Vì sao châu Âu không còn sợ khí đốt của Nga?

15/01/2015 22:04 PM |

Vẫn còn nhớ cú sốc năm 2006 và 2009, khi Nga cắt nguồn cung khí đốt và khiến châu Âu náo loạn, EU đã thực hiện một loạt thay đổi tuy gây nhiều tranh cãi nhưng giờ đây đã phát huy hiệu quả.

Một mùa đông khá ấm áp và những chính sách cứng rắn của Liên minh châu Âu đã làm cùn đi “lưỡi dao” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định là một trong những vũ khí lợi hại nhất trong chính sách ngoại giao: khí đốt xuất khẩu.

Trái ngược với một vài dự đoán, mùa đông này khí đốt của Nga vẫn chảy vào châu Âu thông qua 4 đường ống dẫn chính. Trong khi đó, dự án chủ chốt của điện Kremlin mang tên “dòng chảy phương Nam” rơi vào trạng thái mơ hồ. Đến nay, EU lại tập trung vào việc đẩy mạnh điều tra Gazprom – nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga – vì đã thực hiện những hành vi chống lại cạnh tranh công bằng trong nhiều năm qua.

Tại sao Nga lại để mất khả năng kiểm soát nguồn khí đốt của châu Âu?

Các nhà hoạch định châu Âu hẳn vẫn còn nhớ cú sốc của năm 2006 và 2009, khi Nga cắt giảm nguồn khí đốt cung cấp cho Ukraine trong cuộc tranh cãi nảy lửa về giá cả và nợ. Điều này dẫn đến những cuộc khủng hoảng khí đốt, buộc các nhà máy ở nhiều nước như Slovakia và Hungary phải đóng cửa. Những nước giàu có ở Tây Âu như Đức cũng phải vội vã đi tìm nguồn năng lượng thay thế.

Hiện nay, 1/3 lượng khí đốt châu Âu tiêu thụ đến từ Nga và một nửa trong số đó đi qua các đường ống chằng chịt ở Ukraine. Các chính trị gia đã quyết định rằng tầm ảnh hưởng của Nga đối với nguồn cung khí đốt ở Đông Âu đem đến cho điện Kremlin một ưu thế đáng gờm về mặt chính trị.

Nhận thức được điều này, EU đã thực hiện những thay đổi lớn. EU thúc đẩy việc tự do hóa thị trường khí đốt được biết đến với tên gọi “Gói năng lượng thứ ba”. Dự án này gây nhiều tranh cãi nhưng tỏ ra hiệu quả: Nga không còn có thể sở hữu và kiểm soát các đường ống ở trong lãnh thổ EU.

EU cũng củng cố sức mạnh của hệ thống cung cấp khí đốt, lấy tiền thuế của dân đầu tư vào các mối nối mới giữa các quốc gia phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu từ Nga.

Những biện pháp này đã viết lại luật lệ. Nếu nguồn cung từ Đông Âu bị gián đoạn, các nước bị ảnh hưởng có thể nhập khẩu khí từ nơi khác. Đến tháng 12, Lithuania, nước từng phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga, đã nhập khẩu khí hỏa lỏng từ Na Uy.

Lượng khí đốt mà Ukraine nhập khẩu từ phương Tây cũng tăng vọt. EU đã phá vỡ thỏa thuận về nợ và giá giữa Ukraine và Nga mà theo thỏa thuận này đáng lẽ dòng khí đốt vẫn chảy ít nhất là cho tới quý I/2015. Thêm vào đó, mùa đông ấm áp có nghĩa là lượng khí đốt mà châu Âu tiêu thụ sẽ giảm xuống. Kể cả khi Nga cố gắng làm gián đoạn nguồn cung, ảnh hưởng cũng không lớn.

Trên thực tế, Nga còn có những mối lo ngại khác. Giá dầu thấp đang hủy hoại két tiền của điện Kremlin. Tháng 12 năm ngoái, ông Putin hủy Dòng chảy phương Nam – dự án 40 tỷ USD dẫn khí từ Nga đến Trung Âu đi qua biển Đen và vùng Balkans sau khi dự án này lâm vào một số rắc rối.

Có nhiều khả năng EU sẽ gây sức ép buộc Croatia mở đường ống nhập khẩu và trạm khí hóa lỏng ở bờ biển Adriatic. EU cũng đã “khai hỏa” vũ khí lớn nhất chống lại Nga: buộc tội các doanh nghiệp Nga thực hiện chế độ phân biệt giá và lạm dụng thị trường từ năm 2004 (sau nhiều năm điều tra).

Động thái này sẽ gây ra nhiều thay đổi về mặt pháp lý cho mô hình kinh doanh của Gazprom và có thể kéo theo nhiều khoản phạt khổng lồ. Năm ngoái, cuộc điều tra này bị hoãn lại vì lý do chính trị (trước khủng hoảng ở Ukraine, EU lo ngại mối quan hệ với Nga sẽ xấu đi). Giờ đây, cuộc điều tra đã quay trở lại và sẽ gây ra không ít rắc rối cho Nga.

>> Nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt, châu Âu có chết cóng?

Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM