Uber: Giành giật thị phần, ngại gì... chơi bẩn

25/11/2014 09:20 AM |

Trong làng kinh doanh Mỹ, đôi lúc tiếng xấu lại đồng nghĩa với lợi nhuận.

Mặc dù mới chỉ có 5 năm tuổi đời, Uber, một công ty Mỹ kết nối các khách có nhu cầu đi taxi với tài xế thông qua ứng dụng smartphone, đã kịp sưu tầm nhiều "kỷ lục".

Công ty đã huy động thành công 1,5 tỷ USD vốn đầu tư, hiện được thị trường định giá tại hơn 17 tỷ USD.

Uber đã mở rộng hoạt động tới 229 thành phố tại 46 quốc gia. Nhiều thông tin chưa được xác thực cho biết công ty thu về 1 tỷ USD mỗi tháng.

Nhưng có vẻ theo thời gian, từ hình ảnh của một anh hùng, Uber đang dần được truyền thông khắc họa như một nhân vật phản diện.

Đấu đá với báo chí

Ban đầu, Uber được tung hô khi làm đảo lộn ngành công nghiệp taxi kinh doanh độc quyền, giá cắt cổ nhưng dịch vụ tệ hại. Giờ đây, công ty lại phải đối mặt với đủ các cáo buộc sử dụng mánh khóe mờ ám.

Uber đã mở rộng hoạt động tới 229 thành phố tại 46 quốc gia.  

Uber đã mở rộng hoạt động tới 229 thành phố tại 46 quốc gia.  

Ngày 17/11, truyền thông đồng loạt đưa tin Phó Chủ tịch Uber - ông Emil Michael - đã tuyên bố sẽ rót 1 triệu USD, thuê đội thám tử để bới móc đời tư của các phóng viên từng viết bài tiêu cực về Uber.

Đặc biệt, ông nhắc tới đích danh nhà báo Sarah Lacy, Tổng biên tập trang công nghệ PandoDaily.

Cô này từng viết một số bài báo chỉ trích chỉ trích Uber, cáo buộc công ty này “phân biệt giới tính”. Nhà báo này cho biết cô đã xóa ứng dụng Uber khỏi điện thoại.

Ngay sau đó, ông Michael đã lên xin lỗi về phát ngôn, thanh minh rằng ông không nghĩ câu chuyện bên lề đó lại bị ghi âm.

Tổng Giám đốc Uber - ông Travis Kalanick - thì khẳng định “bình luận của ông Michael là thiếu tính nhân văn, xa rời giá trị và lý tưởng của chúng tôi”.

Tuy nhiên ông Travis gạt đi lời kêu gọi ông Michael từ chức.

Tìm về sâu xa, phát biểu trên của ông Michael là kết quả của một màn "võ mồm" nảy lửa giữa Uber và nhà báo Lacy.

Uber đang dần bị truyền thông khắc họa như một nhân vật phản diện. 

Uber đang dần bị truyền thông khắc họa như một nhân vật phản diện. 

Cô cho rằng ông Travis, người nổi tiếng với lập trường tự do chủ nghĩa và hiếu chiến, là một ví dụ điển hình của "vấn đề thối tha" tại Thung lũng Silicon. Đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư mạo hiểm đang rót ngày càng nhiều tiền cho các doanh nhân thiếu cẩn trọng, vô đạo đức.

Gần đây nhất, cô buộc tội Uber "phân biệt giới tính" khi chi nhánh công ty tại Lyon, Pháp, đã gợi ý "dịch vụ" ghép đôi hành khách với các nữ lái xe "nóng bỏng". Sau cùng, cô tuyên bố đã gỡ Uber khỏi điện thoại.

Chính quyền để mắt

Uber chưa bao giờ chùn bước trước dư luận. Trong kế hoạch làm xáo trộn thị trường taxi, công ty này đã nhiều lần tảng lờ các quy định địa phương, nhiều lần phải hầu tòa trước những đơn khiếu nại yêu cầu cấm dịch vụ.

