Tự tử - Nỗi đau khủng khiếp trong lòng xã hội Nhật

02/07/2014 11:56 AM |

Con số 10.000 người Việt Nam chết mỗi năm vì tai nạn giao thông khiến xã hội Việt Nam đau lòng, nhưng chỉ riêng với vấn đề tự tử, nỗi đau trong lòng nước Nhật còn lớn gấp 10 lần như thế.

Nội dung nổi bật:

- Mỗi năm có khoảng trên dưới 30.000 người Nhật tự tử, mỗi tuần khoảng 660 người tự tử, mỗi ngày có 94 người tự kết thúc cuộc sống của mình. Số lượng người Nhật chết vì tự tử cao gấp 3 lần số người Nhật chết do tai nạn giao thông.

- Người Nhật coi việc tự tử rất bình thường. Treo cổ hoặc đâm đầu vào tàu đang chạy được coi như hình thức tự tử phổ biến nhất tại Nhật. Hình thức rủ nhau tự tử tập thể qua Internet bắt đầu trở nên phổ biến từ năm 2003. 

- Hầu hết người tự tử là nam giới. Lý do: Thất nghiệp, áp lực cuộc sống và công việc quá lớn, thất bại trong sự nghiệp, gặp khó khăn về tài chính.


Một chiều hè nóng nực, tôi cùng vài người bạn chờ tàu để về trường. Đã 6h tối mà tàu chưa đến, chúng tôi cố gắng chờ đến nửa tiếng trong tâm trạng hết sức ngạc nhiên. Bởi ở đất nước đề cao sự đúng giờ và nguyên tắc đến mức, có những người trẻ chỉ mơ ước tàu chậm 5 phút để họ có chút cảm giác thoát ra khỏi cuộc sống chuẩn mực lặp đi lặp lại đến chán, thì tàu chậm nửa tiếng thực sự phải có một nguyên do đặc biệt. Tệ hơn là, khi đã chờ đến cả tiếng đồng hồ mà tàu không đến, chúng tôi tìm đến quầy thông tin để hỏi thì được biết, đã có trục trặc kỹ thuật nên tàu sẽ chậm thêm 1 tiếng rưỡi nữa.

Bài viết cùng tác giả: 

Đáng ngưỡng mộ như tài xế taxi ở Nhật Bản

Câu chuyện 'nhập khẩu cô dâu' ở xứ sở hoa anh đào

Du lịch Nhật Bản, nên chọn khách sạn nào?

Những người đứng bên lề xã hội Nhật

Phụ nữ Nhật: Kết hôn và sinh con chẳng khác nào tự sát

Tác giả Ngọc Diệp hiện đang theo học Thạc sĩ Ngành Quan hệ Quốc tế tại Nhật Bản.

Có một số học sinh đứng xung quanh chúng tôi đã gọi điện cho bạn bè đang chờ tàu ở nơi được cho tàu đang chờ cho chúng tôi biết rằng có một học sinh 14 tuổi đâm đầu vào đường tàu tự tử và người ta đang dọn dẹp đường tàu cũng như mời cảnh sát đến làm các thủ tục cần thiết.

Những học sinh chia sẻ thông tin đó với tôi trong tâm trạng hết sức thoải mái và sau đó họ lại cười đùa ngay được như chẳng có chuyện gì xảy ra trong khi mấy sinh viên nước ngoài chúng tôi lặng hẳn đi, chìm trong suy nghĩ. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đón tàu về nhà nhưng trong tâm trạng rất nặng nề.

Đó là chuyện xảy ra ở khu vực ngoại thành nơi tôi sống. Còn ở thành phố lớn như Tokyo, chuyện tự tử xảy ra thường xuyên như cơm bữa, đến mức đối với nhiều người sống tại Tokyo, khi nghe tin tự tử, họ còn trách móc: “Tại sao lại tự tử giờ này vậy, sao không chọn giờ khác mà chết, làm tôi muộn tàu rồi?”

Về phía những người chết, trước khi chết, họ thường để lại thư tuyệt mệnh, và nếu tự tử ở đường tàu, họ sẽ để lại chút tiền cho người dọn dẹp đường tàu. Đường tàu Chuo Line với khu vực rừng Aokigahara dưới chân núi Phú Sỹ nổi tiếng là nơi có nhiều người tự tử bất chấp nỗ lực tuần tra gắt gao của cảnh sát.

Vấn nạn tồi tệ của xã hội

Số liệu thông kê chính thức lên các phương tiện truyền thông cho thấy mỗi năm có khoảng trên dưới 30.000 người Nhật tự tử, mỗi tuần khoảng 660 người tự tử, mỗi ngày có 94 người tự kết thúc cuộc sống của mình. Chia theo tỷ lệ trung bình với 100.000 người Nhật sẽ có khoảng 21,4 người tự tử mỗi năm. Số lượng người Nhật chết vì tự tử cao gấp 3 lần số người Nhật chết do tai nạn giao thông.

Nhưng theo một số liệu khác vào năm 2010, thống kê từ Bộ Y tế và Lao động Nhật cho thấy trong năm này, số lượng những cái chết bất thường (không có nguyên nhân từ bệnh tật, ốm đau, tai nạn) tại Nhật lên đến 171.000. Tính toán của một số chuyên gia phân tích cho thấy số lượng những cái chết có nguyên nhân do tự tử có thể chiểm từ 40 đến 50% những cái chết bất thường.

Như vậy có nghĩa là từ 70.000-80.000 người Nhật tự tử mỗi năm (theo thống kê không chính thức). Cộng với con số thống kê chính thức là 30.000, vậy mỗi năm nước Nhật có thể có tới 100.000 người tự tử. 

Con số 10.000 người Việt Nam chết mỗi năm vì tai nạn giao thông khiến xã hội Việt Nam đau lòng, nhưng chỉ riêng với vấn đề tự tử, nỗi đau trong lòng nước Nhật còn lớn gấp 10 lần như thế. Và rất nhiều trong số những người tự tử ở Nhật trước đó từng là hikikomori (những người đứng bên lề xã hội Nhật) như đã đề cập trong bài viết trước.

(Xem thêm: Những người đứng bên lề xã hội Nhật)

Tại sao người Nhật tự tử?

Tình trạng tự tử của người Nhật có rất nhiều nguyên nhân, xuất phát từ cả lý do kinh tế, văn hóa và xã hội. 

Xét từ góc độ kinh tế, thất nghiệp là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người Nhật tự tử. Từ năm 1998 đến nay, có một mối tương quan quan trọng giữa tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật và số lượng người tự tử trong độ tuổi từ 30 đến 50. Số lượng người Nhật thất nghiệp và phải nhận trợ cấp xã hội lập mức cao kỷ lục trong 50 năm vào năm 2011 (2 triệu người).

Cùng với hikikomori, tự tử có thể coi như cách biểu hiện của người Nhật khi họ đối đầu với các vấn đề trong cuộc sống; thay cho xả súng, giết người, hay biểu tình họ chọn cách lặng lẽ, độc lập thái quá trong giải quyết vấn đề của mình. 

Hãy thử tưởng tượng nếu mỗi năm 100.000 người Nhật không chọn cách tự tử mà chọn cách biểu tình đòi chính phủ tăng lương, cải thiện chất lượng cuộc sống thì sức ép lên chính phủ sẽ lớn như thế nào. Chỉ tiếc người Nhật không chọn cách ứng xử như vậy. 

Áp lực công việc cũng khiến người Nhật khổ sở, nếu như cách đây chỉ 1 thập kỷ, số người chịu áp lực quá lớn trong công việc chỉ ở mức khoảng 40%, nay con số đã lên đến hơn 70%.

Tính trung bình, người Nhật làm việc 16 tiếng mỗi ngày và thậm chí không dám nghỉ phép hàng năm.

Theo đúng quy định, mỗi người Nhật chỉ làm việc 8 tiếng mỗi ngày, nhưng để thể hiện với sếp, để chứng tỏ bản thân, người Nhật làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày và thậm chí không dám nghỉ phép hàng năm theo quy định. 

Việc nghỉ phép đồng nghĩa với bạn đang để công việc rơi vào tay người khác, và bạn sẽ có thể mất việc khi làm như vậy. 

Điều này lý giải tại sao chính phủ Nhật thiết kế ra rất nhiều ngày nghỉ lễ (không kể thứ 7 Chủ Nhật), ít nhất mỗi tháng 1 ngày để đảm bảo rằng các công ty sẽ phải đóng cửa, người lao động có chút nghỉ ngơi.

Không giống người phương Tây quan niệm việc tự tử như một tội lỗi không thể chấp nhận được, người Nhật coi việc tự tử rất bình thường. 

Đối với người Nhật, hành động tự tử được coi như hành động hy sinh cần thiết cho tập thể hoặc sự thể hiện trách nhiệm cao nhất của bản thân. Tự tử cũng được coi là hành động cần thiết để xóa sạch vết nhơ đối với thanh danh gia đình. 

Người thất nghiệp, thất bại trong cuộc sống tự coi mình như vết đen của xã hội, của gia đình, nếu chết đi, thanh danh gia đình sẽ được rửa sạch, bố mẹ họ sẽ không phải chịu sự dèm pha soi mói của xã hội nữa.

Lịch sử xã hội Nhật không hề xa lạ với những cái chết danh dự như thế. 

Xa xưa là những Samurai tự mổ bụng tuẫn tiết khi thất thủ hoặc khi chủ bị chết để tránh rơi vào tay quân thù hoặc bị làm nhục, thể hiện lòng trung thành với chủ. 

Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nhiều phi công lao máy bay vào máy bay địch tự sát. Chết để giải tỏa, để làm sạch danh dự cho bản thân và gia đình. Nhiều nhà văn Nhật như Dazai, Yukio Mishima cũng chọn cách tự tử dù đang ở đỉnh cao sự nghiệp.

Phần lớn trong số người tự tử là đàn ông, không nhiều phụ nữ Nhật chọn cách tự tử để giải quyết rắc rối trong cuộc sống của mình. 

Xã hội Nhật cho đến hiện tại vẫn đề cao vai trò của đàn ông hơn phụ nữ, chỉ số bình đẳng giới của Nhật vì vậy thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Và vì đàn ông được đề cao, nên khi họ thất bại, đó là sự sỉ nhục lớn với họ.

Khi đàn ông gặp trục trặc trong công việc, với hệ thống việc làm ở Nhật, một khi thất nghiệp, việc trở lại hệ thống “đường xe lửa một ray” chạy liên tục thực sự rất khó khăn. 

Cảm thấy không thể chịu trách nhiệm được cho gia đình với một xã hội không cho người ta nhiều cơ hội để lập doanh nghiệp và cũng thể chấp nhận mất mặt làm công việc tay chân, nhiều nam giới chọn cách tự tử.

Treo cổ hoặc đâm đầu vào tàu đang chạy được coi như hình thức tự tử phổ biến nhất tại Nhật. Hình thức rủ nhau tự tử tập thể qua Internet bắt đầu trở nên phổ biến từ năm 2003. Đối với những người rủ nhau tự tử tập thể qua Internet, họ chỉ nghĩ rằng đó là phần tiếp theo của trò chơi mà họ đang chơi trên mạng. Câu chuyện tự tử ở Nhật còn có một nguyên do khác, bắt nguồn từ giáo dục, vấn đề sẽ được đề cập trong bài viết khác.

Khi gặp khó khăn về tài chính, đàn ông Nhật còn tìm đến cái chết vì tiền. Khác với chính sách bảo hiểm ở Mỹ, theo đó, gia đình có người tự tử sẽ không được nhận một xu bảo hiểm nào, nhiều công ty bảo hiểm trả tiền bồi thường khá cao cho những vụ tự tử.

Vì vậy nhiều công ty bảo hiểm Nhật hiện đã đưa ra chính sách sẽ không trả tiền bảo hiểm cho những vụ tự tử diễn ra trong khoảng thời gian 12 tháng sau khi ký hợp đồng bảo hiểm. Dù vì bất cứ lý do gì, vấn nạn tự tử đã và đang gây ra nhiều tác động tồi tệ lên xã hội Nhật hiện tại và tương lai.

>> Phụ nữ Nhật: Kết hôn và sinh con chẳng khác nào tự sát

Ngọc Diệp

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM