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, VN đang đàm phán để tham gia các Hiệp định thương mại toàn cầu như TPP. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng XK lớn như dệt - may, da giày, đồ gỗ... đang có chương trình đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Chẳng hạn, Vinatex đang lên chương trình đầu tư các KCN sản xuất vải tập trung nhằm tăng tỉ lệ NĐH dệt- may lên 55% vào năm 2017.

- Cảm ơn ông.

Cùng chuyên mục
XEM