Tháng Chín vừa qua, Tòa án Frankfurt, Đức đã chính thức ban hành lệnh cấm Uber trên toàn nước Đức. Theo quy định tại nước này, tài xế taxi phải có giấy phép hành nghề, lai lịch đầy đủ và cam kết bảo đảm sự an toàn cho hành khách.

Tòa án cho rằng phương pháp kinh doanh của Uber tiềm tàng nhiều nguy cơ đối với hành khách. Ngoài ra, hình thức hoạt động của Uber cũng đe dọa tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh với hiệp hội taxi được cấp phép chính thức tại Đức.

Cạnh tranh bằng mánh khóe

Gần đây, Lyft - kỳ phùng địch thủ của Uber trong thị trường ứng dụng taxi - đã lên tiếng tố Uber giật khách bằng các mánh "bẩn". Theo đại diện phía Lyft, Uber đã cài người giả làm hành khách gọi điện đặt xe của Lyft, sau đó chỉ đi một đoạn đường cực ngắn.

Lyft đã lên tiếng tố Uber giật khách bằng các mánh "bẩn".

Lyft đã lên tiếng tố Uber giật khách bằng các mánh "bẩn".

Chiêu này được xài hàng chục lần, lặp đi lặp lại trong ngày, không chỉ làm tắc nghẽn ứng dụng của Lyft mà còn làm hao hụt số lượng tài xế có sẵn để đón cuộc gọi từ khách.   

Chưa hết, Nhật báo phố Wall đã đăng tải một email Uber gửi cho tài xế, cho biết công ty sẽ thưởng tiền cho các xế nếu "rủ rê" được một lái xe đang làm việc cho Lyft về đầu quân. Số tiền thưởng tăng lên nếu các bác tài thuyết phục được các nhân viên cấp cao hơn của Lyft tới gia nhập Uber.

Bản thân ông Travis cũng từng thừa nhận có "can thiệp" vào quá trình gây quỹ của công ty đối thủ. Mỗi khi Lyft phát động chiến dịch huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, Uber cùng lúc cũng đánh tiếng đang chuẩn bị kêu gọi một lượng lớn vốn.

Vẫn sống "khỏe"

Tác động của mạng lưới tới hoạt động của một ứng dụng taxi là vô cùng lớn: Khi công ty tuyển dụng được thêm tài xế, thời gian đón khách được rút ngắn, từ đó thu hút thêm khách. Khi số lượng khách hàng tăng, các tài xế sẽ thấy hấp dẫn và đăng ký đầu quân cho công ty để có nguồn thu cao hơn.

Xe hơi gắn râu hồng - đặc điểm nhận dạng của xe hãng Lyft. 

Xe hơi gắn râu hồng - đặc điểm nhận dạng của xe hãng Lyft. 

Vòng tuần hoàn này khiến Uber không ngần ngại đưa ra các biện pháp mạnh tay và có phần "lạnh lùng". Tuy nhiên, chiến lược không khoan nhượng của Uber đã phát huy tác dụng: Nhiều tính toán cho thấy doanh thu hiện tại của Uber cao gấp 12 lần Lyft, đang tăng trưởng với tốc độ nhanh gấp 10 lần.

Trong làng kinh doanh Mỹ, đôi lúc tiếng xấu lại mang về lợi nhuận. Nhiều hãng máy bay "giá rẻ, mặt dày" như Spirit Airlines hay Ryanair thường xuyên bị phơi tên trên mặt báo vì những bê bối, bị khách hàng chỉ trích thậm tệ, nhưng vẫn thu tiền đều đều.

Ví dụ, Spirit Airline thường dùng nhiều “mánh lới” để bù lại giá vé thấp như đánh thuế đồ uống và hành lý của khách. Không những vậy, CEO của hãng, ông Ben Baldanza, còn thẳng thừng tuyên bố nếu khách hàng không thoả mãn với dịch vụ của họ thì “chọn hãng khác mà bay”.

Nhiều ý kiến cho rằng cách họ kinh doanh là phi đạo đức, nhưng nếu dịch vụ rẻ và thuận tiện, phần lớn khách hàng vẫn không thể kiềm lòng. 

>> CEO của Uber: Chiến lược hiếu chiến chỉ phù hợp với các công ty khởi nghiệp

Theo LỀ PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM